06/08/2021 20:03 GMT+7

Kỷ luật đơn vị tiêm chậm, xin đừng 'cắt' vắc xin của dân

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Nơi nào tiêm chậm thì bộ kỷ luật, thậm chí cách chức những người có liên quan, thay vì chuyển vắc xin cho các đơn vị khác vì người dân không có lỗi và họ cần được tiêm vắc xin, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online nêu ý kiến.

Kỷ luật đơn vị tiêm chậm, xin đừng cắt vắc xin của dân - Ảnh 1.

Người dân khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại quận 11 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong lúc dân thì mòn mỏi chờ được tiêm phòng còn chính quyền thì thờ ơ đến mức bộ phải 'dọa' cấp cho địa phương khác! Nếu cấp cho địa phương khác thì dân phải chịu hậu quả của việc chậm trễ này sao?

Bạn đọc tranquoctuanht2@...

"Nơi nào tiêm chậm không hoàn thành đúng chỉ tiêu khi có thuốc thì nên xử lý người lãnh đạo khu vực đó"; "Cần phạt nặng đơn vị tiêm chậm"... nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đề nghị như vậy sau khi Bộ Y tế có văn bản nhắc nhở các đơn vị đẩy nhanh việc tiếp nhận và tiêm vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có nội dung nơi nào tiêm vắc xin chậm sẽ dừng phân bổ vắc xin cho đơn vị đó và phân bổ cho nơi khác.

"Tôi không đồng ý với cách thức này. Nơi nào tiêm vắc xin chậm là do khâu tổ chức, do con người, cần quy trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân trong tổ chức tiêm vắc xin, chứ ai lại chuyển vắc xin đi nơi khác, để rồi người dân chịu thiệt?", bạn đọc Hải Đăng ý kiến.

"Đề nghị phạt phường hay quận nào chậm triển khai tiêm vắc xin cho người dân. Đây không phải lỗi của dân, nếu chuyển vắc xin đi nơi khác thì thiệt thòi cho người dân lắm", bạn đọc duongthuyan.ftu@... viết.

Bạn đọc Huỳnh Thắng nêu: "Phải xem xét cẩn trọng với quyết định dừng phân bổ cho những nơi chậm nhận vắc xin vì sẽ làm cho dân địa phương nơi đó thiệt thòi. Đây là lỗi của cán bộ y tế địa phương nơi chậm nhận vắc xin, chứ không phải lỗi của nhân dân. Ai làm sai phải chịu, sao lại bắt dân phải chịu thiệt thòi theo cái sai của cán bộ y tế? 

Địa phương không nhận về tiêm cho dân thì Bộ Y tế có trách nhiệm đem thuốc xuống tiêm cho dân rồi xử lý cán bộ của mình. Sao lại có chuyện cán bộ làm sai mà dân phải gánh hậu quả?".

Cùng quan điểm, bạn đọc Tùng viết: "Vì tiêm chậm mà chuyển vắc xin cho nơi khác thì không nên. Phải xem bị vướng mắc ở đâu để kịp thời hỗ trợ. Vì mục tiêu là chống dịch".

Nhiều bạn đọc cũng đề nghị Bộ Y tế công khai số liệu phân bổ và số liệu tiêm chủng của các địa phương để người dân giám sát "thì sẽ góp phần giảm sự quan liêu ở các nơi chậm trễ này". 

"Việc tiêm vắc xin cho dân là việc phải làm gấp, không thể viện bất kỳ lý do gì để không làm, hoặc làm trễ. Bộ nên xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu không nhận vắc xin đúng kế hoạch do các yếu tố khách quan như thiếu phương tiện trữ đông, thiếu nhân lực, mà đã cố khắc phục không được thì bộ phải có giải pháp hỗ trợ kịp thời. 

Nếu có đủ phương tiện, nhân lực trong tay mà triển khai chậm thì bộ phải đề xuất Chính phủ có biện pháp mạnh: thay thế những người có trách nhiệm của đơn vị đó bằng người khác có năng lực, có trách nhiệm; có hình thức kỷ luật thích đáng", bạn đọc Quan nhấn mạnh.

"Nếu địa phương chậm trong việc triển khai tiêm bởi lý do nào đó như thiếu nhân lực, áp lực số ca nhiễm... thì việc điều chuyển vắc xin còn làm tăng thêm áp lực. Thay vào đó, hãy đề xuất chiến lược tiêm vắc xin hiệu quả với vai trò lãnh đạo đầu ngành", bạn đọc Nghia đề nghị.

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã tiêm được hơn 7,5/18,7 triệu liều vắc xin (trong đó hơn 14 triệu liều mới tiếp nhận từ giữa tháng 7 và đầu tháng 8).

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan thường trực Tiểu ban tiêm chủng, hiện vẫn còn một số đơn vị rất chậm trễ trong việc tiếp nhận vắc xin, tổ chức triển khai tiêm chủng và báo cáo tiến độ.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh dịch đang diễn biến ngày càng phức tạp và số lượng lớn vắc xin về Việt Nam trong thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế yêu cầu:

1. Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các kho Quân khu phải thông báo và thực hiện cấp phát vắc xin ngay sau khi nhận được quyết định phân bổ của Bộ Y tế cho các đơn vị. Các đơn vị phải chủ động liên hệ với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hoặc các kho Quân khu để tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng ngay số vắc xin được phân bổ.

2. Các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), các trường hợp có bệnh lý nền theo đúng nghị quyết số 21 của Chính phủ và quyết định số 3355 của Bộ Y tế. Thực hiện báo cáo, cập nhật tiến độ tiêm chủng hằng ngày theo quy định.

3. Đến ngày 10-8, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ công bố công khai kết quả tiêm chủng của đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, điều phối vắc xin cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vắc xin cho đơn vị trong các đợt tiếp theo.


Bộ Y tế: Nơi nào tiêm vắc xin chậm sẽ dừng và phân bổ cho nơi khác Bộ Y tế: Nơi nào tiêm vắc xin chậm sẽ dừng và phân bổ cho nơi khác

TTO - Đến nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa đến nhận vắc xin tại kho Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur. Đến ngày 10-8, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ điều phối cho các đơn vị khác và tạm dừng phân bổ trong các đợt tiếp theo.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên