13/07/2024 19:38 GMT+7

Kính thiên văn James Webb ghi lại cảnh hợp nhất các thiên hà

Hình ảnh được James Webb ghi lại cho thấy hai thiên hà chậm rãi hòa quyện trong màn sương mờ bao gồm các ngôi sao và khí, giống như chú chim cánh cụt đang ôm quả trứng vào lòng để bảo vệ.

Kính thiên văn James Webb ghi lại cảnh hợp nhất các thiên hà - Ảnh: REUTERS

Kính thiên văn James Webb ghi lại cảnh hợp nhất các thiên hà - Ảnh: REUTERS

Cơ quan Vũ trụ hàng không Mỹ (NASA) ngày 12-7 công bố hai bức ảnh chụp từ kính thiên văn không gian James Webb cho thấy hai thiên hà "Chim cánh cụt" và "Quả trứng" đang trong quá trình hợp nhất.

Hai bức ảnh được công bố nhân kỷ niệm hai năm NASA công bố những kết quả khoa học đầu tiên của đài quan sát vũ trụ này.

Hai thiên hà "Chim cánh cụt" và "Quả trứng" nằm cách Trái đất 326 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Hydra. Khi hợp nhất với nhau, chúng có tên gọi chung là Arp 142. 

Thiên hà "Chim cánh cụt" được gọi theo hình dáng bên ngoài, có tên gọi chính thức là NGC 2936, là một thiên hà hình xoắn ốc. Thiên hà "Quả trứng", cũng được đặt tên theo hình dạng elip của nó, có tên chính thức được gọi là NGC 2937. 

Hình ảnh được James Webb ghi lại cho thấy hai thiên hà chậm rãi hòa quyện trong màn sương mờ bao gồm các ngôi sao và khí, giống như chú chim cánh cụt đang ôm quả trứng vào lòng để bảo vệ.

Theo NASA, sự tương tác giữa hai thiên hà này bắt đầu từ 25 - 75 triệu năm trước và quá trình hợp nhất thành một thiên hà sẽ kết thúc sau hàng trăm triệu năm nữa.

Ra đời sau kính thiên văn Hubble, Webb được thiết kế với nhiều khả năng vượt trội. Webb quan sát vũ trụ chủ yếu ở vùng hồng ngoại, trong khi Hubble đã chủ yếu theo dõi ở khu vực bước sóng quang học và tia cực tím.

Nhiều phát hiện thú vị của James Webb

Kính thiên văn James Webb được triển khai từ năm 2021 và bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm sau đó. Webb đã định hình lại sự hiểu biết về vũ trụ sơ khai, cũng như giúp ghi lại những bức ảnh tuyệt đẹp về vũ trụ.

Kể từ khi hoạt động, James Webb đã quan sát các thiên hà chứa đầy các ngôi sao hình thành trong vòng vài trăm triệu năm sau vụ nổ Big Bang đánh dấu sự khởi đầu của vũ trụ khoảng 13,8 tỉ năm trước.

Nó cũng phát hiện ra những thiên hà sớm nhất được biết đến và cung cấp hiểu biết rõ hơn về các lĩnh vực như thành phần của các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, được gọi là ngoại hành tinh, và bản chất của các vùng hình thành sao trong vũ trụ.

Kính thiên văn James Webb phát hiện các cụm sao cổ xưa nhất quan sát được từ trước đến nayKính thiên văn James Webb phát hiện các cụm sao cổ xưa nhất quan sát được từ trước đến nay

Năm cụm sao này xuất hiện 460 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, thời điểm tuổi của vũ trụ bằng 3% tuổi hiện tại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên