Phóng to |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bảo tàng Quốc hội Ấn Độ ở thủ đô New Delhi sáng 21-11 - Ảnh: TTXVN |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định VN luôn coi Ấn Độ là người bạn tin cậy, thân thiết và chung thủy, luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ.
Ông thông báo với bà Chủ tịch Meira Kumar về mục đích chuyến thăm là mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước; thông báo kết quả hội đàm với Thủ tướng Manmohan Singh, trong đó hai bên đã nhất trí các định hướng, biện pháp lớn nhằm mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa VN và Ấn Độ trên năm trụ cột: chính trị; kinh tế, thương mại, đầu tư; quốc phòng - an ninh; giáo dục; khoa học - công nghệ.
Trước đó chiều 20-11, tại nhà khách chính phủ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Hai bên nhấn mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trên cơ sở đó, hai bên duy trì và thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương hiện có, tích cực xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể trong lĩnh vực quân sự, mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ và sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng...
Hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất để hợp tác về kinh tế, thương mại thật sự sẽ có bước phát triển mới tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Hai bên cũng cam kết phối hợp chặt chẽ về lập trường và hành động trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Ngay sau khi kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành họp báo thông báo kết quả hội đàm, chứng kiến lễ ký kết tám văn kiện hợp tác giữa hai nước: hiệp định vận chuyển hàng không, bản ghi nhớ về việc thành lập phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử Indira Gandhi tại Hà Nội, thỏa thuận về bảo vệ tương hỗ đối với trao đổi thông tin mật, bản ghi nhớ hợp tác tài chính, thỏa thuận giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Hội đồng Nghiên cứu và công nghiệp Ấn Độ, bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Quản lý Ấn Độ Bangalore, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Petro VN và Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại các lô ở VN và Ấn Độ cũng như ở các nước thứ ba, bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương VN và Công ty Tata Power về việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 công suất 1.320MW tại Sóc Trăng, VN trị giá 1,8 tỉ USD.
Kết thúc các cuộc gặp cấp cao, hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 32 điểm.
Các điểm chính của Tuyên bố chung * Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng hợp tác quốc phòng đã trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thường xuyên tiến hành đối thoại quốc phòng, huấn luyện, tập trận, tàu hải quân và cảnh sát biển thăm viếng lẫn nhau, nâng cao năng lực, trao đổi các cố vấn và giao lưu giữa các cơ quan liên quan của hai nước những năm gần đây. Việc sử dụng khoản tín dụng trong lĩnh vực quốc phòng giúp tăng cường hợp tác quốc phòng. Hai nhà lãnh đạo đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi về các điều khoản của khoản tín dụng 100 triệu USD trong lĩnh vực quốc phòng để tạo thêm động lực cho sự hợp tác sẵn có này. Hai bên hoan nghênh việc ký thỏa thuận về bảo vệ tương hỗ đối với trao đổi thông tin mật và biên bản ghi nhớ hiện đang được triển khai về đào tạo sĩ quan hải quân và không quân VN. * Hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn và quyết tâm hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở châu Á; nhất trí cho rằng tự do hàng hải ở biển Đông không nên bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Hai nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh các cam kết chung của các bên liên quan về việc tuân thủ và thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi hợp tác trong việc đảm bảo an ninh các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và tiến hành các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. * Phía VN hoan nghênh các dự án đầu tư mới của các công ty Ấn Độ trong các dự án thượng nguồn và hạ nguồn dầu khí ở VN. Hai nhà lãnh đạo hài lòng rằng Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN đã ưu tiên giới thiệu cho Ấn Độ diện tích thăm dò và khai thác dầu khí mới. * Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh và ủng hộ việc giới thiệu Tập đoàn Tata tham gia làm nhà thầu của dự án nhiệt điện Long Phú 2. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại VN và sẽ là dự án tiên phong nhằm kích thích dòng đầu tư lớn hơn từ Ấn Độ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận