23/02/2025 09:30 GMT+7

Kinh tế tư nhân màu sắc Trung Quốc

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng trở nên gay gắt sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, việc tìm ra hướng đi và động lực cho phát triển là điều rất cần thiết đối với Trung Quốc.

Kinh tế tư nhân màu sắc Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hội nghị chuyên đề với khu vực tư nhân tại Bắc Kinh hôm 17-2 - Ảnh: XINHUA

Chính vì vậy, vào ngày 17-2 vừa qua tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ với nhiều lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Trung Quốc như Huawei, BYD, Xiaomi, Alibaba...

Những thay đổi đáng kể

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập đã nhấn mạnh "phương châm cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân của chính phủ đã trở thành một trong những yếu tố cốt lõi, trọng tâm trong thể chế xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa. Điều này sẽ tiếp tục cải cách và đổi mới mạnh mẽ trong thời gian tới ở Trung Quốc".

Có thể nói kinh tế tư nhân ở Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải cách trong suốt bốn thập niên qua.

Đặc biệt, kể từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách và mở cửa vào cuối thập niên 1970, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào những chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư - Chủ tịch Tập Cận Bình, quan điểm của chính phủ về kinh tế tư nhân đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt là khi Trung Quốc đối mặt với các thách thức mới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và những yêu cầu mới về phát triển bền vững và cạnh tranh diễn ra ngày một khốc liệt.

Chính phủ Trung Quốc luôn nhìn nhận kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia.

Trải qua nhiều năm cải cách, đặc biệt từ những năm 1980, Trung Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân thông qua việc mở rộng quyền tự do kinh doanh, cải cách cơ chế tài chính và tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Điều này cho thấy tư duy cải cách mạnh mẽ và quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế phát triển mang màu sắc Trung Quốc.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc dưới thời ông Tập đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong cách tiếp cận đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Mặc dù vẫn công nhận tầm quan trọng của khu vực này trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo việc làm, Bắc Kinh đã yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ các quy định pháp lý nghiêm ngặt hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ và tài chính.

Các chính sách như "phát triển bền vững" và "thịnh vượng chung" đã dẫn đến những yêu cầu khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân trong việc đóng góp vào mục tiêu phát triển quốc gia cũng như hình ảnh dân tộc và mô hình phát triển mang tính dẫn dắt.

Các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Huawei, BYD đã xung trận trong nhiều năm qua trên tinh thần này. Và họ đã từng bước xây dựng được thương hiệu, tầm ảnh hưởng và tác động đến cấu trúc kinh tế và tư duy của người tiêu dùng.

Đây có thể được xem là một phần trong chiến lược phát triển và ủng hộ kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng "mô hình phát triển kinh tế" tại Trung Quốc.

Kinh tế tư nhân màu sắc Trung Quốc - Ảnh 2.

CEO Lei Jun của Xiaomi - Ảnh: AFP

Tác động toàn cầu

Kinh tế tư nhân đã có những đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Các doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần vào sự phát triển của các ngành công nghiệp quan trọng như công nghệ, sản xuất và tiêu dùng.

Đặc biệt, những công ty công nghệ nổi bật như Huawei, Alibaba, Tencent, BYD… đã trở thành những tên tuổi toàn cầu, không chỉ tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế Trung Quốc mà còn góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc trên thị trường quốc tế.

Sự đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân cũng đã giúp Trung Quốc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nền sản xuất nặng sang nền kinh tế tri thức và công nghiệp sáng tạo.

Những đóng góp của lĩnh vực tư nhân không chỉ giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào các ngành sản xuất truyền thống mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trong cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu.

Từ đó giúp Trung Quốc chủ động hơn trong cuộc cạnh tranh với Mỹ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế và "mô hình phát triển" mang tính dẫn dắt trong tương lai.

Kinh tế tư nhân không chỉ có ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế Trung Quốc mà còn tạo ra những tác động lớn đối với khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sự hiện diện toàn cầu, các tập đoàn kinh tế tư nhân của quốc gia này đã đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng cường giao thương quốc tế.

Các công ty như Huawei và Xiaomi đã vươn ra ngoài biên giới quốc gia, tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ và viễn thông.

Kinh tế tư nhân Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ thương mại trong khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ các sáng kiến như "Vành đai và Con đường" (BRI).

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án cơ sở hạ tầng tại các quốc gia châu Á, châu Phi, châu Âu và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và tạo ra các cơ hội phát triển cho các quốc gia này.

Chính sách và quan điểm của Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai của khu vực.

Việc tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích quốc gia sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế tư nhân Trung Quốc trong những năm tới.

Lãnh đạo Huawei, Xiaomi nói gì với ông Tập?

Theo báo South China Morning Post, tại hội nghị chuyên đề do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hôm 17-2, các doanh nhân công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng phát triển của đất nước.

Nhà sáng lập Huawei Technologies, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), cho biết lo ngại về việc thiếu hụt chip và hệ điều hành nội địa đã giảm bớt. Ông bày tỏ tin tưởng "một Trung Quốc mạnh mẽ hơn đang trỗi dậy với tốc độ ngày càng nhanh".

Trong khi đó, ông Lei Jun - CEO của nhà sản xuất smartphone và xe điện Xiaomi - khẳng định không có trở ngại nào là không thể vượt qua trong tiến trình phát triển của Trung Quốc, bất chấp sự thay đổi của bối cảnh quốc tế.

Phát biểu của ông dường như ám chỉ đến căng thẳng đang leo thang trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung.

Nhà sáng lập Yu Renrong của Will Semiconductor cho biết tỉ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Trung Quốc tiếp tục tăng.

Trong khi đó, ông Pony Ma Huateng - nhà sáng lập, chủ tịch và CEO của Tencent Holdings - tiết lộ kế hoạch tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ để đẩy nhanh sự phát triển và áp dụng các mô hình ngôn ngữ lớn.

THANH HIỀN

Các lực cản

Mặc dù kinh tế tư nhân Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng không thiếu những thách thức.

Các chính sách "siết chặt" hoặc "hồng hóa" các ngành công nghệ và tài chính của Trung Quốc vô hình trung đã tạo ra những khó khăn cho các tập đoàn kinh tế tư nhân trong việc "đi ra ngoài".

Các quốc gia trong khu vực có thể sẽ phải cân nhắc nhiều khi bắt tay với các tập đoàn kinh tế tư nhân Trung Quốc. Đây có thể xem là một trong những lực cản lớn trong việc xây dựng mô hình phát triển nhằm cạnh tranh lại với "mô hình phát triển" của Mỹ và phương Tây.

Kinh tế tư nhân Trung Quốc đã và đang là một động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các thách thức chính trị và kinh tế toàn cầu, khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc cũng đối mặt với không ít khó khăn.

Kinh tế tư nhân màu sắc Trung Quốc - Ảnh 3.Trung Quốc nói chính quyền ông Trump hãy thôi 'vũ khí hóa' vấn đề thương mại

Theo người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung - Mỹ mang lại lợi ích cho cả hai bên và người dân hai nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên