Đề cập cụ thể câu chuyện du lịch nông nghiệp nông thôn Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, nói rằng đang ngày càng có nhiều làng quê đáng sống ở Việt Nam, mỗi người dân là một đại sứ du lịch.
Du lịch xanh là xu thế tất yếu
Theo Phó thủ tướng Lê Thành Long, với tiềm năng to lớn ở Việt Nam, du lịch nông thôn gắn liền với việc khai thác các giá trị văn hóa bản địa sẽ là lựa chọn góp phần thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị; vừa quảng bá, tôn vinh, bảo tồn và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương.
Bà Zoritsa Urosevic, phó tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới UN Tourism, cho rằng câu chuyện từ các làng du lịch tốt nhất thế giới đã cho thấy sức tác động to lớn từ du lịch.
Nhiều ngôi làng từ chỗ đối diện với việc biến mất do suy giảm dân số, cộng đồng biến đổi hẳn trước sức ép đô thị được hồi sinh.
Theo bà Zoritsa, loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn với trục cốt lõi là khai thác giá trị văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường, lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương để tạo trải nghiệm cho du khách chính là loại hình du lịch tinh túy, đa mục tiêu.
Đây cũng là hình thức du lịch rất phù hợp cho những nước giàu bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và cộng đồng cư dân sống ở vùng nông thôn rộng lớn như ở Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng từ rất lâu, định hướng du lịch Quảng Nam đã chỉ rõ giá trị tiềm năng to lớn của du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch xanh.
Quảng Nam đã thống kê được 125 điểm du lịch để khai thác du lịch nông nghiệp nông thôn. Du khách khắp thế giới đã biết đến Trà Quế, Mỹ Sơn, rừng dừa Bảy Mẫu.
Cứ 1 triệu du khách tới Quảng Nam thì có 30% chọn trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn.
Các chuyên gia du lịch cho rằng Hội An là minh chứng rõ nhất cho việc tận dụng văn hóa, giá trị cộng đồng dân cư để khai thác du lịch.
Từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới tới nay, mỗi người dân ở Hội An đều chứng kiến sự thay đổi chính mình.
Làng quê làm du lịch, nhà nhà làm du lịch, cộng đồng hợp sức đón khách. Bà con chia nhau mỗi phần việc, mỗi thế mạnh, mỗi vị trí để đón khách về tham quan chính đời sống, văn hóa của chính mình.
Cũng nhờ du lịch bền vững thiên về trải nghiệm, tìm hiểu chiều sâu mà Hội An được UNESCO đánh giá là điển hình truyền cảm hứng cho thế giới về việc bảo tồn kết hợp phát huy giá trị di sản.
Để cộng đồng quyết định tương lai làng mình
Từ câu chuyện thành công thực tế của các làng du lịch nông nghiệp nông thôn trên thế giới, khi nhìn nhận lại quá trình chuyển biến, chủ nhân các làng lẫn chuyên gia du lịch UN Tourism thống nhất rằng chỉ khi mỗi thành viên cộng đồng được tham gia và quyết định đến tương lai của làng mình, du lịch mới thành công.
Việc tận dụng các kênh để quảng bá, trong đó có việc kết nối với các tổ chức, chương trình du lịch toàn cầu như UN Tourism sẽ đưa các ngôi làng từ hẻo lánh ra "ánh sáng", đổi đời từng người dân.
Bà Apolonia Rodrigues, chủ tịch hiệp hội Dark Sky, nơi sở hữu ngôi làng Cumeada (Bồ Đào Nha) là làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2021, nói rằng ngôi làng của bà từng suýt biến mất vì suy giảm dân số.
Khi ý tưởng du lịch lấy cảnh tượng bầu trời ở làng Cumeada huyền ảo diệu kỳ vào ban đêm làm sản phẩm du lịch, chính quyền đã để dân tự thảo luận và quyết định cách thức đón khách.
Tương tự, sự thành công ở 5 làng du lịch tốt nhất thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Indonesia hay Trung Quốc… đều có một nguyên tắc chung: Cộng đồng đưa ra ý kiến và trưởng làng quyết định, chính quyền đứng sau hỗ trợ chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Khi mỗi người dân được tham gia ý kiến, họ sẽ chịu trách nhiệm với chính mình. Sự thành công hay thất bại đều tự cá nhân mỗi thành viên chịu trách nhiệm.
Ông Đặng Quý Nhân, đại diện văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng du lịch sẽ là cách tốt nhất để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
"Bài học từ làng Thái Hải ở Thái Nguyên cho thấy sức mạnh của sự đồng thuận trong mỗi thành viên cộng đồng.
Trong khi các nơi người dân đang có nhu cầu phá bỏ nhà truyền thống để xây nhà bê tông, người Tày ở Thái Hải lại đồng thuận giữ lại 40 mái nhà truyền thống.
Bà con có cách tiếp khách, chia sẻ cộng đồng với nhau đầy riêng biệt. Các giá trị truyền thống, riêng có được phô diễn và tạo thành điểm mạnh để khai thác du lịch" - ông Nhân nói.
Việt Nam đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn; đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn.
Nhiều địa phương đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như Lào Cai, Quảng Nam, Cần Thơ...
Phó thủ tướng Lê Thành Long cũng cho rằng các chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương song song với phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, cần đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách.
Đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận