28/04/2014 10:55 GMT+7

Kỳ cuối: Đánh thức tính thiện

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Không chỉ làm dịu đi nỗi đau đớn của những bậc sinh thành hay những nạn nhân trong những vụ án đã xảy ra, mà mục đích của những lá thư xin lỗi còn để đánh thức những điều tốt đẹp nhất trong mỗi con người.

g6UamFl1.jpgPhóng to
Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, thăm hỏi một nạn nhân đến dự buổi giao lưu “Gửi lời xin lỗi” tại trại giam Thủ Đức - Ảnh: Hoàng Điệp

Mong là sự thật

Là người nhận được lá thư xin lỗi của chính người đã lừa mượn chiếc xe máy của mình rồi mang đi cầm đồ dẫn đến phải nhận mức án 12 tháng tù giam, ông Nguyễn Văn Hỏa rất ngạc nhiên khi đọc lá thư của phạm nhân Nguyễn Hữu Chỉnh. “Tôi không tin là Chỉnh có thể viết được những dòng chữ như vậy, bởi đó là một lá thư tình cảm khiến tôi rất xúc động”.

Là hàng xóm ở thôn Hiệp Hòa, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, ông Hỏa không lạ gì cậu bé hàng xóm ham chơi, mải nghịch. Ngay tại buổi gặp gỡ diễn ra tại trại giam Thủ Đức, Chỉnh cũng nói với ông Hỏa rằng: “Cháu mong chú tha thứ cho lỗi lầm của cháu. Cũng chỉ bởi cháu đua đòi theo bạn bè mà không nghĩ đến hậu quả của việc mình làm nên mới phải trả giá cho những sai lầm này”.

Tội mà Chỉnh gây ra là lấy chiếc xe máy của ông Hỏa mang đi cầm đồ.

“Việc tổ chức cuộc vận động viết thư xin lỗi của phạm nhân gửi ra sau song sắt chính là những giây phút có thể giúp phạm nhân nói được hết những tâm tư nguyện vọng của mình, và những lời hứa, những mong mỏi đó của phạm nhân chính là động lực và mục tiêu để họ hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi mãn hạn cải tạo. Chúng tôi cũng mong rằng xã hội hãy đón nhận họ và tạo điều kiện cho họ thật sự trở thành những người tốt. Bởi cuộc đời này không có ai là không mắc sai lầm, và tôi tin trong bất kể con người nào, kể cả sát nhân máu lạnh, cũng có rất nhiều phần lương thiện” - thượng tá Phạm Quang Tư nói.

Khi chú cháu gặp nhau tại trại giam Thủ Đức, Chỉnh phải khoác trên mình chiếc áo phạm nhân khiến ông Hỏa không khỏi ngậm ngùi: “Chỉnh còn trẻ nên nếu được giáo dục tốt thì có thể trở thành người tốt. Và tôi mong những gì Chỉnh nói trong lá thư là thật, hi vọng Chỉnh thật sự muốn trở thành người tốt”. Tuy nhiên, ông Hỏa cũng cho rằng ông trân trọng và xúc động với những gì phạm nhân viết trong thư, là bởi sự giáo dục và thức tỉnh của những người làm công tác giáo dục trong các trại giam, nhưng ông cho rằng khi trở về nhà có hẳn một môi trường khác. “Tôi không biết các anh chị, các em có thể vẫn nhớ những gì mình đã viết hay không” - ông Hỏa nói.

Cho rằng môi trường, thái độ của gia đình, người thân rất quan trọng đối với sự trở về của những phạm nhân sau thời gian chấp hành án phạt tù, ông Hỏa cũng nói lời cảm ơn những gì anh chị em cán bộ trại giam đang thực hiện. “Tôi cảm ơn các anh chị cán bộ trại giam bởi chính sự giáo dục của anh chị để tôi nhận thấy cháu Chỉnh đã có những suy nghĩ khiến tôi thật bất ngờ. Tôi cũng hi vọng các anh chị tạo điều kiện để cháu sớm trở về với gia đình và xã hội, và tôi cũng mong cháu sẽ thật sự thay đổi như cháu đã viết”.

Không phải ai cũng tha thứ

Trong hàng ngàn bức thư được gửi đi, phần lớn là thư xin lỗi gửi về cho thân nhân các phạm nhân, một phần không nhiều là thư gửi cho thân nhân bị hại hoặc những người bị hại. Nhưng không phải người bị hại nào cũng sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của những phạm nhân này, nhất là những người đã bị mất đi người thân của mình.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - người đã dành rất nhiều thời gian đi gặp gỡ gia đình, thân nhân những người bị hại để nghe được những tâm sự của họ sau khi nhận được lá thư - cho rằng: “Không phải ai cũng dễ nguôi ngoai như thế. Rất nhiều người không vượt qua được nỗi mất mát lớn lao. Chúng tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ”.

Câu chuyện mà ông Hùng kể là lá thư của một phạm nhân mang án chung thân bởi đã giết chết một cô gái. Khi các cán bộ công an lần theo địa chỉ để tìm đến gia đình nhà cô gái xấu số thì gặp hai vợ chồng già đang chăm sóc nhau.

Ông bà có hai người con, một người đã qua đời vì bệnh tật, một người thì bị giết. Bởi vậy khi nhắc đến lá thư của phạm nhân gửi, không chỉ bà khóc mà cả ông cũng khóc. Họ nói không thể tha thứ cho hành động ấy của phạm nhân. Việc viết thêm bức thư giống như thêm một lần nữa xát vào nỗi đau của gia đình bị hại mà ông bà đã cố gắng quên đi. Ở cái tuổi đáng lẽ ông bà được chăm sóc, vui vẻ với con cái thì phạm nhân kia đã tước đi mạng sống của con gái họ không một lý do.

“Khi con chết tôi đau một, ra tòa tôi nghe nó khai giết con tôi, tôi đau thêm lần nữa, nhận lá thư của nó viết, tôi tưởng nỗi đau đớn đã được ngủ yên thì lại trỗi dậy. Và tôi không bao giờ tha thứ”. Đó là buổi gặp gỡ rất buồn. Và dù không thực hiện được mục đích của chuyến đi nhưng anh em cán bộ công an trại giam đều hiểu rằng không phải lỗi lầm nào cũng có thể bỏ qua, và không phải thời gian khi nào cũng xóa nhòa đi được mọi nỗi đớn đau, nhất là những người làm cha mẹ ở tuổi ngả chiều, xế bóng.

Ai cũng có tính thiện

Việc vận động viết thư gửi lời xin lỗi được Tổng cục 8 Bộ Công an triển khai từ tháng 7-2013 và tháng 11-2013 đã diễn ra những chương trình tổng kết đầu tiên của các trại. Tuy nhiên, vận động phạm nhân viết thư là một chuyện, việc giáo dục các phạm nhân như thế nào để họ cảm thấy có niềm tin ở cuộc sống ngày mai và nhận ra lỗi lầm của mình mới là điều quan trọng.

Thượng tá Phạm Quang Tư - phó giám thị phân trại số 4, trại giam Thủ Đức - chính là người đã vỗ vai và nói với phạm nhân Trần Hoàng Sơn, người bị chuyển từ Bắc vào Nam vì liên tục vi phạm nội quy trại cải tạo, rằng: “Hãy sống vì mọi người, đừng để mọi người phải sống vì mình”. Câu nói khiến phạm nhân Sơn, một người đàn ông 47 tuổi mang cái án ma túy 20 năm, phải nhiều đêm mất ngủ rồi quyết tâm cải tạo tốt để sớm được trở về với con gái. “Khi Sơn được đưa về phân trại do tôi quản lý, “thành tích” của Sơn rất nhiều anh em biết rồi, đến cả các phạm nhân ở phân trại với Sơn cũng biết. Vậy nên ngoài việc cán bộ trại chuyện trò chia sẻ với Sơn mỗi khi có cơ hội, còn là sự cởi mở của các anh em phạm nhân khác, trong đó có nhiều người quê ở miền Bắc như Hải Phòng, Thái Bình... để Sơn có cảm giác ấm áp ở ngay nơi mình phải học tập và cải tạo” - thượng tá Tư chia sẻ.

Và đây không chỉ là kết quả giáo dục của riêng phạm nhân Sơn mà còn là tất cả phạm nhân khác. “Trong mỗi con người đều mang tính thiện, có thể bởi một phút sai lầm mà mang tội và cả quãng đời sau đó đã phải trả giá bằng việc không được tự do sống ngoài xã hội rồi. Bởi vậy, trại giam không phải là nơi để trừng phạt mà là nơi để những người lầm lỗi có thể nhận ra lỗi lầm của mình và quay về” - thượng tá Phạm Quang Tư nói. Và để chia sẻ được với anh em phạm nhân trong trại, chính là sự gần gũi và chia sẻ của cán bộ công an: “Đó là những lúc sau buổi chào cờ, những giờ sinh hoạt tập thể hoặc nghỉ ngơi, tôi đều dành thời gian trò chuyện với các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn thông qua hồ sơ lý lịch của họ. Có những phạm nhân vào trại nhiều năm trời nhưng không có người thân đến thăm, có phạm nhân già yếu, bệnh tật cũng không được con cái ngó ngàng tới nên họ rất tủi thân. Thậm chí có người nói mãn hạn tù không biết sẽ đi đâu. Bởi vậy, việc động viên để họ lao động học tập và có sự yêu thương đùm bọc, chia sẻ là rất cần thiết”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên