"Lão trôm" dáng uy nghi, hoành tráng, cành lá tươi tốt, đứng sừng sững ven đường Lương Văn Chấn, trước cổng chùa Diêu Quang (phường Khánh Hậu, TP Tân An, Long An). Nhìn từ xa, đại thụ to lớn và nổi bật hẳn lên so với tất cả cây cối trong vùng.
Đại thụ mấy trăm năm tuổi
Theo Hội Sinh vật cảnh Long An, đại thụ này đang sở hữu những số đo đáng nể: cây một thân đứng thẳng, chu vi thân cách mặt đất 1,3m là 8,5m, đường kính tán cây bao trùm 32,5m, chiều cao cây 25,5m, chu vi gốc cây tiếp đất hơn 12m tức phải cả chục người ôm mới xuể, có nhiều rễ nổi u nhìn tựa như hình con rồng uốn khúc.
Cho đến nay, tuổi thật "lão trôm" Khánh Hậu vẫn là đề tài khiến nhiều người thắc mắc với hai chuyện truyền lưu khác nhau.
Chuyện thứ nhất: lúc còn sinh thời cố nhà văn - nhà Nam Bộ học Sơn Nam có đến Khánh Hậu khảo cứu cây trôm này để xác định tuổi cây.
Nhà văn cho rằng năm 1731 khi dòng họ Tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức đến sinh cơ lập nghiệp tại giồng Cai Yến xưa (còn có tên là giồng Cai Én, (nay phường Khánh Hậu) thì đã có cây trôm hơn 50 tuổi. Như vậy, tính đến nay "lão trôm" có tuổi đời trên 300 năm.
Chuyện thứ hai: năm 2002 có hai đoàn cán bộ khoa học của Nhật Bản và Học viện Khoa học xã hội TP.HCM đến Khánh Hậu nghiên cứu đề tài "Làng xã Nam Bộ, trường hợp xã Khánh Hậu, tỉnh Long An".
Khi nhìn thấy cây trôm cổ thụ, mọi người rất kinh ngạc. Giáo sư tiến sĩ Sakurai Yumio của Nhật đã dùng khoan tay khoan vào thân trôm để lấy dăm gỗ làm xét nghiệm tính tuổi cây.
Kết quả xét nghiệm của vị giáo sư người Nhật cho thấy "lão trôm" Khánh Hậu có tuổi đời từ 450 - 500 năm.
Tuy vậy, khi công nhận cây di sản Việt Nam năm 2016, không hiểu sao các cơ quan hữu trách thống nhất số tuổi đại thụ này chỉ hơn 350, gây sự thắc mắc cho nhiều người.
Trong khi đó, đại đức Thích Thiện Thạnh, trụ trì đời thứ 4 chùa Diêu Quang, cho biết từ rất lâu nhà chùa, phật tử và người dân phường Khánh Hậu rất yêu quý "lão trôm" cổ thụ.
Hằng ngày người dân qua lại đường Lương Văn Chấn đều ngắm đại thụ, mỗi khi "lão" có bất kỳ sự thay đổi nào thì mọi người đều rất lo lắng.
Đại đức Thích Thiện Thạnh cho biết ngày xưa tiền thân chùa Diêu Quang là một cổ miếu tên Dao Quang. Theo lời kể của các bậc tiền nhân thì lúc đó "lão trôm" đã đứng hiên ngang trong sân miếu.
Khi miếu Dao Quang đổi thành chùa Diêu Quang, cổ thụ vẫn sừng sững trước sân. Gần đây, do yêu cầu mở rộng đường Lương Văn Chấn nên chùa phải dời hàng rào vô phía trong, khiến "lão trôm" ra đứng lề đường.
"Hồi làm đường, có công nhân hăm he đốn hạ "lão trôm" và tập kết vật tư bừa bãi ở gốc cây. Sau đó, xe cộ của họ cứ đến khu vực đại thụ tỏa bóng là bị hư hỏng đủ thứ.
Khi nghe người dân trong vùng kể cổ thụ rất lâu đời, không ai dám xúc phạm, các công nhân phải khấn vái xin lỗi, từ đó việc thi công mới được suôn sẻ" - ông Nguyễn Văn Đức, cư dân phường Khánh Hậu, kể.
Ông Đức cũng nhiều lần nghe các bậc lớn tuổi kể rằng những dịp lễ tết, rằm lớn hay người nào chuẩn bị đi xa đều sắm sửa lễ vật đến khấn vái cầu xin "lão trôm" phù hộ an lành. "Do cổ thụ quá cao tuổi, linh thiêng nên mọi người cho rằng cây đã thành thần và được kính trọng", ông Đức nói.
"Lão trôm" trời đánh hổng chết
Năm 2013, "lão trôm" bị sét đánh trúng phần ngọn, làm tróc một mảng vỏ và cháy sém một nhánh lớn. "Tui và mọi người rất lo, sợ cổ thụ chết, bởi trước đó sân chùa Diêu Quang có một cây sao rất lớn đã bị sét đánh chết đứng.
Nhưng thật kỳ diệu, chỉ có nhánh cây bị sét đánh trúng chết khô, nhưng cổ thụ vẫn sống tươi tốt cho đến nay", ông Đức kể chuyện cây bị trời đánh hổng chết.
Đại đức Thích Thiện Thạnh cho biết lâu nay "lão trôm" Khánh Hậu như một chứng nhân lịch sử, rất thiêng liêng đối với người dân sở tại, đặc biệt là sau khi được công nhận cây di sản Việt Nam.
Năm 2021, "lão trôm" đột nhiên bị rụng lá, xác xơ. Người dân phường Khánh Hậu ai cũng hoang mang và buồn lo cổ thụ qua đời vì tuổi già.
Nhưng cuối cùng đã xác định "lão trôm" lâm cảnh khát nước vì toàn bộ phần gốc đã bị làm đường bê tông hóa. Nhiều phương án cấp cứu được triển khai, sau đó đại thụ lại tươi tốt đến nay.
Lương y Lê Hoàng Cung (Tiền Giang) cho biết cây trôm là loài thân gỗ mọc hoang tại rừng miền trung Nam Bộ, nhưng gần đây được trồng ở nhiều địa phương như Tiền Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận... để lấy mủ (nhựa).
Mủ trôm có màu trắng vàng, tiết ra từ vỏ thân cây và được thu hoạch. Về mặt y học, mủ trôm có vị ngọt, tính mát, có nhiều vi lượng, hàm lượng khoáng chất cao. Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cung cấp nhiều chất xơ, mát gan, cung cấp nhiều khoáng chất vi lượng tốt cho da và máu.
Ngoài chức năng thanh nhiệt, mủ trôm còn là vị thuốc hỗ trợ chữa các bệnh về tiêu hóa rất tốt... Do mủ trôm có nhiều tác dụng tốt đến sức khỏe con người nên được xem như quà tặng quý giá của thiên nhiên.
Với trường hợp "lão trôm" Khánh Hậu sống lâu năm, thân to lớn nên lượng mủ thu hoạch được sẽ rất lớn. Nhưng dân phường Khánh Hậu cho biết từ xưa đến nay cổ thụ này không hề bị người dân lấy mủ để sử dụng.
Theo ông Đức, "lão trôm" không bị người dân xâm phạm lấy mủ dù giá bán đặc sản này rất cao (300.000 - 400.000 đồng/kg tùy thời điểm và đã qua chế biến hay chưa), vì mọi người đều tin tưởng đại thụ rất linh thiêng.
Trong khi đó, theo đại đức Thích Thiện Thạnh, từ lâu người dân trong khu vực không lấy mủ của cây trôm để sử dụng, ngoài lòng tôn kính thì họ còn lo sợ việc khai thác mủ sẽ ảnh hưởng sức khỏe cây, dù ai cũng biết mủ trôm là dược liệu quý.
Dù mủ trôm tốt cho sức khỏe nhưng lương y Lê Hoàng Cung khuyến cáo phải biết cách sử dụng đúng và không nên lạm dụng.
Cụ thể, không nên đun nấu mủ trôm ở nhiệt độ cao bởi sẽ phá hủy cấu trúc của các phân tử dược tính có tác dụng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, giúp mau lành vết thương.
Nếu dùng để nhuận tràng, mỗi ngày chỉ nên dùng 0,5 - 1g bột mủ trôm ngâm trong 200ml nước lọc. Nếu dạng thô thì chỉ lấy một thỏi bằng 1/2 lóng tay, rửa sạch rồi ngâm vào 200ml nước để từ tối đến sáng hôm sau mới dùng.
Phụ nữ đang thời kỳ nuôi con như có thai hoặc cho con bú, người gặp vấn đề về đường ruột như khối u trong ruột, người có tính hàn hay bị lạnh bụng, đi ngoài... thì không được sử dụng mủ trôm.
**************
"Thì tại mình giả đúng tiếng chuột con, thế là chuột mẹ liền lao ra hang. Bắt được con chuột mẹ rồi, mình gọi tiếp "chín chục" thì chuột chồng tưởng thằng nào qua ăn hiếp vợ mình, nó nhào ra theo", anh Tiển cười lý giải cách bắt chuột "thần sầu" của mình.
>> Kỳ tới: "Sư phụ chuột đồng" ở Sóc Trăng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận