Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án điển hình về chậm tiến độ, đội vốn đầu tư trong nhiều năm qua - Ảnh: TT
Những con số trên được Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra trong báo cáo tổng hợp công tác giám sát đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018 vừa gửi tới Thủ tướng.
Đây là năm thứ 4 các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy định gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư về Bộ Kế hoạch - Đầu tư theo quy định của Luật .
Kết quả tổng hợp giám sát của Bộ Kế hoạch - Đầu tư từ 105 bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa cho thấy nhiều chuyển biến tích cực về hiệu quả đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương.
Trong số khoảng 56.500 dự án đầu tư công thực hiện trong năm 2018, có 23.600 dự án chuyển tiếp từ các năm trước, 32.900 dự án khởi công mới.
Trong năm này, cả nước kết thúc đầu tư đưa vào khai thác hơn 30.000 dự án đầu tư công nhưng có tới 245 dự án không có hiệu quả.
Tổng số vốn được bố trí theo kế hoạch nhà nước để thực hiện dự án đầu tư công trên 631.000 tỉ đồng nhưng chỉ giải ngân đạt 463.700 tỉ đồng. Có khoảng gần 168.000 tỉ đồng chậm giải ngân theo kế hoạch.
Cũng theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các địa phương có số dự án khởi công lớn trong năm qua là TP.HCM 1.605 dự án, Thanh Hóa 1.495 dự án, Hà Nội 1.430 dự án, Bắc Giang 1.244 dự án, Lào Cai 1.219 dự án, Khánh Hòa 1.114 dự án, Long An 1.065 dự án.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công mới 3.281 dự án, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam khởi công 3.557 dự án đầu tư.
Đánh giá về tình hình đầu tư công, Bộ Kế hoạch -Đầu tư cũng nhấn mạnh vẫn còn quá nhiều dự án đầu tư công do bộ, ngành, địa phương thực hiện chậm tiến độ.
Năm 2018 cả nước có 1.778 dự án chậm tiến độ, trong đố đó có 32 dự án nhóm A (vốn đầu tư từ 10.000 tỉ đồng trở lên), 382 dự án nhóm B và1.364 dự án nhóm C.
Nguyên nhân chậm tiến độ các dự án đầu tư công được chỉ ra là chậm giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục, bố trí vốn không kịp thời, năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu yếu kém.
Việc đầu tư dự án đạm Ninh Bình không hiệu quả những năm qua đang gây thất thoát, lãng phí rất lớn - Ảnh: TT
Kết quả giám sát cũng chỉ ra trong năm 2018 có hơn 2.400 dự án phải thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư, vốn đầu tư.
Khi tiến hành kiểm tra 15.639 dự án đầu tư công thực hiện trong năm 2018 (27,8% tổng số dự án), các cơ quan thanh kiểm tra đã phát hiện 25 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 54 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 422 dự án thất thoát, lãng phí và 450 dự án phải dừng thực hiện.
Địa phương có số dự án đầu tư công thất thoát lãng phí lớn nhất cả nước là Bắc Giang với 196 dự án, tiếp đó tỉnh Phú Thọ có 111 dự án, Quảng Ngãi có 58 dự án gây thất thoát lãng phí trong đầu tư.
Một vấn đề khác cũng được Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề cập tới trong báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư gửi tới Thủ tướng là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản năm 2018 khoảng 12.500 tỉ đồng, các địa phương dẫn đầu về nợ đọng là Ninh Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Bình Định.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã yêu cầu các địa phương phải rà soát, làm rõ số nợ đọng xây dựng cơ bản này có thuộc đối tượng thanh toán theo quy định của Luật Đầu tư công.
Theo luật này, các khoản nợ đọng phát sinh sau 1-1-2015 sẽ không được thanh toán.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xử lý theo quy định của pháp luật đối với Ủy ban Dân tộc vì 3 kỳ liên tiếp (3 năm) không thực hiện báo cáo giám sát đầu tư công, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận