Phóng to |
Lạc đà đi giữa lườn núi cát Minh Sa sắc nhọn tựa lưỡi dao |
Xem video clip: "Con đường tơ lụa - Phần II"Kỳ 1: Theo dấu chân những người "khổng lồ"Kỳ 2: Đi vào hành lang Hà TâyKỳ 3:Dấu xưa trường thànhKỳ 4: Thánh địa giữa sa mạc
Cát nhấp nhô như rồng núi cuộn mình, nằm ngoằn ngoèo hơn 40km. Đỉnh cát cao 250m, hiểm trở, lườn cát sắc nhọn tựa lưỡi dao sáng dưới nắng vàng óng ánh. Mà cũng có thể gọi là biển, vì khi đã bước chân vào đây, bạn sẽ thấy mình ngập chìm trong mênh mông cát, không rõ từ đâu về đâu.
Những con thuyền sa mạc
Một tảng đá to khắc ba chữ Minh Sa Sơn báo hiệu lối vào sa mạc. Vé vào sa mạc có giá 120 tệ, và phải thuê một đôi ủng vải màu cam sặc sỡ với giá 10 tệ để có thể đi lại trên cát. Người ta bán đủ những thứ bạn cần cho một cuộc hành trình vào nơi gió cát: nón, kính mát, nước suối… Một lời dặn đáng sợ của hướng dẫn viên trước lúc khởi hành: đừng để rơi bất cứ thứ gì xuống cát, cát sẽ nuốt mất ngay, không bao giờ tìm lại được! Cánh đàn ông mọi quốc tịch nghe đến mấy chữ "không bao giờ tìm được" là nghĩ ngay đến… vợ ở nhà!
Vào sa mạc tất nhiên phải thuê lạc đà, 60 tệ một con, mỗi con đều có bảng số riêng, và đi thành tốp do một người dẫn đường, họ thường đi bộ.Yên lạc đà là một tấm thảm dày, đặt giữa hai bướu, có hai thanh gỗ dài nẹp hai bên, lại có bàn đạp để chân, có vòng sắt để làm tay cầm. Lên xuống lạc đà cũng là một kỳ công. Vì những "con thuyền sa mạc" này đứng lên, nằm xuống bao giờ cũng theo ba nhịp: khuỵu gối trước, hạ chân sau, hạ chân trước (và ngược lại, nếu đứng lên) khiến người trên yên cũng phải ba lần "sấp ngửa" chúi về trước, lại ngã về sau, rồi lại lao về trước.
Chúng tôi nối nhau tiến vào sa mạc như những đoàn thương buôn năm xưa trên đường vạn lý. Cảnh tượng thật hùng vĩ, lãng mạn và thơ mộng giữa vô hạn nắng và cát. Tôi thật biết ơn tiếng chuông lạc đà, như khúc nhạc của người bạn đường chung thủy. Mọi âm thanh giữa biển cát đều mất hút theo gió, duy chỉ có tiếng chuông vang vang ấy là giữ được trong lòng sự bình yên trước nỗi cô đơn sợ hãi của phận người như một hạt cát giữa vô cùng thời gian.
Đi vào biển cát, chúng tôi như lạc vào thế giới của sắc độ sáng tối, mà hóa công là nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy. Có lớp lớp đụn cát như dãy nón lá bài thơ úp trên bãi biển, có dáng núi như bộ ngực, bờ lưng người phụ nữ ta chưa từng được gặp... Gió mài cát thành thấu kính lõm phẳng như tuyệt đối để gọi ta đến gần. Nhưng khi ta đến nơi, gió đã vẽ lên cát những muôn vàn hoa sóng. Có đoạn, gió khắc cát thành nham thạch. Có đoạn, cát chảy trên cát thành dòng, như họa tiết của đá trên đá. Có đoạn, hai bên trên dưới đều là những taluy cát dốc cao tối sẫm, chỉ có lối đi ở giữa, vừa đủ bước chân lạc đà... Và gió lạnh khiến ta cũng quên mình đang bị nhuộm nắng.
Có lúc chúng tôi tạm rời lạc đà để leo lên núi cát. Dốc cát khó leo, bước chân như bị hút sâu xuống, như bị kéo lùi ra sau theo dòng cát trôi xuôi. Dấu chân mình sớm muộn gì cũng bị biến mất như chưa hề xuất hiện. Và cảm giác một thân một mình không biết bám víu vào đâu khiến ta thấy mình nhỏ nhoi hơn bao giờ hết. Nhưng gió chờ trên đỉnh cao chiêu đãi mọi người niềm vui chinh phục. Trên ấy có đủ các trò chơi cho những ai muốn tìm cảm giác lao mình xuống: tàu lượn trên không, môtô trượt cát, phao trượt cát… Rồi chúng tôi cũng lao theo máng tre trượt cát để thử một lần nghe gió hát sau lưng.
Gặp gỡ giữa sa mạc
Phóng to |
Hồ Nguyệt Nha giữa biển cát. Bên hồ có các công trình kiến trúc thời nhà Thanh như chùa Minh Sơn, cung Tam Thanh, miếu Dược Vương... - Ảnh: Lê Na |
Minh Sa có nghĩa là cát kêu. Cát nơi đây hình hạt gạo, sắc vàng. Vào ngày nắng đẹp, gió cát vang lên âm thanh như tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng trống rất lạ tai. Vào ban đêm, có lúc gió nổi, cát bay chạm vào nhau thành những đốm hoa lửa rất lạ mắt. Ngạc nhiên hơn nữa, giữa sa mạc cát lại có một hồ nước trong xanh, bốn mùa không cạn, dáng như ánh trăng lưỡi liềm, được gọi là Nguyệt Nha Tuyền.
Điều chưa thể giải thích nổi là ngàn năm qua, núi cát vẫn không thay hình đổi dạng, và dù bão cát đến thế nào vẫn không vùi lấp được hồ Nguyệt Nha. Cát bay xong vẫn trở về chốn cũ. Hiện tượng cát kêu, hoa lửa và gió vòng kỳ bí cùng với hang động Mạc Cao kỳ vĩ đã biến Đôn Hoàng cổ đại thành miền đất Phật linh thiêng, nhất định ai ai đến đây cũng phải ghé qua, như cuộc hành hương về đất thánh.
Chúng tôi kết thúc một ngày khó quên nơi vùng sa mạc bằng bữa tiệc thịt dê tại Dương Gia Kiều thôn, trong căn nhà khang trang của lão tiên sinh Trương Hóa Quân. Ông tự xưng là nông dân, nhưng nhà lại có thư phòng, trong thư phòng có bút mực và nghiên giấy và đã có một cuộc đàm đạo về thư pháp giữa ông Trương và anh Lữ Trung Đạt, giám đốc Công ty giấy Lệ Hoa, thành viên trong đoàn. Trong cơn vui và say chữ nghĩa, chúng tôi bước vào bữa tiệc với dê quay nguyên con trong hầm lò đốt bằng củi gỗ cây táo dựng sau vườn nhà ông Trương.
Theo đúng tục lệ ở đây, khi đầu dê quay tròn mấy vòng rồi dừng lại trước đôi vợ chồng doanh nhân trẻ mới cưới Quang Thuận - Quỳnh Trâm, chúng tôi sung sướng với dịp may hiếm có, được chúc phúc bằng ly rượu cao lương (cũng cất ngay trong vườn nhà họ Trương) cho hai bạn mình đang hưởng tuần trăng mật với hành trình xuyên Tây Bắc Trung Hoa.
_________________
Một bất ngờ ở Hỏa Diệm Sơn. Trái với mọi sự chuẩn bị từ trước, bất ngờ khi đến đây lại đón… gió lạnh như gió từ quạt ba tiêu!
Kỳ tới: Qua miền đất lửa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận