Chiều 18-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Các nội dung dự kiến được xem xét tại kỳ họp bất thường
Trình bày báo cáo, ông Bùi Văn Cường - tổng thư ký Quốc hội - cho biết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất.
Đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn...
Đến nay, tổng thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến của các cơ quan của Quốc hội nhất trí với việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Từ đó, tổng thư ký Quốc hội nêu trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng thì đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 với các nội dung.
Cụ thể, xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện.
Xem xét thông qua dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Xem xét, thông qua nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).
Kỳ họp bất thường dự kiến họp 3 ngày
Về hình thức họp, theo ông Cường, Quốc hội họp tập trung tại nhà Quốc hội.
Về thời gian, dự kiến Quốc hội họp 3 ngày, khai mạc ngày 15-1-2024 và chia thành 2 đợt (Quốc hội nghỉ 2 ngày làm việc giữa 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua).
Đợt 1: 2,5 ngày (từ ngày 15 đến sáng 17-1-2024) để tiến hành khai mạc kỳ họp, nghe trình bày tờ trình, báo cáo, thảo luận các dự thảo luật, nghị quyết.
Cụ thể, bố trí 0,5 ngày thảo luận ở hội trường đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); 0,5 ngày thảo luận ở hội trường đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Bố trí 0,5 ngày thảo luận ở tổ đối với 2 dự thảo nghị quyết còn lại và 0,5 ngày thảo luận ở hội trường/dự thảo nghị quyết.
Đợt 2: 0,5 ngày (ngày 19-1-2024) để thông qua các luật, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết căn cứ ý kiến của các cơ quan của Quốc hội thống nhất kỳ họp bất thường nếu tổ chức sẽ xem xét các nội dung trên. Ông lưu ý nên xem xét lại việc nghỉ 2 ngày giữa 2 đợt có quá dài hay không.
Ông Huệ đề nghị các cơ quan, ủy ban của Quốc hội cần quyết tâm thực hiện 2 dự án Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi để có thể tổ chức kỳ họp bất thường.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Chính phủ rất quyết tâm để có thể hoàn thiện, trình 2 dự án luật trên ra kỳ họp bất thường của Quốc hội.
Về chuẩn bị kỳ họp thứ 7, ông Bùi Văn Cường cho hay dự kiến Quốc hội khai mạc vào ngày 20-5-2024 và chia thành 2 đợt họp.
Đợt 1 dự kiến 14 ngày (từ ngày 20-5 đến ngày 6-6-2024) chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn.
Đợt 2 dự kiến 8 ngày, từ ngày 17-6 đến ngày 26-6-2024; chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc 22 ngày, dự kiến bế mạc ngày 26-6-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận