TTCT - Tuy không xa xôi như châu Âu hay châu Mỹ, nhưng phần lãnh thổ Palestine nằm ở Bờ Tây sông Jordan lại ẩn chứa nhiều điều lạ lẫm đối với người Việt Nam. Thành phố lưng chừng núi - Ảnh: Nguyễn Ngọc Hùng Palestine đi liền với cảm giác về một vùng đất bất an. Trong tâm trí nhiều người, dường như vùng đất ấy chỉ toàn trại tị nạn, không ngày nào không có biểu tình, ném đá chống quân đội Israel chiếm đóng, đánh bom liều chết và bắt bớ... Để vào Palestine phải được phép nhập cảnh do Israel cấp bởi từ năm 1967 đến nay, Israel chiếm đóng toàn bộ phần đất Palestine ở Bờ Tây sông Jordan, cấm cửa bất cứ ai mà họ không muốn cho vào Palestine. Trong khu vực Israel đã trao cho chính quyền Palestine kiểm soát về hành chính và trật tự, chẳng có sân bay nào hoạt động. Đường bộ duy nhất để vào là từ phía Jordani, vương quốc có quan hệ ngoại giao với Israel qua cửa khẩu đường bộ “Cầu Hussein” (mang tên nhà vua quá cố, cha của vua Abdullah II đang trị vì). Tuy nhiên, sự uy nghiêm đến lạnh sống lưng của khu vực cửa khẩu này khiến người qua lại liên tưởng đến một vùng đệm giữa hai quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh! Đất trời lạ lẫm Cảm nhận đầu tiên khi ngồi trong xe chạy vào Palestine là nỗi hả hê của người vừa trút được một gánh nặng tâm lý. Cảm nhận ấy càng được nhân lên nhờ không gian khoáng đãng trải ra trước mắt. Con đường lao sâu vào lãnh thổ với những vạt núi đồi hoang vắng đến tĩnh không. Ngút tầm mắt một màu vàng sáng của sa mạc. Khô khốc và cằn cỗi là một phần chiếm diện tích mênh mông của lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây. Nhưng rồi xuất hiện những vùng đồi phủ xanh ôliu, loại cây trồng đặc trưng và phổ biến nhất ở xứ sở này. Nông thôn đầy ôliu đã đành, không ngôi nhà nào ở thành phố có khoảnh sân vườn nhỏ mà vắng bóng ôliu. Ở những khu vực làng mạc và dân cư tập trung, có thể thấy nhiều đồi ôliu tầm cỡ trang trại. Thật lạ khi thấy một cây ôliu bách niên mà tán lá vẫn xanh mướt, sum suê, dày đặc những chùm hoa trắng đục li ti đang mùa thụ phấn. Tháng 5 vẫn se lạnh nhưng bầu trời luôn nắng chói chang. Cái nắng vàng ươm từ trên trời giội xuống như được hút vào sa mạc núi đồi khiến vạn vật cứ tươi rói mà không hề chói mắt. Nắng như đổ lửa mà không hề thấy oi bức. Giữa trưa, chen chân trong dòng người họp chợ dân dã ở trung tâm thành phố Rummallah, không thấy ai đội mũ. Một thiếu phụ trùm khăn Hijab đẩy chiếc xe nôi với một cháu nhỏ chưa đầy tuổi đang ngủ ngon lành, khuôn mặt bầu bĩnh thản nhiên phơi giữa nắng. Càng lạ hơn khi chúng tôi cứ đi suốt ngày dưới nắng như thế mà chỉ thấy ai cũng hồng hào hơn chứ không hề đen cháy. Thảo nào các thiếu nữ Palestine cứ đẹp như trong tranh thánh! Chợ quê tại Rummallah - Ảnh: N.N.H. Thành phố 10.000 năm Jericho, mà người Palestine gọi là Areeha, là một địa phương độc đáo giữa những cái lạ lẫm của Bờ Tây. Thành phố cổ kính này vừa kỷ niệm 10.000 năm hình thành, đúng ngày Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Đây là một vùng trù phú với màu xanh phủ kín mặt đất. Hoa rực rỡ, lá tươi xanh. Một thông tin độc đáo được ông tỉnh trưởng cung cấp: lượng oxy trong không khí ở đây cao hơn mức trung bình của thế giới tới 7%. Đó là một trong những yếu tố khiến thảm thực vật ở Jericho trở nên rất độc đáo và chất lượng rau quả vượt trội. Chà là Jericho cho sản lượng không cao nhưng được coi là loại hảo hạng bậc nhất thế giới. Tiếc là chúng tôi chỉ được thấy những chùm hoa chà là hệt như hoa cau của ta, bởi bây giờ không phải mùa thu hoạch loại quả đặc trưng Ả Rập này. Đất lành chim đậu. Jericho thu hút người tứ xứ đến mua đất dựng biệt thự sân vườn. Đại sứ Palestine tại Hà Nội, ông Saadi Salama, cung cấp một thông tin thú vị: Jericho có thể coi là địa phương tự do nhất Bờ Tây. Ở đây, ai muốn theo đạo thì theo, theo đạo nào tùy thích. Ai muốn uống rượu, uống bia thì tùy. Ai tu nhân tích đức cứ việc. Và ai chơi bời nhảy nhót cũng chẳng sao! Ấy vậy mà không có gì rắc rối trong xã hội. Cứ nhìn những ngôi nhà của người Palestine thì rõ. Tuyệt nhiên không kín cổng cao tường. Không thấy khung cửa sổ nào dùng chấn song. Ôtô đủ loại thoải mái để qua đêm giữa sân trống hoặc bên lề đường. Palestine thật là một xã hội an bình như thường thấy ở các quốc gia còn giữ được nền tảng đạo đức và trật tự Hồi giáo truyền thống. Nhà thờ Máng Cỏ tại Beit Lahem - Ảnh: N.N.H. Trên những con đường quanh co uốn lượn theo các triền núi đất trọc lốc, thỉnh thoảng bắt gặp một vài cụm cư dân khác lạ. Đó là những nhóm dân du cư truyền thống nơi sa mạc Ả Rập, thường gọi là “người Bad’wi”. Họ là một thế giới riêng tách biệt hoàn toàn với cuộc sống thời hiện tại. Nơi ở của họ không biết nên gọi là cái gì, không phải nhà, cũng không ra lều. “Kiến trúc” thảy đều như những ngăn hộp nhỏ, thấp lè tè đủ để chui vào. Vật liệu toàn là đồ phế thải, từ gỗ thùng, cây tạp, đến cactông, tấm tôn... Tất cả ráp lại sao cho đủ che nắng, chắn gió. Xung quanh liền kề với vách “nhà” là chuồng gia súc, chủ yếu là cừu và dê. Tuyệt nhiên không thấy một “kiến trúc” vệ sinh hay dịch vụ nào. Không điện, không nước dù là tự nhiên hay công nghiệp. Ông thị trưởng thành phố Jericho cho biết người Bad’wi tự chọn cách sống như vậy. Nay đây mai đó, họ không chấp nhận bất cứ sự quản lý nào dù là Israel hay Palestine. Chính quyền chỉ có thể giúp cung cấp nước bằng xe bồn. Ngoài ra, họ tự túc và tự quản hoàn toàn. Sự cách biệt giữa xã hội Bad’wi ở đây với các đô thị và làng mạc còn lại có thể ví như những nhóm người tiền sử ngang nhiên tồn tại giữa thế kỷ 21. Một cây ôliu cổ thụ trong vườn nhà - Ảnh: N.N.H. “Rốn” của trái đất Một điều ít người biết đến là lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây ôm trong mình một vùng “rốn của Trái đất”. Đó là khu vực biển Chết. Nếu dãy núi Himalaya là nóc nhà của thế giới thì biển Chết là nơi trũng sâu nhất của tất cả năm châu. Khu vực này chạy dài giữa Jordan và Israel - Palestine. Lãnh thổ Bờ Tây của Palestine sở hữu phần lớn độ dài phía tây bắc của biển Chết, phần còn lại phía tây nam của bờ biển này thuộc lãnh thổ Israel. Nhưng kể từ sau chiến tranh 1967, Israel đã chiếm trọn quyền làm chủ toàn bộ chiều dài phía tây “cái rốn” độc đáo này của thế giới. Con đường xe hơi từ thành phố Rummallah về hướng đông để đến Jericho (đô thị nằm ở phía tây bắc biển Chết) uốn lượn giữa hai bên sườn núi đất cứng trọc lốc cứ hun hút như trườn xuống vực thẳm. Thỉnh thoảng có một dải màu xanh vắt ngang sườn núi bên đường chỉ độ sâu của vị trí dưới mực nước biển: -100m, rồi -150m và đến gần bờ biển Chết là... -430m! Ngồi trong xe máy lạnh kín bưng mà cứ như đang bay trên độ cao vạn mét. Đầu ong ong, tai ù ù gần như điếc đặc! Không hiếm người đã “hưởng” cái cảm giác trên chín tầng mây hoặc dưới hầm sâu bưng bít. Nhưng chắc cảm nhận về một không gian mênh mông lọt thỏm dưới -400m so với mực nước biển thì quả là hiếm có! Làm gì có khu vực nào trên thế giới này có một biển Chết thứ hai nữa chứ?! Biển Chết quả là xứng với danh xưng của nó theo nghĩa đen. Lọt thỏm giữa lục địa khô cằn là hồ nước mênh mông bát ngát, mặn đến mức không sinh vật nào sống được. Điều kỳ thú là tắm tại biển Chết người ta không thể chết đuối được. Không biết bơi người cũng cứ nổi lềnh phềnh, tha hồ nằm ngửa giữa làn nước sóng sánh mà ngắm bầu trời bao la cao vời vợi không một gợn mây. Ấy thế mà chất nước ở biển Chết là nguyên liệu cực kỳ quý hiếm cho công nghiệp bào chế mỹ phẩm dưỡng da. Phụ nữ đến đây ngoài ngâm mình dưới nước, trát bùn đen mặn lên khắp người... ai ra về cũng mang theo một lô mỹ phẩm dưỡng da có một không hai trên thế giới. Tags: PalestineBờ TâyBiển Chết
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Phi công tiêm kích Su30-MK2 kể về màn khoan, thả đạn nhiễu NAM TRẦN 19/12/2024 Tập trung cao độ, phi công điều khiển chiếc tiêm kích Su30-MK2 mang số hiệu 8591 tiến về phía khu vực lễ đài, bật tăng lực bay thẳng đứng thả 96 quả đạn nhiễu, đồng thời làm động tác khoan xoay nhiều vòng.
Kẻ đốt quán cà phê làm 11 người chết khai: vì bị đánh nên không kiềm chế được bản thân DANH TRỌNG 19/12/2024 Tại công an, Cao Văn Hùng tỏ ra bình thản, khai do bị đánh nên thiếu suy nghĩ, không thể kiềm chế được bản thân dẫn đến phóng hỏa đốt quán cà phê làm 11 người chết.
Điện Quang báo lỗ, ông Hồ Quỳnh Hưng không còn là người đại diện pháp luật BÌNH KHÁNH 19/12/2024 Ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện Quang, không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Người thay thế là ông Trần Quốc Toản.
Ông Putin bất ngờ tuyên bố sẽ cho ông Zelensky tị nạn chính trị NGỌC ĐỨC 19/12/2024 Tổng thống Nga khẳng định không thể trách quyết định ân xá con trai của ông Biden, đồng thời tuyên bố sẽ cấp tị nạn chính trị cho ông Zelensky nếu ông ấy cần.