Lần đầu tiên, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã áp dụng hệ thống kính vi phẫu tiên tiến nhất hiện nay trong phẫu thuật thần kinh cho người bệnh.
Bệnh nhân là anh L.V.T. (41 tuổi, ngụ tại Trà Vinh). Anh T. nhập viện vì đau đầu dữ dội. Sau khi thăm khám, chụp X-quang, MRI và CT não, các bác sĩ chẩn đoán anh T. bị dị dạng mạch máu não và chỉ định phẫu thuật.
Thao tác chính xác và dễ dàng
Với sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu hiện đại, các bác sĩ đã thao tác chính xác và dễ dàng hơn dưới ánh sáng huỳnh quang. Sau phẫu thuật người bệnh tỉnh táo, không yếu liệt, hết đau đầu và sẽ được xuất viện sau 3 – 4 ngày theo dõi tại bệnh viện.
TS. BS Nguyễn Minh Anh – trưởng khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện này cho biết, vi phẫu là kỹ năng quan trọng nhất của phẫu thuật viên thần kinh, được ứng dụng trong điều trị hầu hết các bệnh lý của não bộ như u não, xuất huyết não, dị dạng mạch máu não… và cột sống (u tủy, thoát vị đĩa đệm…).
Do cấu trúc của não bộ, tủy sống và các dây thần kinh rất phức tạp nên mọi thao tác đều phải được thực hiện dưới kính hiển vi. Hệ thống kính vi phẫu có vai trò phóng đại phẫu trường (vùng phẫu thuật), giúp các thao tác diễn ra tỉ mỉ và chính xác nhất.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều công nghệ mới được ứng dụng để giúp ca mổ được an toàn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn cho người bệnh cũng như bảo tồn tốt các cấu trúc thần kinh quan trọng.
Hệ thống kính vi phẫu hiện đại (Kinevo 900) vừa được triển khai tại bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM có thể phóng đại phẫu trường lên 4 – 12 lần, phân định rõ cấu trúc mô bình thường và các mô có bệnh lý dưới ánh sáng huỳnh quang.
Hệ thống quang học giúp tăng cường độ sáng của hệ thống mạch máu não phức tạp. Bên cạnh đó, phẫu thuật viên có thể thao tác trực tiếp thông qua hình ảnh 3D được mô phỏng từ hệ thống kính vi phẫu.
Với sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu hiện đại này, phẫu trường sáng hơn, thao tác chính xác hơn giúp xâm lấn tối thiểu, nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Như một trợ lý ảo
“Hệ thống kính vi phẫu hiện đại này còn có thể so sánh hình ảnh tại 2 thời điểm khác nhau trong cùng một cuộc mổ, đưa ra biểu đồ đánh dấu vị trí tổn thương, ghi nhớ từng thời điểm của cuộc mổ để phẫu thuật viên có thể xem lại hình ảnh các thao tác được thực hiện trước đó”, THS. BS Đào Nguyễn Trung Luân (khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) chia sẻ.
Theo bác sĩ Luân, những điều trên giúp bác sĩ so sánh kết quả ngay trong ca mổ, kiểm tra xem các tổn thương đã được xử lý tốt hay chưa, từ đó kịp thời điều chỉnh, mang đến kết quả phẫu thuật tốt nhất.
Hệ thống kính này còn có khả năng đo, đếm, ước lượng dữ liệu thời gian thực như một trợ lý ảo, được trang bị hệ thống robot giúp phẫu thuật viên có thể xoay trở, phóng to, thu nhỏ hoặc mô phỏng môi trường ảo 3D (không gian 3 chiều)…
Toàn bộ quá trình thực hiện ca mổ được ghi hình và trình chiếu một cách trực quan, sinh động. Trước đây, chỉ có phẫu thuật viên chính mới có thể theo dõi tiến trình phẫu thuật, những thành viên khác trong êkíp sẽ không thể quan sát được. Khắc phục nhược điểm này, hệ thống kính vi phẫu hiện đại được số hoá dữ liệu, có khả năng trình chiếu trực tiếp ca mổ cũng như lưu lại các ca mổ đã diễn ra. Chính vì vậy, mọi thành viên tham gia ca mổ đều có thể học hỏi và phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận