Phóng to |
Kế hoạch hòa bình sáu điểm của ông Kofi Annan đã không thể ngăn chặn bạo lực tại Syria - Ảnh: AFP |
Trong thông báo, ông Annan nói cuộc họp nhằm “xác định các bước đi và biện pháp để bảo đảm thực hiện đầy đủ kế hoạch hòa bình sáu điểm cho Syria”, đồng thời tìm kiếm thỏa thuận về “bộ chỉ dẫn và nguyên tắc cho quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân Syria” cũng như “những hành động để các mục tiêu này thành hiện thực”.
Một thỏa thuận vào phút chót đã bảo đảm các đồng minh phương Tây gồm Mỹ, Anh và Pháp sẽ cùng ngồi lại bàn bạc về Syria với Nga trong cuộc họp. Trước đây Nga khăng khăng chỉ tham dự nếu Iran cũng được mời, nhưng đã thay đổi quan điểm sau khi ông Annan rút lại lời mời Iran đến dự hội nghị.
Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc (LHQ) Martin Nesirky cho biết ông Annan sẽ tóm tắt về nội dung cuộc họp cho Iran. Đại sứ Iran tại LHQ Mohammad Khazee nói: “Nếu các cường quốc không muốn nhận được sự trợ giúp từ sự ảnh hưởng và vai trò xây dựng của Iran thì đó là vấn đề của họ”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nói sẽ không tham dự nếu có sự hiện diện của Iran. Sau khi ông Annan từ bỏ ý định mời Iran, bà Clinton bày tỏ hi vọng cuộc họp sẽ tạo ra “bước ngoặt” trong các nỗ lực quốc tế đối với khủng hoảng leo thang ở Syria. Ngoại trưởng Clinton sẽ có cuộc thảo luận trước với người đồng cấp Sergei Lavrov tại St. Petersburg vào ngày 29-6 trước khi đến Thụy Sĩ.
Thành phần tham dự ngoài đại diện thường trực Hội đồng Bảo an còn có bộ trưởng các nước trong Liên đoàn Ả Rập và những nước láng giềng Syria như Thổ Nhĩ Kỳ.
Quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho phe đối lập Syria, Saudi Arabia, cũng không được mời dự họp.
Syria nhầm máy bay Thổ Nhĩ Kỳ là của Israel
Phóng to |
Bộ trưởng Thông tin Syria Omran Al Zubi trả lời phóng viên sau vụ đánh bom một kênh truyền hình thân chính phủ ngày 27-6 - Ảnh: Reuters |
Hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ A Haber cho hay Bộ trưởng Thông tin Syria Omran Al Zubi đã trả lời qua điện thoại rằng Syria “không muốn một cuộc khủng hoảng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria”.
Theo hãng tin này, ông Al Zubi nói các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ và Israel phần lớn là do Mỹ chế tạo, dẫn đến quân đội Syria đã lầm tưởng đó là máy bay của Israel. Israel và Syria là hai quốc gia đối địch, từ lâu đã không có quan hệ ngoại giao.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Al Zubi có giọng điệu mềm mỏng hơn, khác với những ngôn từ cứng rắn trước đó giữa hai nước. “Vấn đề hiện tại là máy bay Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập không phận Syria và chúng tôi đáp trả khi xem đó là mục tiêu không xác định. Máy bay bị bắn không phải vì đó là máy bay Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi mong quan hệ hai nước sẽ tốt hơn”.
Trong một diễn biến khác, Hãng tin ABC cho hay các đội cứu hộ đã tìm thấy mũ và giày của hai phi công Thổ Nhĩ Kỳ trong chiếc Phanton F-4. Tuy nhiên họ không phát hiện dấu vết nào của các phi công.
Theo nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, hai chiếc mũ được tìm thấy trong xác của chiếc máy bay. Hiện chưa rõ liệu hai phi công có thể thoát ra ngoài được trước khi máy bay rơi xuống hay không.
Nga có thể cung cấp trực thăng cho Syria qua đường hàng không
Trả lời Hãng tin Interfax, một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết Nga đang xem xét việc phái máy bay vận chuyển chuyến hàng gồm các trực thăng và hệ thống phòng không cho Syria, sau khi nước này từ bỏ kế hoạch vận chuyển bằng đường thủy.
“Ba máy bay trực thăng Mi-25 và hệ thống phòng không có thể dễ dàng vận chuyển tới Syria bằng đường bay. Nga đã thực hiện đầy đủ các cam kết của mình. Hiện mọi việc còn tùy thuộc các quan chức có thể kháng cự lại sức ép của phương Tây, vốn đòi chúng tôi dừng mọi hợp tác quân sự với Syria, hay không” - nguồn tin này nói.
Nguồn tin cho biết quyết định sẽ sớm được đưa ra.
Theo nhật báo Vedomosti, trong năm nay Nga đã dừng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Syria dù hai nước đã ký kết hợp đồng trị giá 105 triệu USD tại Damascus năm 2011.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận