TTCT - “Mở cửa lại nền kinh tế trong bối cảnh các quốc gia khác đang chật vật chống dịch mang lại cho Việt Nam một xuất phát điểm thuận lợi. Nếu tận dụng được cơ hội này thì sẽ có rất nhiều lợi thế, dù nền kinh tế vẫn còn đối mặt nhiều thách thức” - tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về những giải pháp khôi phục sinh kế và kích thích kinh tế của VN trong giai đoạn bình thường mới hậu COVID-19. Công nhân thi công dưới hầm ga metro Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM. Ảnh: TỰ TRUNG Bức tranh kinh tế như thế nào trong thời gian qua, khi chúng ta kiểm soát được số ca nhiễm trên người, nhưng số “ca nhiễm của doanh nghiệp” vẫn còn rất lớn? - VN đã kiểm soát được dịch, bảo vệ được sinh mạng của người dân, tuy nhiên sinh kế của nhiều người lại gặp rủi ro, và đó chính là đánh đổi đầu tiên. Các số liệu cho thấy trong hai tháng đầu, nền kinh tế VN khá ổn định, từ xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp thành lập đến đầu tư, nhưng bắt đầu từ tháng 3, các con số xấu đi và trở nên nghiêm trọng trong tháng 4. Tôi cho rằng kết quả tăng trưởng của quý 2 năm nay sẽ tệ hơn quý 1 và để giữ được mục tiêu 5% cho cả năm là một thách thức lớn. VN đã hưởng lợi rất lớn từ quá trình toàn cầu hóa, nhưng khi quá trình này thoái trào, chúng ta cũng là quốc gia chịu rất nhiều ảnh hưởng. Thế giới hiện có hai xu hướng. Một là khi nhìn thấy sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, các quốc gia đang cố gắng mang hoạt động sản xuất về lại nước mình (on shoring), hoặc đưa về gần mình hơn (near sourcing) nhằm hạn chế rủi ro và đa dạng hóa. Thứ hai, niềm tin giữa các cường quốc đang tiếp tục xói mòn, mà thương mại lại cần niềm tin, do đó toàn cầu hóa sẽ tiếp tục suy giảm. VN có tỉ lệ thương mại/GDP trên 200%, hơn 70% xuất khẩu là của khu vực FDI, gần 50% sản xuất công nghiệp cũng của khối này... Sự phụ thuộc này khiến VN dễ tổn thương. Do vậy, có thể thấy nền kinh tế hậu COVID-19 của VN sẽ còn gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, theo ông, VN cần ứng phó như thế nào? - Tôi cho rằng chiến lược ứng phó cần phân thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là khi chúng ta “mở cửa” kinh tế trở lại, còn thế giới vẫn “đóng cửa”, và hai là khi thế giới cũng đã mở cửa trở lại, độ khoảng tháng 7 trở đi. Nhìn vào bức tranh toàn cầu, có thể thấy hơn 70% các ca tử vong trên thế giới là ở 10 nền kinh tế lớn nhất. Điều đó có nghĩa nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia này chủ yếu vẫn tập trung vào sản phẩm thiết yếu như đồ ăn, thiết bị y tế... vì thế cầu vẫn còn rất yếu, đồng thời nhiều chuỗi cung ứng vẫn đang bị đứt gãy. Giai đoạn một hiện nay cực kỳ then chốt. Doanh nghiệp chúng ta mấy tháng qua như nín thở dưới nước, một số đã không chịu nổi, trong khi “máy trợ thở” - tức gói hỗ trợ của Chính phủ - mới chỉ nghe nói chứ chưa chạm tới được. Vậy trong giai đoạn này chúng ta nên làm gì? Tôi cho rằng kiểm soát dịch là điều kiện cần để mở cửa an toàn và không sợ bị đóng cửa trở lại. Cần giám sát trọng điểm, tức là theo dõi định kỳ các môi trường rủi ro nhất như khu vực nhập cảnh, bệnh viện, ký túc xá công nhân, tòa nhà văn phòng... để dịch không quay lại. Thứ đến, đưa các gói “trợ thở” đến với doanh nghiệp nhanh nhất, đúng đối tượng nhất và hiệu quả nhất. Vừa qua, các chính sách đã được ban hành rất kịp thời, đúng hướng, nhưng vấn đề là phải triển khai nhanh, nhất quán, minh bạch, thủ tục đơn giản để cơ quan chức năng dễ phê duyệt, doanh nghiệp dễ tiếp cận. Ở đây, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng, làm cầu nối giữa bộ máy hoạch định chính sách trung ương với các cơ quan thực thi chính sách địa phương (bao gồm cả các ngân hàng thương mại) để ban hành một bộ tiêu chí hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu mà hàng trăm ngàn doanh nghiệp, chỉ bằng một cú nhấp chuột, nhìn vào là biết được mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không, cần chuẩn bị những giấy tờ gì, gửi cho ai, đi đâu... Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có. Làm thế nào để hỗ trợ được đúng đối tượng? Không ít doanh nghiệp vẫn than rằng họ được yêu cầu phải có phương án kinh doanh, chứng minh được dòng tiền và tài sản thế chấp, điều mà các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ở thời điểm mấp mé phá sản, không thể làm được. Chính sách tuy hay nhưng các điều kiện thực tế như vậy đã vô hiệu hóa chính sách. Thay vào đó, lẽ ra cần phải đưa ra các tiêu chí đơn giản. Chẳng hạn, đừng bắt từng nhà hàng, khách sạn chứng minh doanh nghiệp họ bị thiệt hại nữa, mà hãy dựa vào mức độ thiệt hại của ngành, được thể hiện qua số liệu của Tổng cục Thống kê hay các khảo sát theo ngành. Cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, tính cả những người liên quan thì số này ít nhất cũng lên tới 20 triệu người. Để chính sách đến được nhóm đối tượng này vẫn là trần ai. Vì thế cần một chính sách riêng vì đây không thuần túy chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là an sinh xã hội. Cuối cùng, để hiệu quả thì phải thiết kế để chính sách không bị trục lợi, kiểu các tập đoàn lớn, có vốn, có dòng tiền thì được hỗ trợ, còn doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình cần cứu trợ thì lại không tiếp cận được. Một vấn đề quan trọng nữa là ở giai đoạn này, đầu tư công cực kỳ quan trọng. Đầu tư công không chỉ “miễn nhiễm” với virus, mà một mặt còn tạo ra cầu, mặt khác tạo ra công ăn việc làm và huyết mạch hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn các dự án sân bay Long Thành hay cao tốc Trung Lương - Cần Thơ... là những cú hích cho sự hồi phục. TS Vũ Thành Tự Anh Ở giai đoạn thứ hai sẽ như thế nào? - Giai đoạn hai, cả VN và thế giới mở cửa trở lại, nhu cầu sẽ hồi phục từ từ. Tôi nghĩ giai đoạn hai sớm cũng phải bắt đầu từ tháng 7 trở đi, khi ấy chúng ta chuyển từ “hồi sức cấp cứu” sang “hồi sức tích cực”, tức kích thích kinh tế kết hợp các giải pháp tài khóa, tiền tệ, đầu tư công, kích thích nội lực. Một trong những bài học của COVID-19 là nếu mình phụ thuộc bên ngoài nhiều quá sẽ rất dễ tổn thương trước đại dịch. Một quốc gia sau 10 năm mở cửa mà phụ thuộc vào FDI thì chấp nhận được, sau 20 năm vẫn phụ thuộc thì có vấn đề, còn sau 30 năm mà phụ thuộc ngày càng nặng vào FDI thì không thể chấp nhận được. Cái giá phải trả là khi có những sự cố như thế này, mình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ông nhìn thấy gì về nhiều doanh nghiệp FDI rời bỏ Trung Quốc và sự hồ hởi trong cơ hội đón làn sóng này đến VN? - VN bắt đầu thu hút FDI từ năm 1988. Chỉ cần 10 năm, FDI đã vượt qua khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước về tỉ trọng công nghiệp và xuất khẩu. Nhưng cho đến thời điểm này, tác động lan tỏa và kết nối của FDI với các doanh nghiệp trong nước là hết sức hạn chế. Nói cách khác, FDI tuy giúp công nghiệp VN tăng trưởng, nhưng chưa giúp được nó phát triển. Đúng là chúng ta đang đứng trước cơ hội thu hút làn sóng FDI mới, nhưng từ cơ hội đến thực tế là một khoảng cách xa. Nếu chúng ta chỉ chấp nhận FDI gia công, công nghệ cũ, thì điều đó chỉ làm trầm trọng thêm cơ cấu hiện tại, và do vậy cản trở nỗ lực tái cơ cấu. Thứ đến, để có được FDI theo hướng chúng ta muốn thì phải có lao động có kỹ năng. Điều quan trọng nữa là cơ sở hạ tầng trong thời gian qua vẫn chưa cải thiện nhiều, nên nếu có làn sóng tiếp theo về FDI có thể sẽ gây quá tải và do vậy làm tăng chi phí. Thêm nữa, luật pháp - bao gồm an ninh mạng và sở hữu trí tuệ - đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các công ty công nghệ cao đến VN thì chúng ta đang rất yếu. Thế giới hậu COVID-19 sẽ chứng kiến sự tăng tốc của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, điều mà VN đang thiếu, vì thế sẽ rất khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Như vậy, không khéo cũng chỉ là lối cũ ta về, thậm chí còn tệ hơn trước, không chỉ không đạt được mục tiêu tái cơ cấu, mà tụt hậu sẽ ngày càng xa. COVID-19 cho chúng ta một nhãn quan mới, tư duy mới về “cơ sở hạ tầng”. Chúng ta hay nói về điểm nghẽn cơ sở hạ tầng như điện, đường, sân bay, bến cảng. Song trong nền kinh tế mới, bên cạnh các khu công nghiệp thì chuỗi cung ứng cũng là cơ sở hạ tầng quan trọng để phát triển công nghiệp, bên cạnh các trường đại học và dạy nghề thì các nền tảng giáo dục trực tuyến cũng là cơ sở hạ tầng quan trọng để khắc phục nút thắt nguồn nhân lực, bên cạnh công nghệ 5G thì an ninh mạng trở thành cơ sở hạ tầng thiết yếu cho chuyển đổi số, bên cạnh các ngân hàng và tổ chức tài chính thì cơ sở dữ liệu lớn, nền tảng giao dịch và thanh toán trực tuyến cũng là cơ sở hạ tầng thiết yếu cho một nền tài chính và thương mại hiện đại. “Bình thường mới” của hậu COVID-19 khác với “bình thường mới” hậu khủng hoảng tài chính 2008 như thế nào? - Ở “bình thường mới” đầu tiên, các nhà kinh tế học muốn nói tới trạng thái trước và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm từ xấp xỉ 4% xuống khoảng 3% mỗi năm. Đây là sự thay đổi về lượng. “Bình thường mới” hiện tại là sự tương phản giữa BC (Before Covid - trước Covid) và AD (After Desease - sau dịch). “Bình thường mới” hậu COVID-19 tuy là sự tiếp nối của các xu thế toàn cầu hóa thoái trào mới xuất hiện, song được tăng tốc, đem lại thay đổi không chỉ về lượng mà cả về chất, về cấu trúc. Thứ hai, công nghệ trở thành nền tảng quan trọng hàng đầu. Sau COVID-19, tự động hóa, robot hóa cùng các nền tảng trực tuyến chắc chắn sẽ được tăng cường. Tóm lại, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học sẽ có những bứt phá, tôi tin chúng sẽ trở thành thước đo mới, giúp phân biệt giữa các quốc gia. Đẳng cấp của các quốc gia sẽ được phân biệt theo trình độ công nghệ thông tin và sinh học, chứ không phải theo thu nhập. Thứ ba, thế giới hậu COVID-19 sẽ thiếu niềm tin và thiếu sự hợp tác toàn cầu giữa các nước lớn, giữa lúc chúng ta đang cần sự hợp tác đó nhất, đặc biệt là trong các vấn đề về nghiên cứu vaccine, các biện pháp hỗ trợ kinh tế có tính cộng hưởng, bên cạnh các bài toán lâu dài về biến đổi khí hậu hay nguy cơ “chiến tranh lạnh mới”...■ Tags: COVID-19TS Vũ Thành Tự AnhKinh tế Việt NamTrạng thái bình thường mới
TP.HCM khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ 2025 NHƯ BÌNH 27/01/2025 Tối 27-1, Đường hoa Nguyễn Huệ tại trung tâm TP.HCM chính thức khai mạc, chào đón hàng ngàn lượt khách đến du xuân sớm.
Ông Trump hạ gục nhanh Colombia bằng bài trừng phạt: Thông điệp mạnh cho thế giới DUY LINH 27/01/2025 Ông Trump dường như muốn thông qua Colombia để gởi lời cảnh báo tới các quốc gia khác về cách chính quyền ông sẽ làm để đạt được mục tiêu và lợi ích cho nước Mỹ.
Giá bán nhiều loại rau củ, thịt heo... vẫn giữ ổn định dù vào cao điểm Tết NGUYỄN TRÍ 27/01/2025 Ngày 27 và 28 Tết được xem là hai ngày cao điểm của sức mua nhưng do năm nay mức tiêu thụ tương đối chậm nên giá bán phần lớn ổn định, thậm chí có mặt hàng giảm giá.
Nhóm cảnh sát Thái Lan bắt nhốt 7 người Trung Quốc, đòi tiền chuộc DUY LINH 27/01/2025 Ít nhất 8 người, trong đó có 4 cảnh sát và 1 kiểm lâm Thái Lan, bị cáo buộc đã bắt cóc 7 người Trung Quốc để đòi 2 triệu baht (khoảng 60.000 USD) tiền chuộc.