Phóng to |
Đoàn võ thuật Thiếu Lâm Tinh Anh Bắc Kinh (Trung Quốc) biểu diễn tại VN - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Xem các đường côn, bài quyền, khí công... của các nhà sư Thiếu Lâm, càng hiểu thêm vì sao Thiếu Lâm tự luôn được người Trung Hoa ngưỡng mộ, kính trọng. Trong các kiệt tác của mình, văn hào Kim Dung cũng luôn xếp Thiếu Lâm tự vào hàng "Thái sơn Bắc đẩu".
Quảng bá kung-fu Thiếu Lâm
Từ năm 1999, Thiếu Lâm tự thành lập các đoàn võ thuật Thiếu Lâm để quảng bá môn võ công số 1 Trung Hoa này khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới.
Thiếu Lâm tự có lịch sử hơn 1.500 năm. Sự phát triển của ngôi chùa này gắn liền với tên tuổi của một nhân vật huyền thoại là Bồ Đề Đạt Ma. Thiếu Lâm tự nằm ở phía tây bắc huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Chùa được xây dựng trong rừng rậm núi Thiếu Thất nên được gọi là Thiếu Lâm tự.
Bức xúc trước việc thương hiệu Thiếu Lâm tự bị vi phạm trắng trợn bản quyền khi hiện có hơn 117 thương hiệu Thiếu Lâm đã đăng ký độc quyền tại 11 quốc gia và lãnh thổ, các nhà sư chùa Thiếu Lâm đã xin đăng ký "Công ty Phát triển công nghiệp Thiếu Lâm Hà Nam" tại 80 quốc gia, nhằm tránh việc tự tiện sử dụng danh xưng của chùa trên thế giới.
Ngoài ra Thiếu Lâm tự cũng đã nộp hồ sơ lên UNESCO để đề xuất được xếp hạng di sản văn hóa thế giới.
"Thiên hạ công phu xuất thiếu lâm" là câu nói khẳng định vị thế của Thiếu Lâm, chứng tỏ uy tín của môn phái này trong làng võ thuật Trung Hoa và quốc tế.
Ngoài VN, các nước châu Á thường được Thiếu Lâm chọn để biểu diễn, truyền thụ, quảng bá võ công của mình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Lào, Campuchia...
Không chỉ vậy, Thiếu Lâm đã bén rễ tại Mỹ và các nước châu Âu khác. Theo lời ông Vương Thanh - Trưởng đoàn Võ thuật Thiếu Lâm vừa sang trình diễn tại VN, thì hiện Thiếu Lâm đã thành lập hơn 40 võ đường ở các quốc gia trên thế giới.
Hằng năm số lượng môn sinh theo học Thiếu Lâm cũng tăng đến mức chóng mặt. Trung bình mỗi năm Thiếu Lâm thu nhận khoảng 100.000 đồ đệ trong nước và khoảng 2.000 đồ đệ là các du học sinh nước ngoài. Khác với suy đoán của nhiều người, hiện nay Thiếu Lâm cũng mở rộng cửa thiền để thu nhận khá nhiều môn sinh là phái nữ theo học. Tuy nhiên, tất cả các môn sinh này đều được học ở các võ đường bên ngoài chùa Thiếu Lâm.
Nói đến việc quảng bá thương hiệu Thiếu Lâm, ông Vương Thanh cũng nhìn nhận rằng, tác gia Kim Dung là người có nhiều đóng góp giúp Thiếu Lâm trở thành môn phái mà ai ai cũng biết.
Cơ hội cho người Việt mê võ Thiếu Lâm
Trong đợt sang VN lần này, Đoàn võ thuật Thiếu Lâm Trung Quốc đã bàn thảo với Báo Sài Gòn Giải Phóng để từ năm 2005 sẽ tổ chức đưa các môn sinh VN sang Trung Quốc học Thiếu Lâm.
Đối tượng được đăng ký theo học là những người có năng khiếu võ thuật và là học sinh trung học cơ sở trở lên. Tại các lò đào tạo võ Thiếu Lâm ở Trung Quốc sẽ dạy cả văn lẫn võ nên ngoại ngữ cũng là yếu tố đầu tiên đối với các môn sinh nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận