Sáng 19-5, Tổng thư ký Quốc hội đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Ông Nguyễn Phú Cường có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội
Tại Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự một số cơ quan trung ương để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV bầu, phê chuẩn theo quy định tại kỳ họp thứ 5. Tại cuộc họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự. Vậy việc này sẽ thực hiện cụ thể như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tuấn Anh - phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho hay dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến, biểu quyết đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với nhân sự do Quốc hội bầu khóa XV.
"Dự kiến Quốc hội sẽ thực hiện quy trình bầu bổ sung ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Đồng thời, sẽ xem xét đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định", ông Tuấn Anh thông tin.
Đối với trường hợp Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, ông Tuấn Anh cho biết ngày 15-5, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết cho ông Nguyễn Phú Cường thôi giữ chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XV.
Ngày 16-5, ông Nguyễn Phú Cường đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xin thôi giữ chức vụ do Quốc hội khóa XV bầu.
"Như vậy, theo trình tự Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình ra kỳ họp xem xét quyết định các nội dung liên quan", ông Tuấn Anh nói.
Về lý do Trung ương cho thôi và Quốc hội tiến hành các quy trình miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Phú Cường, trả lời thêm sau đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ lý do chỉ được công bố khi Quốc hội xem xét miễn nhiệm. "Lý do không thể nói gì thêm vì đó là nguyên tắc", ông Cường nói.
Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vẫn đang kiêm nhiệm chức danh bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi ông được phê chuẩn làm phó thủ tướng tại kỳ họp bất thường thứ 2 hồi tháng 1-2023.
Kỳ họp Quốc hội chia hai đợt
Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, kỳ họp thứ 5 được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 22-5 đến 10-6, đợt 2 từ ngày 19-6 đến 23-6.
Từ ngày 11-6 đến 18-6, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 22 ngày.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết. Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án luật.
Cạnh đó, xem xét các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, trong đó có vấn đề nhân sự.
Tuổi Trẻ đặt câu hỏi việc đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về lý do tại sao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vắng mặt trong thời gian dài, không tham gia điều hành? Nếu vắng mặt dài như vậy, Quốc hội sẽ xem xét thế nào về trường hợp này, nhất là dự kiến tại kỳ họp thứ 6 tới, ông Thành sẽ là thành viên Chính phủ sẽ được lấy phiếu tín nhiệm?
Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Tuấn Anh - phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội - cho biết về trường hợp Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, theo quy định của Trung ương về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và nghị quyết của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Dự kiến việc lấy phiếu tín nhiệm này sẽ được thực hiện tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023). Ông Tuấn Anh cho hay theo quy định, trước 45 ngày dự kiến diễn ra kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định danh sách người lấy phiếu tín nhiệm chính thức.
Ông Lê Văn Thành là Phó thủ tướng, theo Luật Tổ chức Chính phủ, Phó thủ tướng sẽ làm nhiệm vụ theo quy định và sự phân công của Thủ tướng, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận