18/11/2014 10:41 GMT+7

Ngắc ngoải rạp phim nhà nước-Kỳ 1: “Chốn xưa” thoi thóp

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Hàng trăm rạp phim do Nhà nước quản lý, trải dài từ Bắc vào Nam đều đang trong tình trạng sống dở chết dở: cũ kỹ, xuống cấp, không đủ sức cạnh tranh với hệ thống rạp hiện đại và tiện lợi của tư nhân.

Rạp Mê Linh trên phố Lò Đúc (Hà Nội) giờ là nơi kinh doanh bar và thể dục thể hình - Ảnh: Nguyễn Khánh
Rạp Mê Linh trên phố Lò Đúc (Hà Nội) giờ là nơi kinh doanh bar và thể dục thể hình - Ảnh: Nguyễn Khánh

Hà Nội từng có gần 20 rạp chiếu phim trong cơ chế quản lý của Nhà nước. Vậy nhưng giờ đây điểm danh lại chỉ còn thấy đôi ba rạp hoạt động lắt lay...

Một ngày vòng quanh phố cổ Hà Nội, qua Hàng Cót, xuống Hàng Chiếu và ngược về Hàng Giấy thật khó có thể tìm được “dáng xưa” của ba điểm rạp chiếu bóng là Đại Đồng, Long Biên và Bắc Đô.

Ấy thế nhưng dừng xe và hỏi một người Hà Nội khoảng ngoài 50 tuổi nào đó ngồi thảnh thơi trên vỉa hè chờ khách mua hàng thì cuộc kiếm tìm ấy không mấy khó khăn.

Chúng tôi gần như lực bất tòng tâm suốt mấy chục năm qua, phải chấp nhận để những điểm rạp chiếu phim nổi tiếng ở Hà Nội cứ rơi rụng dần. Việc đầu tư vào các cụm rạp bị mắc ở giữa vì đơn vị phải hoạt động theo đúng Luật doanh nghiệp nhưng vẫn phải phục vụ các hoạt động chính trị.

Mặt khác, đã có lúc chúng tôi muốn bắt tay với doanh nghiệp bên ngoài để đầu tư xây dựng, nâng cấp rạp nhưng không được TP cho phép

Bà Ngô Thị Phương Liên (trưởng phòng nghiệp vụ Công ty Điện ảnh Hà Nội)

Đi vào... “thời xa vắng”

Lạc hậu ngay từ  nguồn vốn đầu tư

Rạp chiếu phim nhà nước hoạt động khốn đốn như thế nhưng tới đây Hà Nội sẽ có hai rạp phim mới đi vào hoạt động.

Một là Fafilm Cinema  vẫn ở 19 Nguyễn Trãi đã xây mới xong và một là rạp Sơn Tây, dự kiến đến năm 2016 sẽ sửa chữa, nâng cấp xong toàn bộ.

Ông Trương Mạnh Hà - giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Sở VH-TT&DL Hà Nội, đơn vị quản lý rạp Sơn Tây - cho biết:

“Cũng mừng vì sau mười năm, rạp Sơn Tây được hoạt động trở lại. Nhưng với diện tích khoảng 400m2 và nguồn vốn dưới 3 tỉ đồng, chúng tôi dự kiến chỉ có thể cải tạo nâng cấp phòng chiếu 2D chứ chưa thể có phòng chiếu 3D”.

Như vậy, câu chuyện những rạp chiếu phim nhà nước lại tiếp tục lạc hậu ngay từ nguồn vốn đầu tư ban đầu có lẽ vẫn còn dài...

Ở ngã ba Hàng Cót, người đàn ông bán quán nước đã khoát tay: “Đi thêm 500m nữa là đến Đại Đồng - số 46”. Đến nơi, số nhà vẫn là 46 nhưng rạp Đại Đồng không còn nữa, thay vào đó là trung tâm văn hóa mới tinh.

“Dấu xưa” còn lưu lại đôi chút trên cái tên CLB khiêu vũ Đại Đồng được in ở panô nho nhỏ treo trước cửa...

Còn người phụ nữ bán chiếu ngồi ngay trước cửa rạp Long Biên trên phố Hàng Chiếu thì nhấm nhẳng bảo rằng: “Số 78 Hàng Chiếu này chính là rạp Long Biên. Nhưng hỏi làm gì, bây giờ bên dưới thì làm chỗ trông xe, còn phòng chiếu phim phía trên bỏ không!”.

Nhìn lại, mặt tiền của rạp đang là chỗ mưu sinh, dễ ngót đến 20 năm, của ba bốn hộ dân sống trên phố cổ. Nhưng phía trên, những tấm panô, apphich không còn nữa mà trơ khung sắt hoen gỉ và mảng tường chắc mới được sơn lại màu trắng.

Riêng rạp Bắc Đô giờ nằm trong vòng vây của những tấm tôn xanh. Địa chỉ quen thuộc của chiếu bóng Hà Nội năm xưa nằm ngay bên cầu sắt chui Long Biên 39 Hàng Giấy này đang được thi công xây Trường mầm non Họa Mi.

Ông Nguyễn Tiến Thành, bán hàng lặt vặt trên phố Hàng Giấy, năm nay ngoài 60 tuổi kể:

“Ngày nhỏ tôi vẫn vào Bắc Đô xem chiếu bóng. Khuôn viên rạp không rộng nhưng phòng chiếu khá đẹp. Những phim như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Chung một dòng sông... tôi đều xem ở đó.

Có thời điểm, đám trẻ con chúng tôi chầu chực xếp hàng mua vé cả buổi mới được một vé cho đêm chiếu của tuần sau. Nhưng chuyện ấy xưa rồi.

Những năm 1990 rạp bắt đầu thưa vắng khách. Hơn mười năm trở lại đây bị bỏ không, cho thuê kinh doanh. Mãi vừa rồi thấy phá dỡ, nghe nói làm trường mầm non gì đó...”.

Rạp Đại Đồng giờ đây biến thành Trung tâm Văn hóa quận Hoàn Kiếm và là nơi sinh hoạt thường xuyên của câu lạc bộ khiêu vũ quốc tế Đại Đồng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Rạp Đại Đồng giờ đây biến thành Trung tâm Văn hóa quận Hoàn Kiếm và là nơi sinh hoạt thường xuyên của câu lạc bộ khiêu vũ quốc tế Đại Đồng - Ảnh: Nguyễn Khánh

Lắt lay, cầm chừng

Rời khu phố cổ, chúng tôi đi tìm lại những cụm rạp tên tuổi một thời ở Hà Nội như Mê Linh (Lò Đúc), Kinh Đô (Cửa Nam), Tháng Tám (Hàng Bài), Đặng Dung (Đặng Dung), Bạch Mai (Bạch Mai), Đống Đa (Thái Thịnh), Dân Chủ (Khâm Thiên), Đại Đồng (Hoàng Hoa Thám, Hà Đông), Sơn Tây (Lê Lai, thị xã Sơn Tây). Trừ rạp Tháng Tám, Đại Đồng, Khâm Thiên vẫn hoạt động cầm chừng, còn lại tất cả đã thành... “quá vãng”.

Đấy là rạp Kinh Đô không còn dấu tích nào nữa khi trên nền đất cũ là tổ hợp giải trí Muzic Park. Rạp Mê Linh dù còn vẹn nguyên những dòng chữ Mê Linh Cinema và được sơn sửa sạch sẽ nhưng thực tế đã ngừng hoạt động mười năm qua, bên trong đã được cho thuê làm nơi tập thể dục thẩm mỹ và quán bar.

Còn rạp Đặng Dung được “chia năm xẻ bảy” cho những cửa hàng bán phụ kiện điện thoại di động, hàng bia, đồ mỹ nghệ. Bước chân vào gian hàng đầu dãy, chúng tôi vẫn thấy mũi tên hướng dẫn lối ra phòng chiếu còn đỏ thắm trên bức tường ố vàng. Ông chủ một quầy hàng điện thoại cho biết: “Cán bộ chiếu bóng chuyển đi từ lâu rồi. Chúng tôi thuê bán hàng cũng đã được hơn mười năm”.

“Nghỉ chiếu” gần đây nhất trong số các cụm rạp ấy là Bạch Mai, hồi tháng 8 vừa qua. Thật ra rạp này đã “thoi thóp” suốt mười năm khi một tuần chỉ có hai buổi chiếu (thứ bảy, chủ nhật) với đôi ba cặp tình nhân ghé qua. Mặt tiền của rạp được tận dụng đến 3/4 cho karaoke, bán đồ lưu niệm thuê. Tấm panô phía trên bong tróc nham nhở.

Chị bán hàng drap, nệm ngồi đối diện với rạp nói: “Bao năm sống ở đây nhưng tôi có vào rạp xem đâu. Có lúc cả nhà tôi chạy xe lên Vincom xem phim. Cũng vì cứ nhìn phía ngoài cũ kỹ thế kia thì ai có thể tin nổi ở trong có một phòng chiếu tốt”. Còn người đàn ông ngồi trông xe ngay trước cửa rạp đóng im ỉm thì ra mời chào: “Sao, muốn thuê lại à? 80 triệu/tháng”.

Hoạt động được đôi chút là rạp Đại Đồng (Hoàng Hoa Thám, Hà Đông, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Sở VH-TT&DL Hà Nội quản lý) khi vẫn giữ một phòng chiếu và mở suất chiếu vào 20g các ngày cuối tuần. Nhưng lịch chiếu này là cho có vì gần như chỉ để phục vụ các dịp chiếu phim lễ lạt.

Rạp mới cũng thất bại

Những rạp chiếu phim do Công ty Điện ảnh Hà Nội quản lý đều là những rạp được tiếp quản từ sau ngày giải phóng thủ đô. Vậy nên, sự xuống cấp về cơ sở vật chất sau hơn nửa thế kỷ không được đầu tư dẫn đến không thể đứng vững giữa cơn lốc thị trường điện ảnh hiện nay đã đành một nhẽ.

Thế nhưng, có nhiều cụm rạp được xây mới từ ngân sách nhà nước trong những năm đầu thế kỷ 21 cũng lung lay, thậm chí phải đóng cửa thì thật đáng để bàn.

Fafilm Việt Nam - cái tên lừng danh một thời “độc quyền” về việc phát hành phim - đã là ông chủ đứng ra thuê các cụm rạp ở Hà Nội, thế nhưng giờ đây khi được hỏi về việc này, ông Phạm Văn Họa - tổng giám đốc Fafilm Việt Nam - buông tiếng thở dài: “Lâu nay Fafilm rất ít hoạt động!”.

Trong mười năm trở lại đây, Fafilm chỉ còn lặng lẽ với công việc mang phim đặt hàng của Nhà nước đi chiếu ở vùng sâu vùng xa.

Còn ở rạp Ngọc Khánh (Trung tâm dịch vụ và văn hóa điện ảnh - Viện Phim Việt Nam),  được mở hoạt động từ cuối những năm 1990 song ngừng hoạt động một thời gian và đến năm 2006 được đầu tư trở lại với hi vọng sẽ trở thành một trung tâm lớn phục vụ nhu cầu người dân ở phía tây Hà Nội.

Nhưng dẫu rằng rất mặn mà với khách bằng cách tăng số phòng từ một lên ba để quay vòng được nhiều phim, áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi kiểu mua vé có quà tặng là đồ uống, bắp rang bơ... vậy mà Ngọc Khánh vẫn vắng vẻ, thua lỗ.

Đến tháng 8-2014 thì dừng hoạt động hoàn toàn để chuyển sang hình thức kinh doanh khác. Ông Nguyễn Anh Quảng - nguyên phó giám đốc Trung tâm dịch vụ và văn hóa điện ảnh Viện Phim Việt Nam - cho biết:

“Chúng tôi đã cố gắng bổ sung nhiều dịch vụ để thu hút khán giả. Nhưng đấy chỉ là việc nhỏ nhặt khi cái cần của điện ảnh hôm nay là chuyển sang kỹ thuật số với hệ thống phòng chiếu 3D mà rạp vẫn chỉ có máy chiếu phim 2D. Vậy nên chuyện gì đến vẫn phải đến!”.

Sau những rạp chiếu phim thua lỗ và ế ẩm ấy, rạp Kim Đồng (Sở VH-TT&DL Hà Nội) đã được xây mới năm 2010. Công trình này được Tập đoàn Dầu khí quốc gia đầu tư trên 100 tỉ đồng với ba phòng chiếu 2D, 3D và 4D.

Thế nhưng gần bốn năm qua, địa chỉ này hoạt động không hết công suất, khai thác kém hiệu quả. Ở đây số phim được quay vòng chậm vì trên thực tế chỉ có hai phòng chiếu (2D và 3D) hoạt động. Phòng chiếu 4D thời gian gần đây gần như ngừng hẳn.

Ngoài ra, theo báo cáo của ban giám sát Ban văn hóa - xã hội HĐND TP Hà Nội, công trình này xuống cấp rõ rệt khi toàn bộ nhà bị thấm dột nặng từ tầng 7 xuống tầng hầm B2. Toàn bộ hệ thống các khu vệ sinh không đảm bảo, thường xuyên bị tắc, hỏng. 

Nguy cơ “xóa sổ” rạp Tháng Tám

Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội chính là doanh nghiệp quản lý hoạt động của hơn mười cụm rạp ở Hà Nội. Qua thời “hoàng kim” của điện ảnh, một loạt rạp của đơn vị này rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng vì không có khách để cuối cùng phải đóng cửa và chuyển sang cho thuê mặt bằng kinh doanh.

Mấy năm trước, công ty này đã trả lại các điểm rạp Đại Đồng, Long Biên, Bắc Đô cho quận Hoàn Kiếm. Hiện nay, các điểm rạp Đặng Dung, Đống Đa đang được tiếp tục bàn giao. Trên thực tế, công ty chỉ còn một điểm trực tiếp quản lý hoạt động chiếu bóng là rạp Tháng Tám.

Để không “hổ danh” là một địa chỉ vàng trong tâm thức của người Hà Nội từ xưa đến nay mỗi khi nhắc đến chiếu bóng ở Hà thành, rạp Tháng Tám đã cố gắng “giữ mình” bằng cách duy trì những suất chiếu phim vòng đầu khi phim bom tấn ra rạp, giảm giá vé đến tối đa, nâng cấp trang thiết bị phòng chiếu, từ một phòng rộng 1.200 chỗ thành năm phòng chiếu 2D, 3D.

Nhưng xem ra sự cố gắng ấy chẳng thể thay đổi cục diện khi ba năm qua khán giả đến với rạp ngày càng thưa. Doanh thu không đủ chi cho nhân công, thuế đất (tăng gấp năm lần từ năm 2011 đến nay). Mọi hoạt động ở nơi lừng lẫy của điện ảnh thủ đô thuở nào giờ đây chỉ có thể cầm chừng để chờ phán quyết cuối cùng từ phía TP Hà Nội.

“Nếu cứ tiếp tục thua lỗ thế này, chẳng chóng thì chầy rạp Tháng Tám cũng phải đóng cửa” - bà Ngô Thị Phương Liên, trưởng phòng nghiệp vụ Công ty Điện ảnh Hà Nội, nói.

Theo bà Liên, gánh nặng mà công ty đang phải mang trên lưng là cùng một lúc bị “trói” vào cơ chế quản lý: vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một doanh nghiệp - thuế đất vừa phải chi trả lương cho 130 nhân viên từ thời bao cấp đến nay, vừa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị mà vừa phải hạch toán kinh doanh độc lập.

Đã thế, với tuổi đời 55 năm, rạp đã xuống cấp trầm trọng về cơ sở vật chất như mặt tiền cũ kỹ, kém hấp dẫn, phòng ốc không đảm bảo, không gian chật chội.

Kỳ 2: Huế: èo uột, bỏ hoang

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên