Những cái bắt tay cảm ơn với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sau buổi tiếp công dân - Ảnh: Việt Dũng |
10 năm khiếu kiện
Căn nhà ấy, lẽ ra bà Giang sinh sống ổn định suốt 10 năm qua nếu các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang không cưỡng chế nhà của bà để giao cho người khác.
Suốt 10 năm bà Giang đi kiện, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã sửa sai nửa vời bằng cách cấp cho bà một mảnh đất khác nằm trên hồ nước mênh mông. Bà không đồng tình.
10 năm - 3.650 ngày bà Giang nhọc nhằn, dãi nắng dầm mưa đi khiếu kiện. Không thể nào đong đếm hết mồ hôi, nước mắt và những tủi nhục của bà khi phải sống lang thang, vạ vật trong từng ấy năm để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình.
Ấy vậy mà khi có tin được giải quyết, những ngày tháng vất vả ấy dường như đã lùi rất xa. Chỉ còn lại niềm vui, sự hân hoan trên khuôn mặt hằn gió sương của bà.
Sau khi Tuổi Trẻ có bài phản ánh câu chuyện của bà Thân Thị Giang, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã về Bắc Giang chủ trì cuộc tiếp bà Giang. Đại diện Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, đại diện các ban ngành của tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên đều có mặt. 10 năm đi khiếu kiện, không biết bao nhiêu lần bà Giang bị xua đuổi, hắt hủi.
Vậy mà hôm trước buổi tiếp dân diễn ra, cán bộ tỉnh Bắc Giang ân cần điện thoại nhắc bà Giang phải về dự cuộc tiếp dân. Họ còn dặn bà đi đường cẩn thận và phải lựa bộ quần áo thật đẹp để tham dự cuộc họp. Cán bộ còn đòi đến tận nhà đưa bà lên tỉnh nhưng bà từ chối.
Sau khi nghe cấp dưới báo cáo câu chuyện của bà Thân Thị Giang, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã nói rằng ông rất đau xót: tại sao một vụ việc đơn giản như vậy mà suốt 10 năm qua, chính quyền tỉnh Bắc Giang để bà Giang phải vất vả đi khiếu kiện? Bộ trưởng chỉ đạo tỉnh Bắc Giang phải xây nhà cho bà Giang ở trước Tết Ất Mùi.
Trong lúc xây nhà, địa phương phải thuê nhà cho bà Giang ở để bà chấm dứt việc khiếu kiện. Nghe vậy, bà Giang vội vàng xua tay: “Thôi thôi, thuê nhà tốn kém lắm, cứ xây nhà xong cho tôi ở là được rồi”. Và bà lại tiếp tục ở vỉa hè trước trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước để đợi.
Sau khi có chỉ đạo của bộ trưởng, căn nhà được xây dựng với tốc độ nhanh chóng. Đúng như lời hẹn, trước Tết Ất Mùi, căn nhà mới đã hoàn thành để bà Giang kịp đón tết. Đó là ngôi nhà cấp 4 rộng 60m2, có đầy đủ công trình phụ khép kín.
Sau hơn 10 năm đi kiện, bà Giang đòi lại được nhà nhưng lại không có lấy một đồng dính túi. Bà vay mượn anh em một ít tiền để mở hàng nước bán trước nhà. Mảnh đất nhỏ phía sau nhà, bà trồng cây thuốc nam để người dân trong làng dùng dần.
Niềm vui của bà Thân Thị Giang khi sắp được về ở nhà mới, chấm dứt 10 năm đi khiếu kiện - Ảnh: Tâm Lụa |
Tin vào công lý
Điều gì khiến bà đi khiếu kiện suốt 10 năm qua? Nghe hỏi câu ấy, bà Giang cười nhẹ rồi trả lời vì bà luôn tin vào công lý, tin vào những cán bộ biết thương dân.
“Hôm tiếp dân, đích thân bộ trưởng và từng cán bộ đến bắt tay tôi. Họ chúc mừng vụ việc của tôi đã được giải quyết và cảm ơn tôi vì đi khiếu kiện 10 năm nhưng luôn chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vinh dự và tự hào lắm chứ!” - bà Giang kể lại câu chuyện ấy với đôi mắt rưng rưng.
Đi kiện cả chục năm mới được giải quyết như bà Thân Thị Giang tưởng dài mà so với nhiều người còn ngắn. Có những người suốt hơn nửa đời gắn vào việc khiếu kiện như bà Nguyễn Thị Vàng (Ba Vàng, 78 tuổi, quê Kiên Giang). 40 năm là khoảng thời gian mà bà Ba Vàng theo đuổi việc khiếu kiện. Đến năm 2014, tin vui đã đến với gia đình bà.
Bà Ba Vàng là người đã quá quen mặt với các cán bộ tiếp dân ở trụ sở. Năm 1970, mảnh đất gia đình bà Vàng khai hoang vỡ hóa và làm ăn ổn định bị chính quyền tỉnh Kiên Giang thu hồi. Năm 1976, khi hòa bình vừa lập lại thì bà Vàng bắt đầu đi thưa kiện.
Bà Vàng đi kiện từ lúc trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước còn ở đường Mai Xuân Thưởng, sau đó chuyển về Cầu Giấy rồi chuyển sang Q.Hà Đông.
Cứ đi kiện 5 - 6 tháng, trụ sở cho phiếu chuyển đơn, bà lại lật đật đón xe về quê gửi cho các cơ quan. Gửi đơn ít ngày không có kết quả, bà lại trở ra Hà Nội. Cứ vậy cho đến nay - 40 năm trôi qua, công sức của bà mới được đền đáp.
Năm 2014, sau nhiều chỉ đạo của các cấp trung ương, UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý hỗ trợ cho bà Vàng thêm 1,8 tỉ đồng vì gia đình bà là gia đình có công với cách mạng, thuộc diện khó khăn...
Ngày nhận tiền hỗ trợ, người con thứ chín và cháu nội chở bà lên phòng tài nguyên môi trường huyện. Vừa nhận tiền xong ra đến cổng cơ quan thì các chủ nợ đã đợi ngay ở cổng để đòi tiền. Số nợ suốt 40 năm qua bà vay để đi khiếu kiện giờ cả gốc và lãi lên tới con số hàng tỉ đồng.
1,8 tỉ đồng bà Vàng vừa nhận được không thấm vào đâu với số nợ nần ấy. Bà Vàng trả cho một số người, số người còn lại bà phải khất nợ. Khi về đến nhà, bà chỉ còn dư một số tiền mua cho chín người con mỗi người vài bao gạo.
40 năm qua bà nhớ điều gì nhất? Bà Vàng không kể về tủi cực của những ngày nằm vỉa hè, bị đuổi dạt từ vườn hoa này sang vườn hoa khác.
Bà không kể về những lần chặn đầu xe của các vị lãnh đạo cấp cao để gửi đơn, những đêm bà thức trắng đứng ngoài cổng nhà các vị lãnh đạo đợi trời sáng để đưa đơn, những lần không có cơm ăn đói lả người.
Bà nói nhiều về những cán bộ tốt và không tốt với dân. Bà kể rành mạch tên từng cán bộ ấy. Bà bảo: “Nhiều cán bộ tốt quá! Sau khi đọc đơn của tui đã ra văn bản chỉ đạo cho cấp dưới phải giải quyết triệt để. Hay như ông Hoàng Như Hải là cán bộ tiếp dân rất nhiệt tình, giờ ổng nghỉ hưu rồi uổng ghê. Mà nhiều cán bộ xấu lắm!
Tui cầm phiếu chuyển đơn từ trung ương về mà cán bộ địa phương hỏi: “Bà lượm được hả?”. Nghe vậy tui uất ức quá, ngủ không được. Nhưng rồi tui lại đi, vì tui biết rằng chính quyền không thể bỏ tui vất vả như vậy”.
“Không thể bỏ dân vất vả”, tin ở cán bộ biết sai thì sửa, tin ở những cán bộ biết thương dân... niềm tin ấy của những người dân nghèo khó như bà Giang, bà Ba Vàng đã khiến họ đi khiếu kiện trong ôn hòa suốt mấy chục năm qua để chờ đến ngày vui.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban tiếp công dân trung ương, cho biết nhiều đoàn khiếu kiện đông người từ địa phương kéo lên trung ương chủ yếu là do họ quá bức xúc với cách giải quyết của địa phương. Đối với các đoàn đông người, tùy theo nội dung phản ảnh, cán bộ tiếp dân sẽ có hướng dẫn cụ thể. Nếu người dân quá bức xúc thì Ban tiếp công dân trung ương sẽ có trao đổi với địa phương. Nếu địa phương không giải quyết tốt và rốt ráo, dân lại kéo lên trung ương. Trong trường hợp này, Ban tiếp công dân trung ương sẽ báo cáo với Tổng Thanh tra Chính phủ để cho kiểm tra, cần thiết thì thành lập đoàn thanh tra để về địa phương kiểm tra. Ông Điệp cho biết thời gian gần đây, một số đoàn khiếu kiện đông người tập trung về trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Ban tiếp công dân trung ương về địa phương để cùng địa phương đối thoại với dân nên các vụ việc được giải quyết rất nhanh. |
_____________
Kỳ tới: Hãy đặt mình vào vị trí người dân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận