29/04/2014 06:00 GMT+7

Kỳ 1: Theo lời Tướng Giáp, 1954 người lính quay lại

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - “Mấy cháu hôm qua từ Hà Nội lên đây mất bao lâu?”. “Dạ, coi như gần trọn một ngày cụ ạ!”. “Hồi 1958 bọn bác đi từ Phú Thọ lên đây mất gần một tháng đi bộ, sau đó đi ôtô của nông trường thì từ đây về Hà Nội mất... năm ngày!”.

Hình ảnh gắn với chiến thắng Điện Biên là lá cờ trên tay người lính tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, nhưng để có một Điện Biên hôm nay không chỉ là cột mốc chiều 7-5-1954.

Điện Biên Phủ sau ngày chiến thắng còn có mồ hôi và máu của hàng vạn người lính vẫn mang áo trấn thủ, vừa ôm cây súng vừa cầm lấy cuốc cày, hiến dâng tuổi trẻ của mình cho Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng... trên mảnh đất Điện Biên.

2Zw9iTOJ.jpgPhóng to
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu

Câu chuyện giữa chúng tôi và bác Hoàng Văn Bảy, cựu binh Điện Biên hiện sống ở tổ 1, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, đã bắt đầu bằng câu chuyện tàu xe như thế, trong một ngày rạo rực của miền đất hoa ban, khi ít hôm nữa lễ kỷ niệm cấp nhà nước 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ diễn ra tại đây.

“Lấy Tây Bắc làm quê hương”...

Ông Hoàng Văn Bảy là một trong số những người lính Điện Biên trở lại xây dựng nông trường quân đội tại đây sau ngày Điện Biên giải phóng. Nhưng không chỉ có thế, Điện Biên không chỉ là tuổi trẻ của ông, đây đã là quê hương thứ hai, nơi chôn nhau cắt rốn sáu đứa con và tất cả giờ đây đều gắn bó với miền đất này.

Năm 1952, chàng trai Hoàng Văn Bảy, quê Diễn Lợi (Diễn Châu, Nghệ An) đăng ký tòng quân nhưng quá thấp bé nhẹ cân phải “ăn gian” bằng cách cho cát vào túi. Đạt đúng 45 cân, anh Bảy mới vào được vệ quốc đoàn. Sau khóa huấn luyện, năm 1953 anh đã tham gia chiến dịch Tây Bắc, sau chiến dịch về đóng quân ở Thanh Hóa. Cuối năm 1953, lính sư đoàn 316 tham gia chiến dịch Điện Biên. Câu chuyện về chiến dịch Điện Biên đã được nhắc nhớ nhiều, nhưng với anh lính trẻ Hoàng Văn Bảy, dù cờ chiến thắng đã bay trên bầu trời, nhưng không có nghĩa là đã hòa bình. Ở Điện Biên thêm một thời gian thì đơn vị của Hoàng Văn Bảy được đưa về Thái Bình thực hiện việc sửa sai sau “cải cách ruộng đất”, sau lại về Nho Quan (Ninh Bình) tham gia xây dựng doanh trại. Cả một vùng Tây Bắc rộng lớn bấy giờ chưa hình thành được các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tròn một năm sau ngày chiến thắng, vào ngày 7-5-1955, Khu tự trị Thái - Mèo chính thức ra mắt. Khi bộ đội bắt đầu rút đi thì vùng Tây Bắc nạn phỉ nổi lên cướp bóc, phá hoại. Đơn vị ông Bảy được lệnh quay lại Phú Thọ.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chàng lính trẻ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra ở đây vào tháng 3-1958 khi Đại tướng về thăm sư đoàn và giao nhiệm vụ cho sư đoàn trở lại Điện Biên, vừa bảo vệ biên cương vừa phát triển kinh tế với lời dặn: “Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy nông trường làm gia đình”. Và câu chuyện về chuyến đi “tròn một tháng” chính là cuộc hành quân bộ của cả sư đoàn từ Phú Thọ lên Điện Biên Phủ vào dịp này, vừa tiễu phỉ, vừa vận động quần chúng, vừa tham gia sản xuất kinh tế. Sư đoàn 316 có ba trung đoàn, trung đoàn 98 được giao nhiệm vụ mở đường ở Tuần Giáo, trung đoàn 174 chọn những người khỏe mạnh tinh nhuệ lập ra một lữ đoàn thường trực của sư đoàn, còn lại chuyển qua trung đoàn 176 làm nhiệm vụ xây dựng nông trường quân đội.

AeiPppYj.jpgPhóng to
Vợ chồng cựu binh Điện Biên Hoàng Văn Bảy và bà Tạ Thị Thọ - Ảnh: Ngọc Quang

... Lấy nông trường làm gia đình

Ông Bảy đưa tay chỉ vào tấm hình những đồng đội cựu binh đã cùng lên đây ngày ấy, nay người trẻ nhất đã 80 tuổi, người cao niên nhất gần 90 tuổi, rồi cười: “Hồi đó chưa ai có vợ con, lên đây cứ một đại đội đóng quân một điểm, tất cả vây quanh cánh đồng Mường Thanh này. Cả một vùng rừng núi hiểm địa hoang vu chợt ấm lên khi có những người lính trở lại. Nhưng để Điện Biên có sức sống hơn, ấm áp hơn, cần phải có những “tổ ấm” của lính”.

Đầu năm 1960, anh em trong đơn vị nhận lệnh: anh em ai có vợ con ở quê thì được phép về quê và đưa lên đây xây dựng cuộc sống mới. Kể đến đây, ông Bảy nhìn sang vợ mình, bà Tạ Thị Thọ cười: “Muốn hỏi chuyện lên đây hồi đó ra sao, các chú cứ hỏi bà vợ tôi.” Hóa ra ông Bảy và bà Thọ ngày cưới cũng là lần đầu họ gặp nhau. Ông Bảy kể: “Bác đi kháng chiến, ở nhà bố mẹ đã đi hỏi vợ cho bác trước cả rồi. Năm 1958, đang đóng quân ở Phú Thọ thì gia đình nhắn về quê. Lặn lội cả tuần lễ về đến quê thì hai gia đình đã “thông qua” từ lâu, rứa là nên vợ chồng”.

Cưới xong, quay lại đơn vị. Nhận lệnh về đưa vợ lên ông Bảy vui lắm, nhưng cũng lo không biết vợ có đồng ý theo chồng lên đây. Bà Thọ cười góp chuyện: “Hồi đó nghe Điện Biên xa xôi heo hút lắm, thương chồng nhưng cũng không dám rời quê. Mà vợ chồng cứ sống xa nhau như thế biết bao giờ mới có chút con bồng. Gia đình hai bên động viên lắm mới dứt áo theo chồng. Gia tài chỉ có cái hòm gỗ đựng mấy thứ đồ lặt vặt. Đi tàu ra tới Hà Nội thì có ôtô nông trường về đón. Từ Hà Nội lên Điện Biên hồi đó đường sá còn gian nan lắm. Chỉ 500 cây số mà đi ôtô mất năm ngày đường. Hôm lên xe qua đèo Pha Đin, đi một quãng lại thấy bát nhang, đường đèo dạo ấy hiểm trở, tai nạn như cơm bữa. Lên tới nơi, nhìn núi rừng bốn phía lại khóc...”.

Và hai năm sau, con gái đầu lòng của vợ chồng người lính trẻ Hoàng Văn Bảy cất tiếng khóc chào đời trên đất Điện Biên. Mảnh đất Tây Bắc thành nơi chôn nhau cắt rốn. Hoàng Thị Mai, cô con gái đầu lòng sinh năm 1962 ấy, nay là viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Điện Biên Phủ.

Ông Bảy là một trong số 1.954 người lính của trung đoàn 176 ngày đó lên xây dựng nông trường quân đội đầu tiên. Sau 60 năm, ban liên lạc của trung đoàn 176 - những người xây dựng nông trường ngày đó - nay chỉ còn chưa đến một phần mười “quân số” với 190 người đang sống tại Điện Biên. Ngày 3-5 này, ban liên lạc sẽ họp mặt mừng 60 năm chiến thắng nhưng cũng chỉ có 130 cựu binh có thể tham dự, còn 60 cụ đã quá già yếu không thể nào tới được dù lòng ai cũng rất háo hức.

Ở tổ 1, phường Thanh Trường của ông Bảy nay còn có bốn cựu binh Điện Biên đang sinh sống. Và cũng như ông Bảy, con cái của các cựu binh ai cũng trưởng thành và có cuộc sống ổn định trên quê hương thứ hai này, dù mỗi người đều đến từ một miền quê khác nhau, như cụ Lăng Văn Càn quê ở Lạng Sơn, cụ Bùi Mạnh Tuyết quê ở Hà Bắc, cụ Phan Văn Chẩn quê ở Hải Dương, cụ Trần Đức Chính quê ở Hải Phòng... Chúng tôi ngồi với các cựu binh trong căn nhà của ông Bảy chìm dưới bóng cây xanh mát và lắng nghe những hồi ức của những cựu binh của Tướng Giáp, không chỉ là chuyện “khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt máu trộn bùn non...”.

60 năm trôi qua, những người lính trẻ tuổi 20 năm ấy nay đã ngoại bát tuần nhưng năm tháng gian nan mà lẫm liệt ấy vẫn tươi nguyên trong ký ức. Gương mặt những người lính già chợt rực sáng bởi nhớ lại ngày mà tám chiếc máy cày đầu tiên do Hungary viện trợ được đưa lên Nông trường Điện Biên vào năm 1961 chạy băng băng trên cánh đồng Mường Thanh. Hàng ngàn đồng bào trong tỉnh lặn lội cơm đùm gạo bới về đây để chạy theo chiếc máy cày lật đất. Mồ hôi lính đổ xuống, bắt cánh đồng Mường Thanh mọc lên ngô, lên lạc, lên lúa... Cứ như thế, cho tới Điện Biên hôm nay.

__________________

Kỳ tới: “Người thủ đô” và ngôi làng mang tên... đại đội

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên