Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Diệu - nữ thợ rèn kỳ cựu ở Trảng Bàng, Tây Ninh - Ảnh: Ngọc Hậu |
Kỳ 1:
Giữa trưa, con đường đất đỏ dẫn vào Lò Rèn Lộc Trát vẫn lất phất mưa. Xóm nhỏ trước đây vốn có hơn 90% hộ sống bằng nghề rèn giờ thưa thớt tiếng búa, mặc dù trước cửa nhiều nhà vẫn còn bể nước dùng cho nghề rèn. Dưới cơn mưa dai dẳng, bà Nguyễn Thị Diệu (61 tuổi) tranh thủ thổi lửa rèn thêm vài cái liềm đã được mấy người bán rong đặt trước.
Vợ dạy chồng nghề rèn
Ông Lê Thanh Ngại, phó trưởng ấp Tân Lộc, xã Gia Lộc, cho biết sản phẩm từ lò rèn ngày càng khó cạnh tranh được với những sản phẩm sản xuất bằng phương pháp công nghiệp. Việc hiện đại hóa nông nghiệp dẫn đến cày bừa, phát cỏ, gặt hái bằng máy đang thay thế dần nông cụ sản xuất từ lò rèn. Đặc biệt từ ngày những xí nghiệp may thành lập ở quanh ấp, tiếng đe búa càng thưa vắng ở ô Lò Rèn. Trước đây cả ô trên 400 hộ dân làm nghề rèn nay chỉ còn chưa được 50 hộ. “Tuổi nghề thợ cũng cứ già đi. Nhất là đàn bà, con gái còn tuổi may được là đi làm nghề công nhân hết, vừa khỏe thân lại vừa có tiền hơn. Người dân dần dà chuyển sang nghề khác và không truyền nghề cho con em nữa” - ông Ngại nói. |
“Thường làm rèn chỉ có thể làm chiều tối hoặc giấc đêm về sáng, vì ban ngày nóng lắm làm không nổi”. Vừa nói, bà Diệu vừa đẩy thêm nhịp võng cho đứa cháu nội chưa đầy 2 tuổi đang ngủ say để khỏi bị đánh thức bởi tiếng búa, tiếng đe.
Bà Diệu quay qua xách cái búa nặng 3kg đứng cạnh đe. Ông Trần Văn Khích, chồng bà Diệu, chỉnh lại quạt gió, gắp miếng sắt đang cháy đỏ rực trong lò ra để lên đe gõ gõ vài cái rồi buông. Khi đó bà Diệu căng sức đưa búa qua khỏi đầu rồi đập xuống miếng sắt để trên đe. Tiếng búa, sắt, đe chạm vào nhau tạo nên một thứ âm thanh chát chúa. Ban đầu chúng tôi phải bịt tai lại vì không chịu nổi tiếng ồn quá lớn, nhưng lát sau quen dần và thấy hay hay khi nhịp búa của bà Diệu rất đều như đang chơi một loại nhạc cụ nào đó. Cứ vài phút, ông Khích lại đưa miếng sắt vào bể nước. “Xèo...xèo...”. Những âm thanh xen giữa tiếng nhạc “búa-đe” nghe thật lạ. 61 tuổi, tóc đã bạc nhiều hơn đen nhưng cái búa 3kg như nhẹ không dưới tay bà Diệu. Thật đáng nể!
Ông Khích gắp thanh sắt vừa đập vùi vào lại đống than hồng, rồi quay sang chúng tôi cười thật tươi: “Cái nghề này về già mới biết ai sức hơn ai. Gần năm năm nay tui không cầm búa phụ nổi nữa, chỉ có cầm cái búa nặng 1kg này thôi. Vợ tui thì cầm búa 3kg đập mấy cũng không biết mệt. Đúng là phụ nữ dai sức hơn mình”.
Quả thật, chúng tôi ngồi hàng giờ xem bà Diệu đập bẹp gí chín thanh sắt thành lưỡi liềm mỏng dính nhưng bà vẫn không có vẻ gì cho thấy mệt. Nghe chồng khen, bà Diệu cũng cười đáp lại: “Nói vậy thôi chứ tui cũng bắt đầu xuống sức rồi. Trước đây búa phụ nặng tới 4,5kg nhưng giờ chỉ còn cầm nổi búa 3kg này thôi”. Mặc dù gọi là búa phụ, nhưng chính nhờ nó mà những thanh sắt to đùng đã bẹp gí, trở thành những dụng cụ mà người thợ rèn muốn. Nhìn những nhát búa nhịp đều như bắp, chúng tôi thấy bà Diệu có lý khi nói vui rằng do bà được sinh ra bên lò rèn nên biết rèn... từ trong bụng mẹ.
Ông Khích cho biết vợ mình chính là một trong những thợ rèn kỳ cựu ở xóm này. “Bả đã hướng dẫn tôi đến với nghề rèn, chứ trước khi cưới bả tôi có biết đe búa gì đâu”. Cưới bà Diệu, ông Khích bắt đầu tập tành nghề rèn của vợ và sống với nghề này luôn. Bà Diệu vẫn là người thợ chính trong lò rèn của cặp vợ chồng này. Nghề rèn hay ở chỗ có thể biến một thanh sắt vô tri trở thành một dụng cụ có ích cho cuộc sống. Điều đó không phải ai cũng làm được. Cũng không phải cứ cầm cái búa 4-5kg nện xuống đe là được, bởi nếu không có sự hài hòa nhịp nhàng giữa búa cái và búa phụ thì công đoạn tạo hình sản phẩm sẽ rất khó khăn, thậm chí là phá. “Nếu không thuần thục có khi có công mài sắt, có ngày nên... xà beng đó” - ông Khích cười hiền.
Thời gian chờ sắt nóng đỏ dưới than, bà Diệu cũng kịp chạy tới đưa nhịp võng cho cháu nội. Vốn sinh ra trong lò rèn nên đứa bé cũng quen với tiếng búa, tiếng đe chan chát. Chín chiếc liềm làm xong nhưng đứa bé vẫn ngon giấc trên chiếc võng đong đưa ấy. “Con cái lớn hết rồi, cũng nhờ hai vợ chồng đêm hôm bao nhiêu năm quần quật bên lửa mà tụi nó thoát khỏi nghề rèn. Lâu lâu tụi nhỏ đi làm về thăm cũng bảo tui với cha nó nghỉ nghề rèn để tụi nó phụng dưỡng. Nhưng vợ chồng tui bảo chừng nào không còn cầm nổi cây búa để rèn nữa thì tự khắc sẽ nghỉ thôi” - bà Diệu nói.
Phóng to |
Hơn 70 tuổi, bà Oanh vẫn quai búa mỗi ngày - Ảnh: Sơn Lâm |
Những bà già quai búa
Sản phẩm rèn ngày càng khó có đầu ra, thế nên dân xóm Lò Rèn Lộc Trát đều hướng con cái của họ tránh xa được nghề “lửa củi bỏng tay, còng lưng quai búa” này. Cái xóm thợ rèn này cứ thế già nua theo thời gian. Phụ nữ làm rèn càng nhanh già, họ bỏ quên nhan sắc bên bếp lửa từ khi nào chẳng ai muốn quan tâm. Còn thế hệ trẻ sau này chẳng ai theo nghề này nữa. Đã qua tuổi thất thập mà ngày nào bà Hà Thị Oanh cũng phải cầm búa, đốt lò vì kinh tế gia đình khó khăn. Bà Oanh cũng là người thợ già thứ hai trong xóm, chỉ sau chồng bà là ông Nguyễn Văn Cò. Ông Cò giờ đã 80 tuổi nhưng vẫn phải quai búa cùng bà hằng ngày.
17 tuổi, lúc bà Oanh về làm dâu xóm Lò Rèn Lộc Trát cũng là lúc bà mang nghiệp quai búa vào thân. “Mới đầu cầm búa 5kg, nghiến răng, gồng sức nện nhát được nhát mất chừng mười phút là tối tăm mặt mày, đau mình nhức mẩy cả tháng trời mới quen. Giờ không cầm nổi cây búa 5kg nữa nhưng búa cái 2kg thì tui còn đập đều được hơn bốn giờ” - bà Oanh cho biết. Mười đứa con lần lượt ra đời, cái nghèo cứ quấn lấy vợ chồng bà như những vết sẹo phỏng lửa chi chít ở tay, chân của bà bây giờ. Dẫu hai vợ chồng bà Oanh nổi tiếng rèn rựa rất thẩm mỹ, nhưng miếng cơm trong ngôi nhà tình thương do Nhà nước hỗ trợ đến nay vẫn bữa được bữa mất.
“Một cái rựa trui rèn, gọt giũa hơn hai tiếng đồng hồ bán được 60.000 đồng, nhưng củi lửa, điện rồi sắt thép bỏ ra cũng đã trên 40.000 đồng rồi. Hồi trước khỏe, hai vợ chồng còn rèn được vài cái một ngày nhưng nay chỉ được hai cái là mừng” - bà Oanh kể.
Hơn 50 năm trong nghề, đôi tay bà Oanh phát triển còn to hơn đôi chân đầy vết sẹo bỏng của bà. Chị Võ Thị Lệnh (con gái đầu của bà Oanh ở lò rèn bên cạnh) góp chuyện: “Những thợ rèn nữ ở đây gần như ai cũng có tướng tá cơ bắp như vậy. Ngay cả tui cũng bị coi là lực sĩ vì đã theo nghiệp rèn từ hồi trẻ. Trước đây một người làm nghề nuôi cả gia đình, giờ làm không đủ nuôi mình. Nếu không phải nghề chọn mình và có nghề gì khác để kiếm sống thì tôi chẳng bao giờ theo nghề của đàn ông này đâu” - chị Lệnh thở dài, buồn xo.
Con cháu bà Oanh đều có nhà riêng, nhưng tất cả đều nghèo, lụp xụp quây quần bên hai lò rèn từ đời bố mẹ chồng bà để lại. Cả đại gia đình trước đây có đến hơn chục người theo nghề rèn, nay ngoài chị Lệnh vẫn mang thân quai búa thì tất cả đều tìm cách tránh xa lò rèn. “Nhưng nghiệp khó tránh, em gái tui cũng đang tính cùng chồng con quay về cầm búa vì công ty may của nó đang gặp khó khăn...” - chị Lệnh chua chát.
Một phụ nữ khác cũng rất nổi tiếng ngồi lò “không mệt mỏi” là chị Võ Thị Tuyền (37 tuổi). Học chưa hết lớp 8 thì bố mất, chị Tuyền phải bỏ học để bám lấy tài sản lớn nhất mà cha ông để lại là cái lò rèn, dẫu chỉ là một bếp lửa, một môtơ dẫn gió thổi trực tiếp vào bếp, vài cây búa với thân đe. Phải bám lấy lò rèn này vì chị còn phải nuôi mẹ già thường xuyên đau ốm và hai người chị, dì cùng mắc bệnh tâm thần. Hơn chục năm nay bất kể cái nóng hầm hập ban ngày, chị Tuyền đều thức lúc 3 giờ sáng làm đến tận chiều, có khi đến tối để kịp giao hàng cho khách.
Ở làng rèn truyền thống này, tiếng đe búa vang lên dẫu lúc trời đầy sao hay lấp cả giấc ngủ trưa cũng không khiến ai phiền lòng. Bởi ai trong xóm nhỏ này cũng hiểu bên cạnh bễ lò rèn phần lớn là những phụ nữ tảo tần, vất vả cho cuộc mưu sinh của cả gia đình họ...
_____________
Kỳ tới:Người mổ tử thi trên vùng cao
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận