05/11/2014 16:39 GMT+7

Bio-Rad hối lộ ở Nga, VN: Vì tiền phớt lờ quy định

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO - Các quan chức cấp cao của Bio-Rad biết rõ hoạt động hối lộ của chi nhánh ở Việt Nam, Nga và Thái Lan nhưng vẫn phớt lờ để kiếm lợi lớn.

>> 

Tổng giám đốc Bio-Rad Norman Schwartz. Công ty này đã đồng ý nộp phạt 55 triệu USD - Ảnh: Biz Journals

Theo hồ sơ điều ra của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), trong thời gian từ năm 2005-2010, các giám đốc phụ trách thị trường mới nổi (EMGM) của Bio-Rad cố tình phớt lờ những “dấu hiệu đỏ” cho thấy ba “nhà trung gian Nga” đã thay mặt Công ty Bio-Rad Nga đưa tiền hối lộ cho các quan chức chính phủ Matxcơva để thắng thầu cung cấp thiết bị y tế.

Trả tiền không cần hóa đơn

Các EMGM biết rất rõ ba “nhà trung gian” đều là công ty nước ngoài và không hề có văn phòng hay nhân viên để thực hiện các dịch vụ đã ký với Bio-Rad Nga.

Họ biết tiền hoa hồng mà Bio-Rad Nga trả cho ba “nhà trung gian” này là quá cao và đi thẳng vào các tài khoản bí mật ở Latvia và Lithuania.

Các EMGM cũng hành động để đảm bảo hoạt động của ba “nhà trung gian Nga” được giữ bí mật 100%.

Ví dụ, một EMGM đã gửi thư điện tử cho một nhân viên Bio-Rad SNC (chi nhánh của Bio-Rad ở Marnes-La-Coquette, Pháp, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm Bio-Rad), hướng dẫn người này “nói chuyện bằng mật mã” khi cung cấp thông tin về các hóa đơn của ba “nhà trung gian Nga”.

Các EMGM cũng đều biết giám đốc Bio-Rad Nga luôn đề nghị trả tiền hoa hồng cho ba “nhà trung gian Nga” theo từng đợt, luôn thấp hơn 200.000 USD mỗi lần. Đây là cách để tránh sự giám sát tài chính của tổng công ty Bio-Rad ở Mỹ.

Hơn nữa, giám đốc Bio-Rad Nga thường yêu cầu trả tiền hoa hồng cho các “nhà trung gian Nga” trước khi ký hợp đồng cung cấp thiết bị với cơ quan Chính phủ Nga.

Đây là hành vi bất thường cho thấy dấu hiệu hối lộ. Các EMGM cũng biết rất nhiều dịch vụ Bio-Rad Nga ký với ba “nhà trung gian Nga” chẳng liên quan gì tới quan hệ làm ăn giữa Bio-Rad Nga và chính quyền Matxcơva.

Nhiều thiết bị do Bio-Rad cung cấp không hề cần dịch vụ lắp đặt và đào tạo khách hàng, nhưng các “nhà trung gian Nga” vẫn nhận tiền đều đều vì thực hiện dịch vụ này.

Trong một số trường hợp, Bio-Rad chi hàng trăm nghìn USD cho ba “nhà trung gian”, nhưng EMGM chỉ cần thư điện tử yêu cầu là thông qua việc chi trả thay vì đòi hỏi hóa đơn cần thiết. Bất chấp các “báo động đỏ này” trong suốt năm năm, các EMGM vẫn thông qua mọi khoản chi cho ba “nhà trung gian Nga”.

Họ cũng là những người chịu trách nhiệm xem xét, đàm phán và ký lại hợp đồng với ba “nhà trung gian Nga”. SEC kết luận rõ ràng EMGM biết rõ hành vi đưa hối lộ của Bio-Rad Nga nhưng chấp nhận ngó lơ để đảm bảo doanh số của công ty.

Ngoài Việt Nam và Nga, Bio-Rad cũng giở trò hối lộ để tăng doanh số tại Thái Lan. Bio-Rad mua 49% cổ phần Hãng Diamed Thailand vào tháng 10-2007. Trước đó Diamed Thailand đã sử dụng một trung gian người Thái để hối lộ các quan chức nước này, qua đó ký được hợp đồng bán thiết bị cho các cơ quan chính phủ.

Kẻ trung gian này nhận hoa hồng bằng 13% giá trị hợp đồng. Hắn giữ lại 4% và chi 9% cho các quan chức Chính phủ Thái Lan. Chiến dịch hối lộ này tiếp diễn sau khi Rio-Rad mua lại Diamed Thailand. Giám đốc Bio-Rad khu vực châu Á - Thái Bình Dương biết về trò hối lộ này của Diamed Thailand vào tháng 3-2008.

Tuy nhiên vị giám đốc này không yêu cầu Diamed Thailand dừng hoạt động bất hợp pháp này. Từ năm 2007 đến đầu 2010, Diamed Thailand chi khoảng 708.608 USD cho kẻ trung gian này, qua đó đạt doanh số bán sản phẩm khoảng 5,5 triệu USD. Diamed khai báo khoản chi này là tiền hoa hồng.

Tự nguyện khai báo, khắc phục hậu quả

SEC cho biết tháng 5-2010 sau khi phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường ở các chi nhánh Nga, Việt Nam và Thái Lan, tổng công ty Bio-Rad ở Mỹ tự mở cuộc điều tra nội bộ và phát hiện các hành vi vi phạm Luật chống tham nhũng nước ngoài (FCPA) của Mỹ.  

Nhóm điều tra đã phỏng vấn hơn 100 người có liên quan, thu thập hàng triệu trang tài liệu.

SEC xác nhận Bio-Rad đã hợp tác rất đầy đủ và sâu rộng với cơ quan điều tra Mỹ. Công ty này đã giao nộp toàn bộ tài liệu cả trong nước và nước ngoài, cung cấp nhân chứng, tạo mọi điều kiện cho các nhân viên đưa lời khai cho SEC và Bộ Tư pháp Mỹ.

Sau đó, Bio-Rad đã dừng mọi hành vi hối lộ, hủy hợp đồng lao động với tất cả nhân viên từng dính dáng đến đường dây hối lộ các quan chức ở Nga, Việt Nam và Thái Lan, chấm dứt mối quan hệ với các bên trung gian. Bio-Rad cũng áp dụng các quy định mới chống tham nhũng, tăng cường kiểm soát nội bộ trên phạm vi toàn cầu.

Trong thông cáo báo chí ra ngày 3-11, Bộ Tư pháp Mỹ và SEC xác nhận không truy tố hình sự Bio-Rad vì công ty này đã chủ động khai báo và hợp tác.

SEC và Bộ Tư pháp Mỹ xác định Bio-Rad đã vi phạm các quy định trong bộ luật chống tham nhũng nước ngoài (FCPA) của Chính phủ Mỹ. Ngoài việc phải nộp phạt và bồi thường 55 triệu USD, Bio-Rad còn phải báo cáo đầy đủ các nỗ lực và hoạt động chống hành vi tham nhũng nước ngoài lên SEC trong vòng hai năm tới.

“Quyết định xử phạt, có tính đến sự hợp tác của Bio-Rad, cho thấy tầm quan trọng của việc tất cả các công ty phải đảm bảo khả năng kiểm soát nội bộ để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật FCPA” - ông Andrew Ceresney, đại diện SEC, nhấn mạnh.

 Báo chí Mỹ bình luận vụ việc này cho thấy Chính phủ Mỹ muốn khuyến khích các công ty tự giác báo cáo các hành vi tham nhũng nước ngoài.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên