Kính viễn vọng FAST tại Quý Châu, Trung Quốc - Ảnh: INDIA TODAY
Theo Đài CCTV (Trung Quốc), các chớp sóng vô tuyến nhanh lặp lại (fast radio bursts - FRB) này đã được phát hiện bằng chiếc kính viễn vọng vô tuyến nhạy nhất và lớn nhất trước nay là kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500m (Five-hundred-meter Aperture Spherical Radio Telescope - FAST).
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đài quan trắc thiên văn quốc gia, Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (NAOC), nhóm khoa học đã phát hiện các tín hiệu bí ẩn này và cũng đã tiến hành kiểm tra chéo.
Các FRB là những chớp sóng vô tuyến sáng nhất được biết tới nay trong vũ trụ. Chúng được gọi là các chớp "nhanh" vì các xung nhịp chớp sáng rất ngắn, chỉ vài phần nghìn giây. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có sự giải thích thỏa đáng nào về nguồn gốc của chúng.
Việc tìm ra các chớp sóng vô tuyến nhanh lặp lại lần này bằng kính viễn vọng FAST được kỳ vọng sẽ giúp làm rõ hơn những vấn đề về nguồn gốc của FRB cũng như cơ chế vật lý của chúng.
Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, kính viễn vọng FAST đã thu được hơn 100 chớp vô tuyến phát đi từ một nguồn FRB được các nhà khoa học đặt tên là FRB121102, được phát hiện lần đầu năm 2015. Đây cũng là số chớp vô tuyến kỷ lục phát hiện được cho tới nay.
Nằm ở địa hình đá vôi sâu tự nhiên và lõm tròn ở tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc, kính viễn vọng FAST được hoàn thành vào tháng 9-2016 và sẽ đi vào hoạt động định kỳ đều đặn trong tháng này.
Các nhà thiên văn học từ hơn 10 quốc gia và khu vực đã lên kế hoạch quan trắc với kính viễn vọng FAST nhằm khai thác hiệu năng đặc biệt chưa từng có của chiếc kính viễn vọng lớn nhất và cũng có độ nhạy kỷ lục này tính đến thời điểm hiện tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận