27/05/2019 18:53 GMT+7

Kỳ án con giết mẹ mù: Tòa bất ngờ hoãn tuyên, tự thu thập chứng cứ

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Hàng loạt tình tiết mâu thuẫn cùng chứng cứ ngoại phạm của bị cáo đã khiến Hội đồng xét xử hoãn tuyên án để làm sáng tỏ vụ án.

Kỳ án con giết mẹ mù: Tòa bất ngờ hoãn tuyên, tự thu thập chứng cứ - Ảnh 1.

Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa sơ thẩm lần 2 - Ảnh: T.P

Ngày 27-5, TAND tỉnh Bắc Giang đã quyết định hoãn tuyên án đối với bị cáo Vi Văn Phượng (51 tuổi) về hành vi giết mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Vui.

Lý do là Hội đồng xét xử xét thấy cần phải xác minh, thu thập chứng cứ nhưng không thể thực hiện ngay tại phiên tòa.

Thời hạn mở lại phiên xét xử sẽ được tòa thông báo sau.

Trong các ngày xét xử vừa qua, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phượng đã đưa ra rất nhiều chứng cứ ngoại phạm quan trọng của bị cáo.

Cụ thể, vào ngày xảy ra vụ án, bà Vui ăn mì tôm lúc 6h sáng. Kết quả giám định khi thì kết luận nạn nhân chết sau khi ăn 3-4 tiếng, lúc lại kết luận chết sau ăn 3-5 tiếng.

Trong khi đó, lúc 11g10 phút bị cáo vẫn ngồi cùng mọi người. Sau đó mới di chuyển mất thêm khoảng 20 phút để về đến nhà.

Theo các luật sư, quãng thời gian này rõ ràng không trùng khớp với thời điểm nạn nhân chết như giám định và cáo buộc của cáo trạng bị cáo đâm chết mẹ lúc 11h.

Trong khi đó, các tài liệu khoa học cho thấy mì tôm là thức ăn nhẹ nên thời gian tiêu hóa chỉ mất khoảng 90 phút.

Bào chữa cho bị cáo Phượng, luật sư Trần Văn An cho biết nhân chứng đầu tiên đến hiện trường lúc 11h24 khẳng định lúc đó đã thấy máu bà Vui chảy ra bị khô đen lại, các vết thương cũng không còn chảy máu.

Khi luật sư đặt câu hỏi đơn giản là "máu nạn nhân chảy ra khỏi cơ thể trong bao lâu thì bị khô, đen" thì cơ quan giám định trả lời không biết.

Trước các chứng cứ như vậy, Viện KSND tỉnh Bắc Giang vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị tử hình Vi Văn Phượng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Trần Văn An cho biết mặc dù pháp luật có quy định nhưng rất ít khi tòa hoãn tuyên để tự đi thu thập chứng cứ. Thường thì xét thấy vấn đề gì còn chưa sáng tỏ, tòa sẽ trả hồ sơ cho cơ quan điều tra tự điều tra bổ sung.

"Sau khi thu thập chứng cứ, tòa có thể sẽ tiếp tục tuyên án, quay lại xét xét hỏi hoặc trả hồ sơ. Tuy nhiên, trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài và có dấu hiệu oan sai như vụ án này thì việc tòa án cẩn trọng, hoãn tuyên và tự thu thập chứng cứ là điều rất cần thiết" - Luật sư An cho biết.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, đã hai lần bị kết án tử hình về hành vi giết mẹ ruột nhưng việc Vi Văn Phượng có phạm tội hay không vẫn gây rất nhiều tranh cãi. 

Vụ án từng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình giám sát oan sai và cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên