Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kiên cố hóa hệ thống trường học trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là những huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, UBND tỉnh Kon Tum đã phân bổ số tiền 257,932 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh 140,640 tỷ đồng và nguồn vốn đầu tư từ xổ số kiến thiết là 117,292 tỷ đồng) đầu tư cho ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.
Toàn tỉnh Kon Tum có hơn 146.000 học sinh, sinh viên; trong đó có khoảng 3.600 sinh viên hệ đại học, cao đẳng, còn lại là hệ phổ thông.
Là một tỉnh miền núi nghèo của Tây Nguyên, với nhiều xã vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, nhưng ngành giáo dục Kon Tum đã vượt qua những khó khăn, thử thách đó và gặt hái được nhiều kết quả trong năm học 2014- 2015.
Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp ở cấp mẫu giáo đạt 87,1%; trong đó tỉ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,9%; học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; 11 tuổi vào lớp 6 đạt 99,4%. Số trẻ, học sinh đến trường được học 2 buổi/ngày ở bậc mầm non đạt 99,8%; 9/10 buổi/ tuần ở bậc tiểu học đạt 56,2% (tăng 1,1 % so với năm học trước); bậc trung học cơ sở đạt 67,2% và bậc trung học phổ thông đạt 98,4%.
Tính đến tháng 6/2015, toàn tỉnh Kon Tum có 136 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 32 trường so với năm 2014). Trong đó, mầm non có 34 trường, tiểu học 67 trường, trung học cơ sở có 26 trường, trung học phổ thông có 9 trường.
Công tác dạy và học cũng đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015 đạt 89,71% (trung bình cả nước là 91,58%); trong đó kết quả hệ trung học phổ thông là 93,79%, giáo dục thường xuyên là 42,22%, học sinh dân tộc thiểu số đỗ tốt nghiệp đạt 77,71%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận