30/04/2006 04:07 GMT+7

Kỳ 5: Vàng đổi chủ

Phamvu
Phamvu

TT - Kế hoạch chuyển 16 tấn vàng ra khỏi VN đã không thành. Chiếc máy bay của không quân Mỹ cất cánh từ Tân Sơn Nhất quay lại căn cứ Clark (Philippines) ngày 27-4 hoàn toàn trống rỗng. Đó cũng là lúc quân giải phóng tiến sát Sài Gòn.

dLHZZeCT.jpgPhóng to

Từ trái sang: ông Nguyễn Văn Binh, ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông Dương Văn Minh, ông Nguyễn Văn Hảo (đứng phía sau ông Minh) và ông Vũ Văn Mẫu đang nói chuyện với đại diện quân giải phóng trưa 30-4-1975. (Ảnh do gia đình nhà báo Boris Gallash tặng đại tá chính ủy Bùi Văn Tùng)

TT - Kế hoạch chuyển 16 tấn vàng ra khỏi VN đã không thành. Chiếc máy bay của không quân Mỹ cất cánh từ Tân Sơn Nhất quay lại căn cứ Clark (Philippines) ngày 27-4 hoàn toàn trống rỗng. Đó cũng là lúc quân giải phóng tiến sát Sài Gòn.

Kỳ 1: Ông Thiệu đã chuyển 16 tấn vàng sang Mỹ?Kỳ 2: Chuyến ra đi bí mậtKỳ 3: Không có ánh sáng cuối đường hầmKỳ 4: Kế hoạch bí mật từ dinh tổng thống

“Tôi đến đây vì 16 tấn vàng...”

Khoảng 8g ngày 30-4, những chiếc xe tăng T54 đầu tiên thuộc lữ đoàn 203 của quân giải phóng lao nhanh về hướng cầu Sài Gòn.

Cùng lúc đó, tổng thống Dương Văn Minh (lên nắm quyền thay ông Trần Văn Hương ngày 28-4), phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, thủ tướng Vũ Văn Mẫu, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, tổng trưởng thông tin Lý Quí Chung cùng những người thuộc “nhóm ông Minh” và lực lượng thứ ba đang có mặt đông đủ tại phủ thủ tướng (số 7 Lê Duẩn hiện nay). Công việc quan trọng nhất của ông Minh và cộng sự lúc này là soạn thảo và thu âm lời tuyên bố về việc ngưng bắn, chờ bàn giao chính quyền cho chính phủ cách mạng.

Trong khi thủ tướng Vũ Văn Mẫu đang thảo lời tuyên bố nói trên thì có một nhân vật xuất hiện. Đó là tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Hảo. Ông Hảo là phó thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ của chính phủ Nguyễn Bá Cẩn, nên khi ông Minh lên làm tổng thống, ông Hảo sẽ không còn quyền hành chức trách nữa. Vậy ông đến đây để làm gì? Dân biểu Nguyễn Văn Binh (có mặt tại phủ thủ tướng và dinh Độc Lập ngày 30-4-1975) kể lại với Tuổi Trẻ vào tháng 4-1995:

“...Lúc đó tôi đang trò chuyện với tổng thống Dương Văn Minh. Cuộc trò chuyện phải tạm dừng vì có người cần gặp tôi ngoài cổng. Đó là tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo. Ông Hảo lúc đó đang phân bua gì đó với tốp lính gác. Thấy tôi bước ra, ông Hảo liền nói:

- Anh Binh, tôi cần gặp đại tướng có chuyện quan trọng, liên quan đến khoản tài sản lớn của quốc gia.

- Tài sản gì?

- Vàng! Tôi đến đây vì chuyện đó...

Tôi đưa ông Hảo vào gặp tổng thống Dương Văn Minh và tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Diệp. Sau đó, ông Hảo và ông Diệp trao đổi khá lâu về chuyện 16 tấn vàng mà ông Hảo biết rất rõ”.

9g30, đoàn xe đưa ông Dương Văn Minh và cộng sự từ phủ thủ tướng về dinh Độc Lập. Ông Nguyễn Văn Hảo cũng đi theo.

Gần hai tiếng đồng hồ sau, xe tăng quân giải phóng tiến vào sân dinh. Ông Minh, ông Huyền, ông Mẫu, ông Binh và hơn 10 người khác (kể cả ông Nguyễn Văn Hảo) bị tạm giữ cho đến chiều 2-5-1975, sau khi đại diện Ủy ban quân quản tuyên bố: “Kể từ giờ phút này, các anh là khách của chúng tôi, các anh sẽ được tự do về nhà sống trong hòa bình”.

Nhưng trước khi được trả tự do vào tối 2-5, ông Nguyễn Văn Hảo cứ đi đi lại lại trong phòng, với “tâm sự” về 16 tấn vàng chưa được ai lưu ý. Khi biết ông Minh, ông Huyền, ông Mẫu được mời lên gặp gỡ riêng với tướng Trần Văn Trà, ông Hảo cũng đã đề nghị được làm việc về một chuyện quan trọng. Cuối cùng, ông Hảo đã được mời lên lầu gặp lãnh đạo Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Câu chuyện liên quan đến 16 tấn vàng đã được ông Hảo trình bày chi tiết và đề nghị Ủy ban quân quản tiến hành tiếp quản và kiểm kê ngay.

Tiếp quản kho vàng 16 tấn vàng lúc đó nằm ở đâu?

PxHGRWWA.jpgPhóng to
Ông Hoàng Minh Duyệt - Ảnh: T.T.D.

Vẫn nằm ở trụ sở Ngân hàng Quốc gia. Cả hai chi tiết mà Frank Snepp và tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nêu ra trong Cuộc tháo chạy tán loạn và Hồ sơ mật dinh Độc Lập đều thiếu chính xác. Không có chuyện 16 tấn vàng đã được đóng thùng sẵn (chờ chở đi) và lại càng không có chuyện “số vàng ấy nằm ở sân bay khi quân của tướng Dũng tràn vào Tân Sơn Nhất”.

Nó vẫn nằm nguyên vẹn dưới tầng hầm ở số 17 Bến Chương Dương.

Vào chiều 30-4, sau khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và Sài Gòn được giải phóng hoàn toàn, trụ sở Ngân hàng Quốc gia vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các nhân viên ngân hàng và các cảnh sát viên, dưới sự chỉ huy của một thiếu tá. Họ đã không rời vị trí vì nhiệm vụ của họ là bảo vệ an toàn kho tiền và vàng dự trữ, không để nó bị xâm nhập, cướp phá giống như nhiều tòa nhà và trụ sở lân cận. Họ giữ vị trí cho đến khi những người lính giải phóng xuất hiện.

Người kể chi tiết đó là ông Hoàng Minh Duyệt, chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia. Là chuẩn úy thuộc lực lượng công an vũ trang, ông Duyệt được điều động vào Tây Ninh, công tác tại đơn vị C282 Q.

“Chúng tôi được giao nhiệm vụ vào tiếp quản các ngân hàng ở Sài Gòn - Gia Định. Chiều tối 30-4, đơn vị chúng tôi vào tới nội thành và tạm trú tại Trường Cao Thắng. Lúc đó trong Trường Cao Thắng có rất đông đồng bào miền Trung di tản cũng tạm trú ở đó. Thoạt đầu bà con rất sợ chúng tôi (chắc do tin đồn Việt cộng sẽ “tắm máu”), nhiều thiếu niên bỏ trốn khi chúng tôi vào. Nhưng rồi tối đó, chúng tôi cùng đồng bào trò chuyện ca hát suốt đêm...

Sáng 1-5, theo phân công, đơn vị chúng tôi đến trụ sở Ngân hàng Quốc gia số 17 Bến Chương Dương. Trước cửa trụ sở lúc đó ngổn ngang súng ống, quần áo, đồ đạc nhà binh. Chúng tôi tiến vào bên trong ngân hàng. Các nhân viên bảo vệ ngân hàng vẫn còn đó, kể cả viên thiếu tá cảnh sát.

Chúng tôi cho họ về nhà và triển khai đội hình bảo vệ tòa nhà. Lúc ấy, thú thật là chúng tôi không hề biết trong đó có 16 tấn vàng, chỉ biết đây là mục tiêu cần bảo vệ nghiêm ngặt trong những ngày đầu giải phóng. Tôi cũng không biết ông Nguyễn Văn Hảo là ai, nhưng chúng tôi được lệnh của cấp trên là phải cử hai chiến sĩ đi bảo vệ ông Hảo. Vào thời gian ấy, tôi thấy ông Hảo thỉnh thoảng có đến ngân hàng làm việc gì đó.

Tôi chỉ biết được tầng hầm chứa vàng ở đây khi tham gia nhóm kiểm kê. Nhóm kiểm kê lúc đó có tôi, anh Lân và anh em trong đơn vị; về phía Ban kinh tài có anh Huỳnh Kỳ Thanh, cô Tiếp... Về phía Ngân hàng Quốc gia có hai anh viên chức cũ ở đây là anh Huỳnh Bửu Sơn và anh Lê Minh Kiêm.

Tầng hầm chứa vàng sáng choang, khá rộng, rộng đến mức có thể... đá bóng được. Tiền và vàng được cất giữ trong những tủ sắt đặt trong các hầm. Mỗi cửa hầm đều có ổ khóa riêng, sau lớp cửa đó là cửa hầm tự động với khóa bằng mã số. Lần đầu tiên tôi thấy vàng nhiều như thế, thấy được những thỏi vàng như thế.

Tôi thò tay định cầm thử một thỏi lên, anh Huỳnh Bửu Sơn thấy vậy phì cười: “Không lấy thế thì khó mà nhấc được”. Quả thật, một thỏi vàng coi nhỏ vậy mà nặng khoảng 13kg. Tôi lại thấy nhiều loại đồng tiền vàng rất đẹp, rất lạ và nghe nói rất quí, cả những cúc áo bằng vàng thật độc đáo.

Chúng tôi nhìn rất thích nhưng chẳng ai “xơ múi” dù chỉ một đồng tiền vàng. Mà thật ra không ai trong chúng tôi có ý nghĩ gì bậy bạ, bởi mọi người đều rất vô tư và trong sáng. Cả những anh em viên chức cũ của ngân hàng cũng vậy, như anh Huỳnh Bửu Sơn chẳng hạn. Tôi và Sơn lúc ấy còn rất trẻ và cùng lứa tuổi với nhau.

Chỉ cách đó vài hôm, chúng tôi là hai người thuộc hai chế độ khác nhau, còn bây giờ chúng tôi hay ngồi đánh cờ và tâm sự với nhau trong hòa bình... Sơn nói: “Mình sẽ không ra đi, mình ở lại VN và góp chút sức mình cho xứ sở...”.

Chúng tôi lúc ấy ngồi trên một đống vàng, nhưng những khao khát xen lẫn suy tư về ngày mai còn nặng hơn số vàng 16 tấn kia”.

Ông Hoàng Minh Duyệt đã nhắc đến ông Huỳnh Bửu Sơn, người quản lý kho vàng nhiều năm với tư cách là lãnh đạo Nha phát hành Ngân hàng Quốc gia. Trong số báo tới, chúng ta sẽ nghe câu chuyện và tâm sự của ông Huỳnh Bửu Sơn trong những ngày đó, cũng như chi tiết về cuộc kiểm kê kho vàng lần cuối cùng trước khi giao cho chính quyền cách mạng.

------------

- Kỳ tới: Người giữ chìa khóa kho vàng

Phamvu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên