27/07/2016 14:55 GMT+7

Kỳ 4: Ông đại biểu “táo gan”

NGUYỄN VIỄN SỰ, viensu@tuoitre.com.vn
NGUYỄN VIỄN SỰ, [email protected]

TTO - Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường gọi đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Quốc hội khóa XI) là “người bước một chân vào lịch sử Quốc hội”.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Ảnh: VIỄN SỰ
Ông Nguyễn Đức Dũng - Ảnh: VIỄN SỰ

Tại kỳ họp này cách đây 12 năm, ông Dũng đã trở thành đại biểu đầu tiên trong lịch sử Quốc hội có đơn đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bốn bộ trưởng.

Khó như hái sao trên trời

Câu chuyện về phiếu tín nhiệm bây giờ đã trở thành thông lệ ở Quốc hội, khi từ năm 2013 Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên cho các chức danh được Quốc hội bầu. Nhưng 12 năm trước, khi đại biểu Nguyễn Đức Dũng gửi đơn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc này, báo chí lúc bấy giờ coi đây là chuyện động trời.

Cánh phóng viên tường thuật Quốc hội vẫn nhớ rõ từ khi bản tin đầu tiên về việc đại biểu Nguyễn Đức Dũng đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bốn bộ trưởng được đăng ngày 24-5-2004, suốt cả tuần sau đó cái tên của ông trở thành “từ khóa” hot của tuyến thông tin Quốc hội.

Nhiều bài báo đã gọi ông là đại biểu “táo gan” khi dám đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm bốn tư lệnh ngành, điều mà chưa một đại biểu Quốc hội nào từng làm.

Gặp lại đại biểu Nguyễn Đức Dũng sau cú “bước một chân vào lịch sử” năm nào, nhắc lại chuyện xưa, ông cười nhẹ nhàng: “Báo chí cứ bảo tôi là “táo gan” nhưng thật ra tôi chỉ làm điều mà luật cho phép!”.

Ông Dũng kể bốn người ông đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm lúc đó là các bộ trưởng giáo dục và đào tạo, y tế, bưu chính viễn thông và bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Thể dục và thể thao. 

“Tôi cũng rất đắn đo khi đề nghị, bởi tôi thừa hiểu nếu để việc này được thực hiện theo luật là cần 20% đại biểu trở lên đề nghị. Đó là việc khó như “hái sao trên trời”.

Nhưng bốn vị bộ trưởng mà tôi đề nghị đều đang nắm giữ những bộ, ngành mà khi đó trên cương vị đại biểu, tôi thấy có nhiều vấn đề nổi cộm. Tôi muốn dùng việc bỏ phiếu tín nhiệm như một sự cảnh tỉnh!” - ông Dũng nhớ lại.

Ngược lại thời gian, chúng tôi kiếm lại những trang báo tường thuật nghị trường vào thời điểm đó để tìm lại sự “cảnh tỉnh” mà đại biểu Nguyễn Đức Dũng nói.

Và quả thật, ở những kỳ họp trước đó đại biểu “táo gan” Nguyễn Đức Dũng từng chất vấn nhiều lần các bộ trưởng này. Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm lần đó, ông Dũng nói như một liều thuốc nặng đô hơn để thể hiện sự cương quyết của mình.

Người được ông Dũng “quan tâm” nhất là bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Minh Hiển. Trước khi đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một năm, đại biểu Nguyễn Đức Dũng từng đề nghị lập ủy ban điều tra về chất lượng giáo dục. Với bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Thể dục và thể thao Nguyễn Danh Thái, trả lời báo chí lúc đó, ông Dũng đặt vấn đề:

SEA Games 22 tổ chức thành công nhưng sân vận động Mỹ Đình vừa tổ chức xong đã có dấu hiệu xuống cấp, việc chọn nhà thầu cũng có những vấn đề phải làm rõ, báo chí lúc đó đã có nhiều bài viết đặt nghi vấn.

Với bộ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Đỗ Trung Tá, ông Dũng nêu lý do phải bỏ phiếu tín nhiệm vì để xảy ra vụ tham nhũng ở VNPT đến hàng ngàn tỉ đồng và bộ trưởng phải liên đới trách nhiệm...

“Tôi biết nhiều đại biểu cũng muốn (bỏ phiếu tín nhiệm) nhưng tâm lý chung lại đang e ngại, do đó khó có đủ 20% đại biểu đề xuất. Nhưng nếu không có ai khởi xướng thì cái quyền đã được trao cứ mãi gấp lại trong luật hay sao?

Ông Nguyễn Đức Dũng

Tuy nhiên kế hoạch truy vấn trách nhiệm “trọn gói” cả bốn bộ trưởng của đại biểu Nguyễn Đức Dũng đã không thành vì chỉ có vài đại biểu hưởng ứng, không thể đủ... 20% tổng số đại biểu đề nghị theo luật.

Ông Dũng nhắc lại lời mình từng trả lời báo Tuổi Trẻ lúc đó: “Tôi biết nhiều đại biểu cũng muốn (bỏ phiếu tín nhiệm) nhưng tâm lý chung lại đang e ngại, do đó khó có đủ 20% đại biểu đề xuất. Nhưng nếu không có ai khởi xướng thì cái quyền đã được trao cứ mãi gấp lại trong luật hay sao?”.

“Dân trao quyền, tại sao không làm?”

12 năm sau lần “bước một chân vào lịch sử” đó, ông Nguyễn Đức Dũng nay đã về hưu và chuyển gia đình từ Kon Tum về Đà Nẵng. Tuy nhiên, máu nghề nghiệp vẫn chưa thôi nên ông vẫn đang làm chủ tịch Hội Luật gia Kon Tum.

Ông tự lái xe hơi Đà Nẵng - Kon Tum hai tuần một lần để chu toàn việc xã hội và việc nhà. Trao đổi về việc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII vào năm 2013 đã thực hiện một phần việc mà ông từng đề xuất là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên, ông cho biết: “Vui thì cũng có vui mà băn khoăn vẫn còn nguyên đó!”.

Ông tâm sự tiếp: “Việc tôi làm 12 năm trước là việc luật cho phép, dân cho phép. Chuyện lấy phiếu tín nhiệm đang làm cũng là việc luật quy định từ lâu. Tôi chỉ thấy lạ là dường như có nhiều cái luật không cấm, dân đã trao quyền nhưng chúng ta (các đại biểu Quốc hội) cứ chần chừ không làm?

Tính từ khi tôi đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bốn bộ trưởng cho đến lần đầu tiên Quốc hội cho lấy phiếu tín nhiệm trải qua đến chín năm, quá chậm và quá dĩ hòa vi quý!”.

Ông Dũng cũng cho rằng lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay còn “êm dịu” quá khi có tới ba mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”, và chỉ bỏ phiếu tín nhiệm khi có từ 2/3 đại biểu trở lên “tín nhiệm thấp” với người được lấy phiếu tín nhiệm.

“Tôi nghĩ là con đường từ lấy phiếu tín nhiệm đến bỏ phiếu tín nhiệm là một con đường còn rất xa mà phải rất nhiều đại biểu cùng bước mới có thể đến được” - ông Nguyễn Đức Dũng chiêm nghiệm sau một đoạn đường 12 năm “bước một chân vào lịch sử Quốc hội”.

Dám bảo vệ chính kiến, đừng sợ tin đồn

Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (năm 2013) - Ảnh: tư liệu TT
Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (năm 2013) - Ảnh: tư liệu TT

Ông Nguyễn Đức Dũng kể hồi sau khi đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bốn bộ trưởng, nhiều tin đồn được loan ra bất lợi cả cho ông lẫn những bộ trưởng bị ông đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

Nhiều nhất là tin Bộ Giáo dục và đào tạo vì “ức” đã cắt mất một số chương trình, dự án giáo dục của Kon Tum (ông Dũng là đại biểu của tỉnh Kon Tum).

Lại có tin một lãnh đạo của Quốc hội đã gặp ông để “sinh hoạt” sau khi ông đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm...

Rồi ông cười khà khà, nói:

“Tôi khẳng định là hoàn toàn không có chuyện đó. Nhiều khi thiên hạ tung tin đồn để nắn gân mình xem sao. Đại biểu mới hăng hái được vài lần nếu yếu bóng vía, nghe xong tin đồn như vậy thì có thể rụt cổ lại”.

Kỳ tới: Không nao núng

NGUYỄN VIỄN SỰ, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên