Xin thưa, nấm đã góp phần chiến thắng bom mìn đấy! Vâng, đó là một câu chuyện cảm động, liên quan đến cuộc vật lộn của những nạn nhân bom mìn, không cam chịu đầu hàng số phận.
Ông Đỗ Thiên Đăng với công việc hằng ngày - Ảnh: Xuân Dũng |
Còn chồi nảy cây...
Đã từng nghe về ông, nay mới được gặp mặt. Đó là ông Đỗ Thiên Đăng, trú tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Người đàn ông ngoài 50 tuổi này cụt cả hai chân đến quá đầu gối sau một tai nạn bom mìn thảm khốc. Cuộc sống ông có lúc tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt. Nhưng rồi nói như người dân Quảng Trị kiên gan bền chí: “Đừng than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Hiện ở Quảng Trị ngoài lực lượng quân đội có chức năng rà phá bom mìn thì còn có các tổ chức quốc tế cùng chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh và đã làm việc này rất hiệu quả. Đó là MAG - tên viết tắt của Mines Advisory Group của CHLB Đức - hoạt động ở Quảng Trị từ năm 1999. Đó là SODI, một tổ chức rà phá bom mìn cũng của CHLB Đức, hoạt động tập trung ở ba tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Riêng ở Quảng Trị từ năm 1998 đến đầu 2014, SODI đã xử lý bom mìn với diện tích gần 800ha, phá hủy gần 60.000 vật liệu nổ, tái định cư cho dân của ba làng, đó là Phường Cội, Cồn Trung (huyện Cam Lộ), Tân Định (huyện Triệu Phong). SODI cũng đã tổ chức một triển lãm ảnh tại thủ đô Berlin về 10 năm rà phá bom mìn ở Quảng Trị, thu hút sự quan tâm của dư luận. |
Thấy người hỏi thăm, ông Đăng ngừng tay rựa đang vót nan tre, nở nụ cười tươi rói. Ông đang đan lẵng hoa, giỏ hoa để bán cho các tiệm hoa. Trước đó, ông đan các loại rổ, rá bằng tre để bán. Nhưng rồi đồ nhựa lấn lướt dần nên ông xoay sang làm các vật dụng gắn liền với hoa phục vụ sinh nhật, đám tang, đám cưới. Tre thì ông mua từ những làng quanh đó, sản phẩm đã có bạn hàng quen mối đến lấy về bỏ chợ. Nghề này lấy công làm lãi nên phải kiên trì nhẫn nại như con ong. Tôi ngồi nhìn ông với đôi bàn tay hình như không ngưng nghỉ, miệng nói chuyện tay vẫn làm, bền bỉ từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này qua năm khác.
Ông không kêu ca, phàn nàn, chỉ thỉnh thoảng lại cười bằng mắt. Một nụ cười có vẻ an nhiên tự tại. Ông bảo nghề này trừ chi phí thì mỗi ngày cũng kiếm được bảy tám chục ngàn đồng, góp phần trang trải cho cuộc sống gia đình. Vợ ông lo toan đồng áng để nuôi con cái ăn học. Nhắc đến chuyện học hành, ông vui vẻ hẳn cho biết có một con gái đang là sinh viên trường cao đẳng sư phạm. Ông chỉ vào chiếc xe máy ba bánh thường dùng cho người khuyết tật, rồi cho biết từng chở con gái vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng dự thi đại học.
Khi nghe tôi hỏi: “Nghe anh có trồng nấm nữa mà. Việc này có hiệu quả không anh?”. Ông Đăng cười nói: “Đúng là tôi có trồng nấm, được lắm. Mùa nấm chỉ khoảng trong ba tháng. Mỗi tháng thu hơn 2 triệu đồng. Vì chỉ có ba tháng nên thời gian còn lại tôi phải làm thêm nghề khác để kiếm tiền”. Ông chỉ cho tôi xem nhà trồng nấm trước mặt mình. Tôi nhìn thấy cơ ngơi trồng nấm vừa mới thu hoạch xong nay tạm nghỉ chờ thời vụ sau. Những giàn, giá trồng nấm nay lại làm điểm tựa cho những khung tre để gắn hoa.
Ông Đăng cho biết mình với nhiều hộ ở huyện Triệu Phong đã trồng nấm sò, nấm linh chi, đặc biệt là nấm linh chi đỏ quý, giá một cân đến 600.000 đồng. Ông nói tiếp: “Nghề trồng nấm phù hợp với nạn nhân bom mìn, những người khuyết tật và hạn chế sức khỏe. Nhà trồng nấm và bịch giống nấm thì đã có dự án Restoring the Environment and Neutralizing the Effects of the war (Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh, viết tắt là RENEW) cung cấp. Sản phẩm thì dự án cũng mua cho mình, rất thuận lợi cho bà con trồng nấm. Đây cũng là một hướng làm ăn kinh tế hiệu quả đối với nạn nhân bom mìn. Đương nhiên những người như tôi trước hết phải cố gắng tự mình vươn lên, nhưng sự giúp đỡ của xã hội, của các tổ chức quốc tế cũng quan trọng lắm chứ. Có vậy chúng tôi mới giảm bớt khó khăn, có thêm thu nhập bằng chính công sức của mình”.
Trồng nấm trong nhà thuộc dự án Renew tại huyện Cam Lộ, Quảng Trị - Ảnh: Ngô Xuân Hiền |
“Sứ mệnh của nấm”
Đó là một cách gọi khác của dự án RENEW của Hoa Kỳ, được Chính phủ VN triển khai từ năm 2001.
Anh Ngô Xuân Hiền, phụ trách truyền thông của dự án, cho hay dự án này được triển khai từ năm 2009 và sẽ kết thúc vào năm 2015, với sự tham gia của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đài Loan, cựu chiến binh Úc, Đại sứ quán Nhật Bản. Cho đến nay dự án đã giải ngân được gần 1 triệu USD để giúp nạn nhân bom mìn và những người khuyết tật, hạn chế sức lao động và cả người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đến thời điểm tháng 3-2014 đã có 193 hộ gia đình thụ hưởng. Toàn tỉnh Quảng Trị có năm nhà trồng nấm cộng đồng, một ở huyện Gio Linh, một ở Đắk Rông và ba ở huyện Cam Lộ phục vụ 63 hộ dân; 130 hộ dân còn lại trồng riêng tại nhà. Kinh phí mỗi nhà trồng nấm gia đình 12 triệu đồng cũng do dự án tài trợ.
Tôi thắc mắc Quảng Trị khí hậu khắc nghiệt, thời tiết bất thường mà trồng nấm là một việc không đơn giản, nhất là các loại nấm cao cấp như linh chi đỏ, làm sao các hộ dân có thể làm được? Anh Hiền cho hay thực tế người dân đã làm rất tốt. Việc quan trọng nhất là chuyển giao kỹ thuật thì đã có chuyên gia Sở Khoa học - công nghệ Quảng Tri là tiến sĩ Tạ Nhân Ái và cộng sự đảm trách. Nếu không nắm được cách trồng nấm đâu có thể thu nhập từ nấm, sống được từ nấm. Một vụ nấm ba tháng có thể thu nhập đến 10 triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với người dân lành lặn, khỏe mạnh, huống chi nạn nhân bom mìn.
Chị Đoàn Thị Muôn ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), một gia đình nạn nhân bom mìn, cho biết đang tính bỏ nghề rà bom mìn để trồng nấm. Bởi vì trồng nấm kiếm được nhiều tiền hơn và quan trọng nhất là không nguy hiểm. Nhiều người khác như chị Nguyễn Thị Liên ở xã Cam Nghĩa, anh Hoàng Kim Phương từng bị bom mìn giáng họa đều có chung suy nghĩ về việc trồng nấm. Đúng là sứ mệnh của nấm đã mở ra một hướng đi cho những phận người kém may mắn.
Ông Nguyễn Đức Chính, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ghi nhận dự án RENEW đã gặt hái nhiều thành công quan trọng, đáp ứng các mục tiêu đặt ra ban đầu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã gửi lời chia sẻ: “Tôi rất vui khi được biết việc trồng nấm đang cải thiện cuộc sống của những nạn nhân bom mìn tại VN”. Hiệu quả dự án cũng đã thu hút sự quan tâm của đồng bào xa xứ. Năm 2012 bà Lê Hoàng Kim, Việt kiều Mỹ, phu nhân của ông Nguyễn Cao Kỳ, cùng một số người đã về thăm Quảng Trị và sau đó tài trợ dự án xây dựng 30 ngôi nhà trồng nấm ở hộ gia đình.
Năm 2015 khi dự án chấm dứt thì sứ mệnh của nấm sẽ đi về đâu? Anh Ngô Xuân Hiền trả lời ngay: “Dự án đã tính tới điều này và đã có phương án chuyển giao cho Sở Khoa học - công nghệ Quảng Trị để tiếp tục giúp bà con khó khăn, trong đó có nạn nhân bom mìn, vẫn có thể tiếp tục trồng nấm và thu nhập được từ chính nghề này”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận