Theo ý kiến các chuyên gia, tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực cửa Ngăn - Kinh thành Huế cần một cuộc thi tìm kiếm giải pháp thay cho thi thiết kế chiếc cầu vượt qua tường thành.
Di tích tranh chấp với giao thông
Du khách vào tham quan khu di tích Kinh thành Huế thường đi vào cửa Ngăn (tên chữ là cửa Thể Nhơn), nằm ngay mặt tiền kinh thành. Là một trong 10 cửa ra vào kinh thành, nhưng cửa Ngăn có mật độ giao thông cao nhất, do cả du khách và dân cư trong thành, cả người và xe, cùng chen nhau trên con đường nhỏ và cửa thành chật hẹp.
Vào giờ cao điểm, du khách đông, dân cư đi lại cũng đông, khiến cửa Ngăn trở thành điểm nóng tranh chấp giao thông cần phải giải quyết.
Ngày 8-2-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ông Nguyễn Văn Phương đã đến kiểm tra việc tổ chức giao thông ở điểm nóng này.
Sau khi khảo sát thực địa, ông chủ tịch đề nghị Trung tâm Bảo tồn di tích phối hợp với UBND TP Huế, Sở Giao thông vận tải nghiên cứu các giải pháp giảm áp lực giao thông, không chỉ ở điểm nóng này mà cả khu vực bên trong kinh thành (thường gọi là Thành Nội).
Ngay sau đó, Trung tâm Bảo tồn di tích đã tổ chức cuộc thi "Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ thành hào nối Thượng thành".
Cây cầu này sẽ vượt qua hào nước dưới chân thành (hộ thành hào) và dẫn lên bề mặt kinh thành. Du khách và người đi bộ sẽ vào ra kinh thành bằng cây cầu này, giảm bớt lưu lượng giao thông đi qua cửa Ngăn.
Chỉ sau một tháng (từ ngày 20-3 đến 20-4-2023), đã có 64 phương án của 59 tác giả trên toàn quốc gửi về dự thi. Cả ban tổ chức lẫn giới kiến trúc rất hào hứng với kỳ vọng sẽ tạo ra một công trình độc đáo cho Huế.
Tuy nhiên, đã có những ý kiến không đồng tình. Nên làm thêm một cây cầu, hay điều tiết lại giao thông? Vì làm cầu là một giải pháp vạn bất đắc dĩ, bởi nó sẽ can thiệp vào di tích, và nguy cơ sẽ bị rút danh hiệu Di sản nhân loại.
Tình trạng ùn tắc giao thông ở khu di sản này cần một cuộc thi tìm kiếm giải pháp, chứ không phải là thi thiết kế chiếc cầu vượt qua bức tường thành. Tức là trả lời câu hỏi "nên làm gì", trước khi trả lời câu hỏi "nên làm như thế nào".
Điều tiết giao thông là giải pháp phù hợp
KTS Phùng Phu, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng giải bài toán giao thông ở một khu di tích đặc biệt như Kinh thành Huế, yêu cầu đặt ra là phải làm sao cho giao thông hết ách tắc mà di sản vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Nếu giao thông được giải quyết mà di sản bị xâm hại, đó là thất bại. Vì vậy, việc trước tiên là phải tìm giải pháp điều tiết giao thông. "Chúng ta vẫn còn khả năng tìm ra các giải pháp khác mà không cần phải xây dựng thêm cây cầu vượt kinh thành, tại sao lại không giải quyết theo hướng đó?", ông Phu nói.
TS Nguyễn Đính, nguyên giám đốc Viện nghiên cứu Khoa học miền Trung, cho biết ông đã đưa vấn đề này ra thảo luận trên trang mạng xã hội và nhận được nhiều ý kiến cho rằng điều tiết lại giao thông vẫn là giải pháp khả thi, ít tốn kém, tránh được tác động tiêu cực vào di sản.
Giải pháp trước mắt là điều tiết giao thông của khu vực từ bến xe du lịch Nguyễn Hoàng đến cửa Ngăn và của cả khu vực trong - ngoài kinh thành; phân luồng lại giao thông ra vào 10 cửa kinh thành, theo giờ cao điểm, ngày chẵn/lẽ, dựa trên lưu lượng giao thông của mỗi thời điểm, địa điểm.
Việc đảm bảo lưu thông, tránh kẹt xe trong giờ cao điểm hay mùa lễ hội, hoàn toàn có thể thực hiện được trên cơ sở điều tra lưu lượng phương tiện giao thông qua các cửa thành, sử dụng các mô hình toán học để đưa ra các phương án phù hợp, tối ưu, kèm theo đó là công tác quản lý giao thông khoa học. Về lâu dài, cần giãn dân trong Thành Nội ra các khu đô thị mới, hạn chế lượng ô tô trong thành.
Bài học từ chiếc cầu qua sông Elbe
Trả lời những ý kiến không đồng tình, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đưa ra trường hợp các nước cũng xây dựng cầu trong khu di sản và đã trở thành công trình được nhiều người biết tới, giúp du lịch tại các điểm di tích phát triển.
Đó là cầu qua sông ở di tích Angkor Wat (Campuchia), cầu đi bộ băng qua khu phố cổ Katong ở Singapore, cầu bắc qua khu di tích của người Choang ở Quảng Tây (Trung Quốc), cầu vượt đi bộ vào chùa Sule, thành phố Yangon (Myanmar).
ThS Nguyễn Phong Cảnh, giảng viên khoa kiến trúc Trường đại học Khoa học Huế, trả lời trên truyền hình Quốc hội, cho biết một số nước châu Âu cũng đã làm cầu trong các di sản, nhưng không làm ảnh hưởng đến di tích và cảnh quan, vì làm bằng vật liệu nhẹ, dễ tháo dỡ, nên rất phù hợp.
Nhưng TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, đưa ra trường hợp chính quyền thành phố Dresden (Đức) đã xây cầu qua sông Elbe, phá vỡ tính toàn vẹn của cảnh quan di sản Thung lũng Elbe, khiến UNESCO phải rút danh hiệu Di sản văn hóa thế giới, vào năm 2009.
Vì vậy, TS Phan Tiến Dũng, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế, cho rằng việc làm cầu vượt ở khu di sản Kinh thành Huế phải hết sức thận trọng.
"Công ước bảo vệ di sản và thiên nhiên thế giới của UNESCO đã quy định, nếu những dự án phục vụ cho đô thị làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản thì ngay lập tức Ủy ban Di sản thế giới sẽ loại khỏi danh sách Di sản nhân loại!", ông Dũng nói.
* "Đây mới chỉ là một cuộc thi ý tưởng kiến trúc, còn thực hiện hay không phải theo quy định của pháp luật. Ban tổ chức sẽ tiến hành sàng lọc những cái hay, cái đẹp, khả thi, phù hợp, để báo cáo với cấp có thẩm quyền và cấp cuối cùng là UNESCO. Cấp nào công nhận di sản muốn làm gì trong khu vực một di tích thì cần có sự đồng ý của cấp đó".
KTS Hoàng Viết Trung (giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)
* "Các công trình xây dựng thêm để phục vụ du khách tham quan di tích đều không can thiệp vào kết cấu gốc của di tích. Còn chiếc cầu này thì rõ ràng là một yếu tố ngoại lai cấy ghép vào cấu trúc của di tích kinh thành, trái ngược với quy định của luật Di sản văn hóa và công ước của UNESCO. Kinh thành Huế có biết bao công trình độc đáo để thu hút du khách mà vẫn chưa khai thác hết, đâu cần phải làm thêm một chiếc cầu!".
KTS Phùng Phu (nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận