TTCT - Năm 2023 báo hiệu những nguy và cơ với trình tự thời gian ngược lại năm cũ. Kinh tế Việt Nam nên trông chờ vào đâu trong năm tới? Ảnh: fau.eduKhởi đầu bằng sự hào hứng về một hiệu ứng lò xo hậu dịch, và kết thúc bằng nỗi phấp phỏng, xen giữa là những khó khăn ngoài dự liệu ập tới, 2022 là một thử thách nữa đối với phần nhiều những người làm sản xuất. Đó là những thử thách mà không ai dám nói mình có thể tính toán trước. Ví dụ như chuyện xe đi giao hàng không được vì không có chỗ chịu đổ xăng hay ngân hàng ngắt nguồn cho vay với lý do đấy là lệnh của cấp trên, chứ không vì bất cứ nguyên nhân nào xuất phát từ doanh nghiệp. Những câu chuyện tai tiếng gây sự chú ý của xã hội về trái phiếu, lãi suất, bất động sản đóng băng, lại tai bay vạ gió ảnh hưởng trực tiếp đến những doanh nghiệp sản xuất, vốn đã thiệt thòi về cả tiếng lẫn miếng, kể cả những khi sóng yên biển lặng.Một năm ngược ngạo?Để rồi khi bão tố nổi lên, họ lại là phên dậu hay bệ đỡ tận tụy cho nền kinh tế. Số liệu xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỉ USD năm vừa qua là nhờ sự phục hồi ngắn hạn 8 tháng đầu năm, phản ảnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tận dụng tối đa các cơ hội khi thị trường mở ra ngay sau dịch, trước tiên là của lĩnh vực sản xuất.Khi người ta nói nhiều về sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, ít ai tính luôn câu chuyện nhà cung cấp cũng chuyển dịch đi theo. Một công ty lớn chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, như công ty lắp ráp các thiết bị cầm tay TTI của Mỹ, thì các nhà cung cấp ở Trung Quốc cũng lục tục đi theo. Họ sẽ mở các công ty vừa và nhỏ ở Việt Nam dưới dạng các chi nhánh và tận dụng các hãng bán lẻ của công ty để tiếp tục giao hàng cho TTI Việt Nam, hoặc họ cũng có thể khởi nghiệp mở công ty mới, trên cơ sở hiểu biết của họ về TTI.Tình trạng cạnh tranh này, lợi thế không hoàn toàn thuộc về nhà sản xuất ở Việt Nam, vì cách người Trung Quốc vận hành nhà xưởng đã trở thành chuẩn mực về hiệu quả và tốc độ trong sản xuất công nghiệp. Nội lực ngành sản xuất Việt Nam có một đối trọng đủ lớn để làm động lực phát triển, và cũng sẽ có những thất bại: khi Trung Quốc vừa hé mở cửa, đã có hàng ngàn doanh nhân nước này tìm mọi cách, kể cả bất hợp pháp ở nước họ, để đến Việt Nam bắt đầu công cuộc đầu tư mới, ở một thị trường mà tiền, kinh nghiệm và các mối quan hệ của họ đủ cho họ tung tẩy.Năm 2023, hiện tượng này sẽ càng trở nên rõ ràng khi chính sách zero COVID đang nới lỏng dần, và được dự báo sẽ còn tiếp tục trong các năm tiếp theo. Trước đây, các công ty Malaysia và Thái Lan từng vào Việt Nam kiểu như thế, nhưng có lẽ chưa phải là những đối thủ cạnh tranh đáng ngại như các doanh nghiệp ở sâu trong mắt xích chuỗi cung ứng như Trung Quốc sắp sửa là.Với những người có thâm niên vài mươi năm đi quanh các xưởng sản xuất như tôi, năm 2023 báo hiệu những nguy và cơ với trình tự thời gian ngược lại năm cũ: mối đe dọa sụt giảm đơn hàng sẽ là ở đầu năm và cơ hội phục hồi, phát triển sẽ rơi vào nửa năm sau. Không có chỉ dấu đặc biệt nào để xác quyết thời gian chuyển giao hai trạng thái này, do quá nhiều các biến số bất định mà chúng ta không có khả năng can thiệp hay dự báo (cuộc chiến ở Ukraine chẳng hạn).Phải sống bằng thực lựcNgoài ra, đặc thù kinh doanh có vai trò quan trọng. Nói ví dụ, doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu là khu vực công sẽ đặt hy vọng vào những động thái quyết liệt của chính phủ trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Trong khi đó, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lại phập phồng trông ngóng sự hồi phục và tình hình lạm phát ở các nước khách hàng chủ yếu Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc. Nhìn một cách bớt bi quan, không một quốc gia nào muốn nền kinh tế của mình tiếp tục đi xuống và những thỏa hiệp nhượng bộ tương đối sớm muộn rồi sẽ diễn ra. Việt Nam, trong bối cảnh đấy, hy vọng vẫn sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều hơn là bị ảnh hưởng tiêu cực.Cũng trong các đề tài kinh tế của năm tới, công ăn việc làm là không thể không nhắc tới. Trong một cuộc hội thảo gần đây của những người làm sản xuất về nâng cao năng lực nền chế tạo tự chủ của người Việt Nam, một chủ đề được đặt ra là khi đón đại bàng, chúng ta có sẵn những đại bàng hay ít ra là chim sẻ, của riêng mình để làm đối tác với họ hay không? Câu trả lời khá bi quan. Chúng ta chưa có những doanh nghiệp đủ lớn về quy mô và đủ cao về trình độ để trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho những thương hiệu tỉ đô mà chúng ta muốn chào đón.Trong tình cảnh đó, kế hoạch trở thành những tổ hợp cung cấp, như của Thaco, là tham vọng đáng được cổ vũ nhưng cũng cần một tầm nhìn và sự hợp tác xa hơn hiện tại. Nói ví dụ, những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có thâm niên đủ lâu có thể cho rằng họ đủ năng lực và trình độ công nghệ để đàm phán trực tiếp với các đối tác lớn, chứ không cần phải đứng cùng hay đứng dưới Thaco. Trong khi Thaco tự tin về quy mô và năng lực tổng hợp một giải pháp cung cấp trọn gói - "one stop solution" - của mình.Sự xung đột đấy có thể dẫn đến triệt tiêu thay vì cộng hưởng năng lực chế tạo của nhà sản xuất trong nước, nếu không xử lý khéo. Vấn đề về liên kết doanh nghiệp, liên kết ngành, vùng… được đặt ra từ hàng chục năm nay hiện vẫn chủ yếu tồn tại trên giấy, khi Nhà nước chưa có động thái gì đáng kể. Đây hoàn toàn là câu chuyện của nội bộ người Việt, không có đại công ty nước ngoài hay tổ chức quốc tế nào có thể đưa ra lời khuyên hay định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp nội địa.Những bài học, ở rất gần, là không ít, quan trọng là chúng ta có muốn học hay không thôi. Malaysia những năm 1980 dưới quyền thủ tướng Mahathir Mohamad chẳng hạn, đã thực hiện chính sách hướng Đông một cách có hệ thống: chính quyền gần như giao trọn trách nhiệm cho các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, cả quyền và nghĩa vụ, để phát triển ngành công nghiệp chế tạo và lắp ráp. Hàng loạt công ty hàng đầu đấy cho đến nay vẫn lấy Malaysia làm cứ địa: Panasonic, Mitsubishi, Toshiba…, để tạo lập nền tảng nhân sự có kỹ năng đến tận bây giờ.Tất nhiên, bài học đấy khó có thể lặp lại nguyên vẹn ở Việt Nam khi bối cảnh đã khác. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, nền tảng công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam không thua kém các quốc gia trong khu vực. Vấn đề cố hữu vẫn là nhân lực - một mặt bằng chung thua kém rõ rệt, phần lớn vẫn là những nỗ lực tự phát, mà cái này thì không một doanh nghiệp riêng lẻ nào đủ sức đảm đương.Dù sao, cũng cứ an ủi là khó ta khó người, 2023 sẽ là năm doanh nghiệp phải sống bằng thực lực, mà thực lực là thứ phải được xây từ rất lâu, chứ không phải bằng các nghị quyết hay chính sách giải cứu. Điều đó có khi lại tốt cho những người, những công ty mà hồi nào đến giờ vốn đã phải luôn sống bằng thực lực.■ Tags: Chuỗi cung ứngDoanh nghiệp sản xuấtTrung QuốcMalayxiaViệt NamBất động sản đóng băngThaco Trường HảiMalaysiaNền sản xuấtDoanh nghiệp Việt Nam
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tin tức thế giới 23-12: Ông Trump đòi giữ lại TikTok; Nga tiếp tục lấy đất ở Ukraine NGỌC ĐỨC 23/12/2024 Ông Trump đòi "lấy lại" kênh đào Panama vì sợ Trung Quốc tiến chiếm; Thủ tướng Israel cam kết tiếp tục đánh Houthi.
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).