Cuộc họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh tháng 4 và 4 tháng đầu; triển khai nhiệm vụ tháng 5 - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP.HCM
Nhiều chỉ số tăng trưởng
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng 4 tháng đầu năm kinh tế - xã hội ghi nhận những tín hiệu tích cực. Cụ thể tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,9%, thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9%, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 26,3% so với cùng kỳ 2020.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 15,5 tỉ USD, tăng gần 14%. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ với mức tăng trưởng chung là 11%. Theo ông Phong, 4 tháng qua có gần 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng hơn 95%.
Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không có khách quốc tế đến TP. Tuy nhiên, lượng khách nội địa đạt gần 6,2 triệu lượt, tổng doanh thu đạt gần 30.000 tỉ đồng, tăng 17%.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 140.300 tỉ đồng, đạt 38% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Mặc dù trung bình mỗi ngày TP thu được gần 1.800 tỉ đồng, cao hơn 121% mức trung bình phải thu trong năm nhưng mới chỉ đạt 38% dự toán, thấp hơn cả nước.
Ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn tới
Về phương hướng nhiệm vụ tháng 5, ông Nguyễn Thành Phong cho biết công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, các sở, ngành quận huyện cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công.
Bên cạnh đó, ông Phong yêu cầu các địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị nhanh chóng hoàn tất các thủ tục bàn giao nhiệm vụ, quyền hạn; ổn định cán bộ, công chức sau bầu cử, bố trí, sắp xếp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP.HCM
Đề cập đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, chủ tịch UBND TP nhấn mạnh cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn.
"Thủ trưởng từng đơn vị sẽ chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP về việc sụt giảm chỉ số cải thiện môi trường đầu tư", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các cấp, các ngành hệ thống lại tất cả các dự án đang gặp khó khăn về đất đai, thủ tục và tập trung giải quyết theo từng nhóm. Không để những hồ sơ đã hoàn chỉnh, đóng tiền sử dụng đất nhưng vẫn còn nằm ở sở.
"Có những doanh nghiệp phải dựa vào ngân hàng, chịu lãi suất hằng ngày. Sự chậm trễ của chúng ta sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến họ. Phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp", ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: "Nếu văn bản xin ý kiến nào mà 15 ngày sở không trả lời thì xem như đồng ý, nếu xảy ra việc gì liên quan đến sở nào thì sở đó phải chịu trách nhiệm.
Thái độ của đơn vị nào không quyết liệt trong tạo điều kiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm và cần thiết thì cắt thi đua".
Chủ tịch UBND TP yêu cầu xử lý thật nghiêm các trường hợp đua xe trái phép; chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt là chung cư cũ, khu dân cư có hẻm giới nhỏ. Đối với các cơ sở sản xuất thủ công, tiểu thủ công nghiệp phải đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy mới cho tiếp tục hoạt động.
Về việc phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch tại khu vực sông Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Phong cho biết hiện tại hơn 100 công trình, dự án đang vi phạm hành lang sông. Các sở, ngành cần rà soát các công trình, dự án sai phạm để có phương án xử lý.
Theo ông Phong, để giảm tình trạng ô nhiễm sông Sài Gòn cần phải đẩy nhanh dự án cải tạo, xây mới rạch Xuyên Tâm giúp khơi thông các rạch chính.
Ông Phong cho biết qua khảo sát, UBND TP đã đưa dự án này vào danh sách dự án trọng tâm của nhiệm kỳ. Qua đó, TP sẽ xử lý được vấn đề của khoảng 2.600 căn hộ lụp xụp ven rạch, giúp chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm sông Sài Gòn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận