20/09/2011 07:31 GMT+7

Kịp không? Kịp...

CHIÊU NGHI
CHIÊU NGHI

TT - Sau khi Tuổi Trẻ đưa ra giải pháp đón đầu các nền bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới về khâu tổ chức giải đấu, đã có những ý kiến bàn luận xoay quanh việc xây dựng một công ty cổ phần Vietnam Premier League (VPL - tạm gọi) ở V-League. Liệu điều này có kịp trước mùa giải 2012?

Read this on Tuoitrenews.vn

Xin khẳng định hoàn toàn có thể thành lập công ty này cho mùa giải 2012. Câu trả lời này dựa trên những yếu tố căn bản như: tiến độ, cách thức, điều lệ và nhân sự.

Về tiến độ: Để thành lập một công ty cổ phần chuyên ngành tổ chức sự kiện hiện nay không quá khó khăn và mất nhiều thời gian. Người bình thường nếu muốn thành lập một công ty như thế, quá trình tiến hành thủ tục cũng không thể kéo dài quá một tháng.

Trong khi đó, với mối quan hệ của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cũng như các chủ tịch CLB, việc thành lập VPL có thể hoàn tất trong tháng 9 này nếu tất cả các bên chịu ngồi lại với nhau một cách nghiêm túc. Thời hạn ấy cũng không quá sai lệch với ngày 23-9 - thời hạn VFF đưa ra cho các CLB về câu trả lời: “Ai xứng đáng là trưởng giải 2012?”.

Về cách thức cũng như điều lệ: Mỗi CLB tham gia V-League vẫn phải nộp lệ phí dự giải là 500 triệu đồng. Trong trường hợp VPL được thành lập, lệ phí này sẽ trở thành phần vốn góp của cổ đông công ty trong năm tài khóa 2011-2012.

Mỗi mùa giải mới được tiến hành, với sự thay đổi CLB lên - xuống hạng, những phần vốn góp mới (các CLB lên hạng) sẽ được coi như một lần tăng vốn điều lệ của VPL. Việc xác định phần góp vốn đó nhằm xác định kinh phí tổ chức giải và cổ tức nhận được của mỗi cổ đông.

Theo một quan chức VFF, kinh phí tổ chức giải hiện nay vào khoảng10 tỉ đồng/mùa bóng. Với 14 đội bóng là 14 cổ đông, VPL sẽ có ít nhất 7 tỉ (nếu phần vốn góp vẫn là 500 triệu đồng/ đội) trong vốn điều lệ ban đầu. Phần còn lại là vốn góp của VFF và số vốn góp vượt trội sẽ giúp VFF có quyền “quyết định” qua lá phiếu của mình trong đại hội cổ đông ở những quyết sách lớn như: bầu chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc điều hành hay bán bản quyền truyền hình.

Vận hành một cỗ máy như thế, có thể ngân sách tổ chức một mùa giải sẽ tăng cao hơn con số hiện tại. Nhưng điều đó không quá thách thức bởi khi một CLB có thể bỏ cả chục tỉ đồng cho một cầu thủ, thì việc họ tăng từ 500 triệu đồng lên mức 1 tỉ vốn góp là điều không khó.

Ngoài ra, các công tác khác như trọng tài sẽ không còn nằm trong sự quản lý của đơn vị tổ chức giải nữa, mà sẽ như một dịch vụ thuê ngoài với kinh phí theo thỏa thuận. Lúc đó, trọng tài sẽ không còn lấy cớ than thở về thu nhập để có thể lấp liếm cho sự yếu kém của mình. Chuyên nghiệp V-League sẽ mang lại sự chuyên nghiệp cho chính công tác trọng tài.

Vấn đề nhân sự: VFF đang trưng cầu ý kiến các CLB về bộ máy ban tổ chức V-League 2012 và việc đó nên để trong cuộc họp hội đồng quản trị, tức cuộc họp giữa 14 CLB cùng đại diện VFF để bầu ra vị chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc điều hành - hai nhân vật cùng hỗ trợ, giám sát nhau trong công tác tổ chức giải đấu. Lúc đó, với quy chế của một công ty cổ phần, việc chọn giám đốc điều hành từ bên ngoài VFF là hoàn toàn có thể. Điều đó mang lại cơ hội cho những người am hiểu, có tâm tham gia công việc điều hành giải đấu.

Khi VPL đã hình thành và vận hành, kéo theo sẽ là các quy chế về tài chính cho những CLB dự V-League. Khi ấy, quả bóng sẽ được chuyền cho các ông bầu, những người đang đòi hỏi V-League phải “thật sự chuyên nghiệp”. Họ sẽ phải chuyên nghiệp hóa chính CLB của họ.

Tuy mọi thứ đều đang trên lý thuyết nhưng từ lý thuyết tới thực tế không hề xa. Quan trọng là VFF và các CLB có chịu ngồi lại với nhau hay không mà thôi.

CHIÊU NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên