Với gần 72.000 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, Hà Nội đã tăng thêm 1.000 chỉ tiêu so với năm trước. Nhưng tỉ lệ học sinh được vào lớp 10 trường công lập chỉ đạt 55,7% so với con số gần 130.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9.
Tỉ lệ này thấp hơn năm trước gần 8% và thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Căng thẳng trường tốp đầu
Hà Nội phân luồng để có nhiều hướng ra cho học sinh. Cụ thể có gần 30.000 học sinh sẽ vào học các trường tư thục, trường công lập tự chủ, chiếm tỉ lệ 23,2%.
Ngoài ra có khoảng 7,7% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 học trung tâm giáo dục thường xuyên và 13,4% vào học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề.
Trong gần 72.000 học sinh tương đương với số chỉ tiêu vào học công lập, phân bố ở mỗi địa bàn cũng khác nhau. Ví dụ như ở quận Hà Đông, địa bàn có tốc độ đô thị hóa rất cao nhưng chỉ có ba trường THPT công lập.
Năm nay trường công của quận này được giao trên 2.200 chỉ tiêu, trong khi số học sinh tốt nghiệp lớp 9 trên địa bàn là trên 8.000. Ước tính chỉ có khoảng 28% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào được trường công lập.
Hà Nội chia 12 khu vực tuyển sinh, mỗi thí sinh được đăng ký ba nguyện vọng nhưng hai nguyện vọng bắt buộc phải trong cùng một khu vực tuyển sinh (nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi gia đình cư trú). Chỉ có nguyện vọng 3 được đăng ký ở khu vực bất kỳ.
Với quy định này ở khu vực tuyển sinh nào thì áp lực căng thẳng cũng xảy ra ở các trường tốp đầu. Nhiều thí sinh do đăng ký nguyện vọng không hợp lý nên khi trượt nguyện vọng 1, trượt luôn cả nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Vì nguyên tắc, để đỗ nguyện vọng 2 thì thí sinh phải có điểm thi cao hơn điểm chuẩn 1,0 điểm và đỗ được nguyện vọng 3 thì điểm thi phải cao hơn điểm chuẩn 2,0 điểm.
Vì sao xếp hàng xuyên đêm?
Hiếm có mùa tuyển sinh lớp 10 nào ở Hà Nội lại diễn ra cảnh xếp hàng xuyên đêm kinh khủng như năm nay. Ở nhiều trường như THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, THPT Tạ Quang Bửu, THPT Hoàng Cầu, THCS - THPT Lương Thế Vinh... phụ huynh xếp hàng từ 21h giờ đêm hôm trước đến trưa ngày hôm sau.
Những phụ huynh chen chân chờ xin học trường tư hoặc là con đã trượt hết các nguyện vọng vào công lập, hoặc không muốn cho con học các trường công mà họ cho rằng chất lượng chưa tin cậy.
Tuy nhiên, còn có một lý do khiến phụ huynh lo lắng, xếp hàng xuyên đêm là do cách thức tuyển sinh của các trường tư, trường công lập tự chủ.
Thay vì thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển và thời gian nhận hồ sơ, sau đó xét từ trên xuống dưới; một số trường tư, trường công lập tự chủ ở Hà Nội thông báo điểm chuẩn và mở cửa nhận hồ sơ tới khi đủ chỉ tiêu. Có nghĩa ai... nhanh chân thì được nhập học, chậm chân thì dù điểm có cao hơn điểm chuẩn 1-2 điểm vẫn hết chỗ.
Trượt cả 3 nguyện vọng
"Tôi không biết nên đã đăng ký cả nguyện vọng 1 và 2 vào các trường cùng tốp đầu. Con có mức điểm khá cao là 40,25 điểm, thiếu 0,5 điểm mới đỗ nguyện vọng 1. Nhưng con cũng không đỗ vào trường đăng ký nguyện vọng 2 vì điểm chuẩn trường này là 40 điểm, về nguyên tắc con phải đạt 41 điểm thì mới vào được trường.
Con trượt cả nguyện vọng 3, mặc dù điểm chuẩn trường này chỉ có 39 điểm, nhưng về nguyên tắc phải cộng thêm 2,0 điểm. Có nghĩa điểm của con cũng phải đạt 41 điểm mới đỗ", chị Huyền Lê, một phụ huynh xếp hàng xin học cho con vào trường tư, chia sẻ.
Một trong những lý do khiến nhiều học sinh trượt hết cả nguyện vọng 1 và 2 cũng do có sự biến động về điểm thi nói chung và biến động mạnh ở một số trường nói riêng. Ngoài ra cũng có những trường hợp đỗ nguyện vọng 2, 3 vào trường công nhưng sau khi trượt nguyện vọng 1 gia đình lại chọn trường tư, trường công lập tự chủ luôn.
Trong 117 trường THPT công lập có gần 20 trường có điểm chuẩn từ 40-44,50. Khoảng trên 50 trường có điểm chuẩn từ 35-44,50. Nhưng cũng có những trường điểm chuẩn dưới 20 điểm, thấp nhất có 4 trường điểm chuẩn chỉ có 17, chênh 26-27 điểm so với những trường tốp đầu thành phố.
Hiện tại vẫn còn 13 trường công lập đang tuyển sinh. Có những trường năm nào cũng tuyển không đủ chỉ tiêu. Nên nói như ông Trần Thế Cương, "chỗ học không thiếu" là có cơ sở. Tuy nhiên, do thiếu tin cậy về chất lượng, trường ở địa bàn quá xa nên nhiều thí sinh trượt nguyện vọng 1, 2 cũng không lựa chọn các trường còn chỉ tiêu. Chỗ học còn nhưng nhiều thí sinh "bơ vơ", chưa có chỗ học vẫn là một thực tế...
Cần 1.000 phòng học cho năm học mới
Theo số liệu của Hà Nội, với áp lực số lượng học sinh các cấp tăng, năm học 2023-2024 Hà Nội cần thêm đến trên 1.000 phòng học mới. Trong giai đoạn 2021-2025 TP Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường. Trong đó thành lập mới 225 trường, xây mới tăng thêm 8.323 phòng học và phòng học bộ môn, cải tạo, sửa chữa 631 trường với 11.803 phòng học và phòng học bộ môn, với kinh phí dự tính trên 51.000 tỉ đồng cho 1.649 dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận