09/07/2017 14:16 GMT+7

Kỳ 2: Đà Lạt và những ngôi làng khác

NGỌC HIỂN (
ngochien@tuoitre.com.vn)
NGỌC HIỂN (
[email protected])

TTO - Dưới tán cây phượng cổ thụ đang độ trổ bông tím một góc trời, hàng chục đứa trẻ í ới nô đùa trong buổi chiều tà của xứ sở mù sương Đà Lạt.

Bữa cơm chiều ấm cúng của trẻ em Làng SOS Đà Lạt - Ảnh: NGỌC HIỂN
Bữa cơm chiều ấm cúng của trẻ em Làng SOS Đà Lạt - Ảnh: NGỌC HIỂN
Lòng trắc ẩn và tình thương của ông bà Vân dành cho trẻ mồ côi khiến tôi thực sự xúc động.

Ông HELMUT KUTIN

Chập choạng tối, các em ùa về những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, quây quần cùng nhau trong mâm cơm chiều ấm cúng bên “mẹ hiền” mái đầu đã hai thứ tóc. Đó là khung cảnh thanh bình ở ngôi làng có 14 gia đình ngụ trong các ngôi biệt thự bề thế tại Làng trẻ em SOS Đà Lạt.

134 đứa con đang được nuôi dưỡng trong làng đều là trẻ em mồ côi và đây là mái ấm thứ hai mà các em được cảm nhận tình cảm gia đình.

Tâm huyết của hai giáo sư người Việt

“Cơ ngơi này là công sức, tâm huyết của vợ chồng giáo sư thiên văn học lừng danh Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc. Hai ông bà dù sống ở Pháp nhưng vẫn đau đáu với nỗi mất mát của trẻ em Việt Nam nên mới góp tiền dựng làng, nuôi dưỡng các em” - ông Trần Văn Cơ, nguyên giám đốc Làng trẻ em SOS Đà Lạt, cho biết.

Đây là ngôi làng trẻ em SOS thứ hai ở Việt Nam, được khánh thành từ năm 1974. Để có tiền dựng làng, những người Việt ở tận trời Âu phải đi gom từng đồng đóng góp. Trước đó, vợ chồng giáo sư Vân đã nhận đỡ đầu cho trẻ ở làng Gò Vấp từ khi làng thành lập năm 1968.

Đầu thập niên 1970, để có tiền lập Làng trẻ em SOS Đà Lạt, vợ chồng ông cùng những người bạn đã lập Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam ở Pháp (AEVN). Theo bà Ngọc, khi thấy ở Việt Nam chiến tranh loạn ly, nhiều trẻ em mồ côi nên những người Việt ở châu Âu đã chung tay gom góp.

Năm 1972, trong cái rét tê buốt của mùa đông Paris, vợ chồng giáo sư Vân cùng các tình nguyện viên rảo khắp các nhà thờ, rạp chiếu phim, siêu thị... từ sáng sớm đến tối mịt để bán thiệp Giáng sinh in hình tranh lụa của các họa sĩ Việt Nam.

Cảm phục trước lòng trắc ẩn của người Việt, phong trào bán thiệp giúp đỡ trẻ em Việt Nam đã lan rộng trên nước Pháp trong suốt ba mùa đông, thu về số tiền 1 triệu USD, xây nên Làng trẻ em SOS Đà Lạt.

Đây là ngôi làng chưa có tiền lệ trong lịch sử các làng trẻ em SOS trên thế giới bởi từ ý tưởng, góp tiền xây dựng cho đến duy trì làng đều do vợ chồng giáo sư Vân - Ngọc và những người bạn trên đất Pháp thực hiện.

Năm 1995, sau khi tổ chức chương trình Gặp gỡ Việt Nam ở Huế, vợ chồng giáo sư Vân bị kẹt lại đây do một cơn bão làm sập đường ray xe lửa từ Huế đi Hà Nội. Thời gian này, hai ông bà đã đến thăm làng trẻ em mồ côi Chi Lăng.

“Khi đến đó thấy các em cực quá, nhưng làng này chật quá nên chúng tôi quyết định xây một trung tâm khác” - GS Ngọc nói.

Từ đó, hai ông bà vận động xây dựng Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân nằm trên một triền dốc, cách không xa đồi Vọng Cảnh (sau này đổi tên thành Làng trẻ em SOS Huế).

Sau đó, ông bà lại tiếp tục vận động xây dựng thêm một Làng trẻ em SOS bên dòng sông Cầu Rào tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) và hằng năm vẫn vận động tài trợ để duy trì, nuôi dưỡng trẻ em trong các làng cho đến bây giờ.

Giáo sư Lê Kim Ngọc bên trẻ em Làng SOS Đà Lạt - Ảnh: N.H. chụp lại
Giáo sư Lê Kim Ngọc bên trẻ em Làng SOS Đà Lạt - Ảnh: N.H. chụp lại

Những ân tình quốc tế

Sau khi hai làng SOS Gò Vấp, Đà Lạt tái lập và Làng SOS Hà Nội khánh thành, đã có hàng triệu tấm lòng trên thế giới tiếp tục hướng về những đứa trẻ mồ côi Việt Nam. Lần lượt có thêm 14 làng SOS khác với hàng trăm mái ấm mọc lên từ Điện Biên cho đến đất mũi Cà Mau.

Ông Đỗ Tiến Dũng, giám đốc quốc gia Làng SOS Việt Nam, cho biết ông Helmut Kutin, chủ tịch danh dự hệ thống Làng SOS, là người rất mến mộ Bác Hồ nên dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, ông đã đề xuất xây dựng làng trẻ em SOS thứ tư ở quê hương của Bác tại Nghệ An.

Sau đó, Tổ chức SOS quốc tế đã lần lượt vận động tài trợ để xây các làng tại Đà Nẵng, Hải Phòng, Cà Mau, Việt Trì, Bến Tre, Thanh Hóa...

Một trong những câu chuyện đặc biệt hình thành nên các làng này phải kể đến tấm lòng của công chúa Vương quốc Na Uy Martha Louise.

Năm 25 tuổi, công chúa xinh đẹp này đã gom toàn bộ quà tặng sinh nhật và vận động thêm người dân Na Uy đóng góp kinh phí xây dựng Làng SOS Việt Trì. Năm 1988, cô đã sang Việt Nam để tự tay cắt băng khánh thành làng.

Năm 2008, nhân sinh nhật thứ 65 của mình, ông Helmut Kutin đã trực tiếp viết bài gửi cho ba tờ báo lớn nhất nước Áo với hi vọng có khoảng 10.000 người đóng góp để xây dựng làng Điện Biên. Nhưng không ngờ, số người ủng hộ lên đến 30.000 người và ngôi làng nằm giữa thung lũng Mường Thanh được khánh thành ngày 2-9-2009.

Trước đó, nhân dịp sinh nhật lần thứ 55 của mình, ông Kutin đã vận động bạn bè xây dựng Làng SOS Cà Mau.

Khi có một công ty gia đình tại châu Âu đặt vấn đề muốn xây dựng một làng SOS, ông Kutin đã nghĩ ngay đến Việt Nam và mời công ty này tài trợ, xây dựng Làng SOS Quy Nhơn.

Theo ông Dũng, trong số 17 làng trẻ em SOS tại Việt Nam, Làng trẻ em SOS Thái Bình là ngôi làng đầu tiên mà người Việt trong nước tham gia đóng góp 50% kinh phí lập làng (50% còn lại là do Tổ chức SOS kêu gọi tài trợ từ châu Âu).

Ông Helmut Kutin, chủ tịch danh dự hệ thống Làng SOS, cho biết vào những năm đầu thập niên 1970, ông và hai vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân đều rất trẻ và có chung tâm nguyện giúp đỡ trẻ em mồ côi VN. Chính vì thế, ông và hai vợ chồng giáo sư sớm trở nên thân thiết.

Theo ông Kutin, là những nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, vợ chồng giáo sư Vân hoàn toàn xứng đáng có một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, có những giờ phút nghỉ ngơi thoải mái. Thế nhưng, hai tiến sĩ trẻ tuổi ấy lại đứng bên hè phố, cạnh nhà thờ Đức Bà Paris, dưới bầu trời tuyết bay gió rét bán từng tấm bưu thiếp vào dịp lễ Giáng sinh, gom góp từng đồng franc để xây dựng Làng trẻ em SOS Đà Lạt.

___________

Kỳ tới: Những đứa trẻ mồ côi

Kỳ 1: 
NGỌC HIỂN (
[email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên