Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ
Chiều 1-11, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 11-2022. Phiên họp lần này có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học của TP.
Nhiều vụ việc trong thị trường tài chính, bất động sản ảnh hưởng tâm lý thị trường
Đánh giá về kinh tế - xã hội, TS Trần Du Lịch cho rằng thời điểm này, cả nước cũng như TP phải đương đầu nhiều vấn đề lớn. Từ quý 4-2022 đến năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu rất khó khăn, xu hướng suy thoái, lạm phát thấy rõ. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của TP.HCM.
Theo ông Lịch, Chính phủ đang tiến hành các biện pháp để thiết lập kỷ cương trong thị trường tài chính, bất động sản trên địa bàn TP. Việc này là cần thiết để phát triển dài hạn nhưng trong ngắn hạn thì sẽ tác động đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư đang có tâm lý chờ đợi.
TS Trần Du Lịch đưa ý kiến tại phiên họp - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ
"Nếu dòng vốn của nền kinh tế chững lại thì sẽ ảnh hưởng không chỉ 2023 mà cả năm 2024. Độ nhạy của TP hơn cả nước rất nhiều về mặt tích cực và tiêu cực", TS Trần Du Lịch phân tích.
Từ đó, ông Lịch cho rằng năm 2023 TP nên tập trung các nội dung của chương trình phục hồi kinh tế; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua cơ chế rà lại tất cả quy định về miễn giảm thuế, lệ phí hỗ trợ lãi suất cho vay...
Đồng thời chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính xử lý các vấn đề phát sinh trên thị trường tài chính; đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc nội dung chương trình đột phá về kinh tế số, chính quyền số...
Dự báo nhiều khó khăn
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - nhìn nhận có tăng trưởng nhưng dự báo trong thời gian tới sẽ khó khăn. Một số chỉ số nổi bật được chủ tịch UBND TP nêu ra như tăng trưởng GRDP đạt 9,9%, tổng thu ngân sách đạt gần 393.000 tỉ đồng, đạt 101% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế quý 4 đang chững lại và sụt giảm ở một số mặt, dự báo nhiều khó khăn cho năm 2023. "Chúng ta vui mừng kết quả nhưng cũng phải nhận thấy và dự báo những khó khăn để đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp", ông Mãi nói.
Dẫn chứng như tăng trưởng chỉ toàn ngành công nghiệp (IIP) dù đang ở mức khá nhưng nhiều ngành nghề đang rất khó khăn như may mặc, gỗ, giày da…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi triển khai nhiệm vụ cuối năm - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ
Tháng 10 vừa qua, thị trường TP.HCM xuất hiện nhiều tình huống bất lợi. Trong đó, sự việc tại Ngân hàng SCB làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành tài chính ngân hàng. Cung ứng xăng đầu không ổn định gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Lạm phát thế giới ảnh hưởng đến thị trường TP.HCM. Giá cả tăng cao ảnh hưởng đến an sinh xã hội của TP. Giải ngân đầu tư công của TP đang rất thấp, nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng năm 2023 nên đưa phương án tận dụng hết nội lực, tháo gỡ những điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực nội địa. Đồng thời, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, từng dự án phải được phân tích rõ những vướng mắc, có kế hoạch giải ngân vốn cụ thể.
Tháng 11 này, chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các cấp ngành tập trung xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội khi nguồn ngân sách có giới hạn. Song song với đó là hoàn thiện các tiêu chí để thu hút đầu tư FDI. Ông Mãi cho rằng trước tình hình thế giới khó khăn, phải xác định trong nguy có cơ. Một số nhà đầu tư lớn đang chuyển dịch dòng đầu tư đến Việt Nam. TP.HCM phải chuẩn bị tất cả các điều kiện để đón đầu dòng đầu tư này.
Về tài sản công, ông Mãi đề nghị Sở Tài chính hoàn thiện đề án sử dụng hiệu quả tài sản công. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thiện kế hoạch đấu thầu, đấu giá số nhà đất, rà soát nhà đất ở Thủ Thiêm để có kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả trong năm tới…
Chủ tịch UBND TP cũng có những chỉ đạo cụ thể về cải cách hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp may mặc, giày da, gỗ; hoàn thiện đề án sắp xếp các khu chế xuất, khu công nghiệp; phát triển ngành văn hóa của TP; đề án logistics; đề án trung tâm tài chính quốc tế; quy hoạch chung TP Thủ Đức; theo dõi xử lý vấn đề xăng dầu…
Cần có quy chế quản lý các sự kiện đông người
Trước nhiều vụ việc xảy ra ở các nước gây thiệt hại nặng nề về người như thảm họa giẫm đạp tại Itaewon (Hàn Quốc), sập cầu treo tại Ấn Độ…, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy chế quản lý các sự kiện đông người. Ông Mãi yêu cầu tháng 11 này phải hoàn thiện để chuẩn bị các hoạt động vui chơi dịp cuối năm.
Đồng thời, các ngành phải đưa ra các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội, đặc biệt là phòng cháy chữa cháy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận