19/07/2019 14:30 GMT+7

‘Kỳ án’ buôn lậu gỗ trắc tiếp tục... ly kỳ

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Sáng 19-7, sau một tuần nghị án phiên xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng có liên quan đến nhóm cán bộ hải quan Quảng Trị và Đà Nẵng, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chưa thể tuyên án mà quay lại phần xét hỏi, tranh luận.

‘Kỳ án’ buôn lậu gỗ trắc tiếp tục... ly kỳ - Ảnh 1.

Sau một tuần nghị án, phiên tòa phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ lại phải tiếp tục chờ thêm nhiều ngày nữa mới có thể tuyên án-Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Tại phần tranh luận, bị cáo Trương Huy Liệu - phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng - cho rằng việc khởi tố vụ án buôn lậu là hình sự hóa vụ việc. Nếu có hành vi vi phạm thì chỉ xử lý hành chính theo nghị định của Chính phủ. Và bị cáo cũng cho rằng chỉ vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm hình sự khi chứng minh được gỗ đó là gỗ khai thác tại rừng Việt Nam. 

‘Kỳ án’ buôn lậu gỗ trắc tiếp tục... ly kỳ - Ảnh 2.

Bí cáo Liệu cho rằng vụ việc đang bị hình sự hóa - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đại diện Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng (VKS) tranh luận rằng vụ án được khởi tố sau khi có thông báo về kết quả hỗ trợ tư pháp từ Lào. Căn cứ xác minh cho thấy phía Lào không có xuất lô gỗ nào như tờ khai. Cho nên việc khởi tố là đúng. 

Vị đại diện VKS cũng nói về việc vì sao trước đây có công văn của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an (C46) trả lời là sự việc xử lý hành chính nhưng Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) lại xử lý hình sự. 

"Viện kiểm sát thấy rằng việc trả lời của C46 hay bất cứ cơ quan nào về việc không khởi tố vì không có căn cứ pháp luật hình sự là một ý kiến cá nhân. Kể cả khi C46 có quyết định không khởi tố vụ án thì với thẩm quyền, chức năng của VKS, qua công tác kiểm sát, có quyền hủy quyết định đó"- vị này nói. 

‘Kỳ án’ buôn lậu gỗ trắc tiếp tục... ly kỳ - Ảnh 3.

Đại diện Viện kiểm sát tranh luận tại phiên tòa sáng 19-7-Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đại diện VKS cũng nói rằng cho đến hôm nay, VKS cũng chưa nói rằng bị cáo Liệu, bị cáo Trần Thị Dung, giám đốc Công ty Ngọc Hưng (vợ của Liệu) có tội. Mà việc đó phải chờ HĐXX tuyên án.

Bị cáo Liệu cho rằng đối tượng buôn lậu phải là hàng cấm, hàng của bị cáo buôn bán không cấm nhập, không cấm xuất và trong bộ luật Hình sự, thông tư, nghị định… không có điều luật nào quy định gỗ đã đóng thuế nhập khẩu rồi mà bị khởi tố về tội buôn lậu. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét minh oan cho các bị cáo. 

HĐXX thông báo sẽ nghị án và sẽ tuyên bản án chính thức vào ngày 26-7. 

"Kỳ án" buôn lậu gỗ kéo dài gần 8 năm, qua nhiều phiên xét xử nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Theo hồ sơ, ngày 17-12-2011, Công ty Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị) nhập lô gỗ 614m3 (gỗ trắc và gỗ giáng hương) từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, lô gỗ được xuất sang Trung Quốc, được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt.

Khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) để chuyển đi Trung Quốc thì bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan, nên đã giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng xử lý.

Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án. Vụ án được chuyển cho C46. Sau đó, C46 có công văn kết luận "chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu". Hồ sơ vụ án được C46 trả về. Nhưng tiếp đó hồ sơ lại được chuyển sang C44 và cơ quan này ra quyết định khởi tố các bị can trên.

Khi vụ án chưa đưa ra xét xử nhưng tháng 12-2013, ông Phan Văn Vĩnh - lúc đó là trung tướng, thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an - đã đề xuất "cho xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ". Và lô gỗ được bán với giá 63,8 tỉ đồng.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên