Thông điệp của Tổng bí thư phát đi tín hiệu là Đảng đã thay đổi tư duy về vai trò khu vực kinh tế tư nhân. Điều này thúc ép cán bộ công chức hành xử đúng mực, phải cách ly lợi ích của mình ra khỏi lợi ích hiện nay gắn khu vực kinh tế nhà nước, trả lại vị trí xứng đáng cho khu vực kinh tế tư nhân. Vì doanh nghiệp (DN) tư nhân có giàu mạnh thì người dân mới giàu mạnh, no ấm.
Thông điệp trên phải cụ thể hóa thành hành động của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc thiết kế, xây dựng, thực thi các chính sách, để làm sao đảm bảo được vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Làm được như vậy thì mục tiêu đặt ra đến năm 2020 VN có 1 triệu DN mới đạt được cả số lượng và chất lượng. Bởi trên thực tế DN vẫn gặp nhiều khó khăn, rào cản bởi thủ tục hành chính. Thể chế và môi trường kinh doanh hiện nay chưa dung hợp để các DN có thể lớn lên.
Để DN tư nhân lớn mạnh thì vai trò của Chính phủ phải khác với những năm qua. 30 năm qua, vai trò của Chính phủ là cởi trói cho nền kinh tế. Những năm tới đây không chỉ là tiếp tục cởi trói, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho khu vực kinh tế tư nhân, mà Chính phủ phải kiến tạo, tạo dựng những nền tảng cho khu vực kinh tế tư nhân.
Chẳng hạn là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi thể chế để khuyến khích tinh thần kinh doanh, cạnh tranh, tinh thần ganh đua lành mạnh và hiệu quả.
Chính phủ không thể làm thay DN, nhưng phải hậu thuẫn cho những DN làm tốt. Các chính sách phải bình đẳng giữa các thành phần kinh tế chứ không thể ưu ái, trợ cấp vô điều kiện cho DN nhà nước như lâu nay.
Cái DN tư nhân cần là sự công bằng.
ĐỖ THIÊN ANH TUẤN
(giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận