TTCT - Mùa xuân năm 2024 sẽ đánh dấu một năm nhậm chức thủ tướng Trung Quốc của ông Lý Cường, người trước đó chưa hề có kinh nghiệm làm việc ở chính phủ trung ương Bắc Kinh. Ảnh: AFP/EconomistNhiều nhà quan sát cho rằng người cựu trợ lý thân cận của ông Tập từ thời hai người còn làm ở tỉnh Chiết Giang 20 năm trước sẽ có nhiều thuận lợi hơn người tiền nhiệm Lý Khắc Cường trong việc quản trị nền kinh tế Trung Quốc.Lý do là ông Lý Cường được coi là người tin cậy của Chủ tịch Tập Cận Bình, nên có thể sẽ được tự do quản lý nền kinh tế hơn. Tuy nhiên, ông Lý đã gặp quá nhiều thách thức trong năm vừa qua.Theo truyền thống, chức vụ thủ tướng Trung Quốc thường được nắm giữ bởi người được coi là thân thiện với giới doanh nghiệp và khéo léo về mặt chính trị. Những năm 1980 và 1990, Trung Quốc có được những thủ tướng đầy ảnh hưởng, từ Triệu Tử Dương đến Chu Dung Cơ, những nhà cải cách kinh tế tài năng và táo bạo. Nhưng đôi lúc cải cách kinh tế phải nhường bước cho các quyết định chính trị thận trọng.Thực dụng và ủng hộ doanh nghiệpÔng Lý Cường, người đã thành công trong việc thu hút nhiều khoản đầu tư nước ngoài vào Thượng Hải khi còn làm bí thư thành ủy tại đây, được những người từng gặp ông mô tả là có phong cách làm việc thực dụng và ủng hộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Victor Shih, giáo sư tại Đại học California, San Diego, cho biết: "Về những vấn đề mà ông Tập lo ngại, sẽ có rất ít chỗ cho sự linh hoạt. Tuy nhiên, ông Lý có thể có khả năng thuyết phục được ông Tập cao hơn".Đánh giá một cách công bằng thì hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đã khởi sắc vào năm 2023 nhờ nhu cầu dịch vụ tăng, đầu tư sản xuất linh hoạt và kích thích cơ sở hạ tầng công cộng. Theo tính toán của Hãng tin Bloomberg, Trung Quốc tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023, một phần do mức tăng trưởng năm 2022 vốn thấp vì phong tỏa COVID.Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 không có nhiều chỉ dấu cho sự bền vững. Việc từ bỏ chính sách zero COVID vào đầu năm 2023 từng làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng. Quý 1-2023, quả thật kinh tế Trung Quốc đã khởi đầu mạnh mẽ, nhưng rồi sớm chững lại. Quyết tâm chính trị, sự lạc quan dựa trên thành tích quá khứ và lòng tin từ cấp trên là không đủ cho sự đột phá mạnh mẽ. Mức cầu trong nước và ngoài nước liên tục yếu, dẫn đến áp lực giảm phát gia tăng, khủng hoảng khu vực bất động sản, sự sụt giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế, rồi tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao chưa từng thấy đều là những chỉ dấu đáng lo ngại.Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 12-1, nền kinh tế nước này nhìn lại năm 2023 với ít tín hiệu lạc quan. Năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016. Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng ở mức yếu nhất trong 14 năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chỉ 0,2% cả năm 2023, thấp nhất kể từ năm 2009 khi CPI giảm 0,7% do suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) cả năm giảm 3%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015. Mối đe dọa giảm phát đang dần trở thành hiện thực với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.Ảnh: ReutersBắc Kinh cũng gặp khó khăn trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài, những người lo ngại trước việc Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng tập trung vào an ninh quốc gia, còn căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung không giảm bớt. Quý 3-2023, Trung Quốc ghi nhận quý thâm hụt đầu tiên về FDI kể từ năm 1998. Theo tính toán của Bloomberg, chỉ số đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm vào tháng 11-2023, cho thấy căng thẳng địa chính trị và nền kinh tế đang chậm lại đã khiến các công ty nước ngoài giảm tốc độ mở rộng. Vốn nước ngoài được giải ngân mới mà nước này nhận được là 53,3 tỉ nhân dân tệ (7,5 tỉ USD) vào tháng 11-2023, giảm tới 19,5% so với một năm trước đó và ở mức thấp nhất kể từ tháng 2-2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên.Áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới càng lớn do chi tiêu tiêu dùng trong nước tăng trưởng chậm, còn nhu cầu của phương Tây với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc suy yếu. Trong bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 6 ở Thượng Hải vào đầu tháng 11-2023, nhằm thu hút hàng nghìn doanh nghiệp nước ngoài mua sắm sản phẩm Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường cam kết tiếp tục cải cách sâu rộng, mở rộng các khu vực thương mại tự do và nới lỏng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài.Trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí đầu tiên sau khi nhậm chức vào tháng 3-2023, ông Lý cũng từng nói: "Trong khoảng thời gian năm ngoái, có một số quan điểm không chính xác về sự phát triển của nền kinh tế tư nhân khiến một số doanh nhân lo lắng... Môi trường cho nền kinh tế tư nhân sẽ ngày càng tốt hơn với không gian ngày một rộng hơn".Riêng chính sách là chưa đủTuy nhiên, chính sách chỉ là một phần, và không dễ gì khắc phục được những tác động mang tính cơ cấu. Trung Quốc đang phải gánh chịu tác động kép do nhu cầu yếu cả trong và ngoài nước. Ảnh: ReutersXuất khẩu của nước này đứng ở mức 3,38 nghìn tỉ USD vào năm 2023, giảm 4,6% so với năm trước. Lần cuối cùng Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm xuất khẩu là vào năm 2016, khi xuất khẩu giảm 7,7%. Nhập khẩu cũng giảm trong năm ngoái, mất 5,5% xuống còn 2,56 nghìn tỉ USD. (Đồng nghĩa thặng dư thương mại của Trung Quốc trong năm 2023 vẫn là khổng lồ: khoảng 820 tỉ USD).Ông Lã Đại Lương, người phát ngôn của Tổng cục Hải quan kiêm vụ trưởng Vụ Thống kê và Phân tích, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 12-1 ở Bắc Kinh cho rằng: "Nhu cầu bên ngoài chậm chạp đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc". Ông Lã lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với "khó khăn" trên thị trường xuất khẩu vì nhu cầu toàn cầu có thể vẫn yếu và "chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương" cản trở tăng trưởng của Trung Quốc.Tuy nhiên, không phải chỉ dấu nào về kinh tế Trung Quốc cũng đều mờ nhạt. Ông Lã cho biết về mặt số lượng, Trung Quốc đã xuất xưởng 5,22 triệu ô tô vào năm 2023, tăng 57% so với năm 2022. Điều đó một phần nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của xe điện. Ông nói trong cuộc họp báo: "Cứ ba chiếc ô tô được Trung Quốc xuất khẩu thì một chiếc là xe điện". Ông nói thêm: "Nhìn về tương lai, chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn có lợi thế cạnh tranh toàn diện mạnh mẽ và có thể tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm cải tiến ngày càng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu".Trong bản báo cáo đánh giá kinh tế Trung Quốc sau COVID-19 của Ngân hàng Thế giới (WB) vào cuối năm 2023, Mara Warwick, giám đốc quốc gia của WB tại Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc, nhận xét: "Việc nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô đã và đang hỗ trợ sự phục hồi trong ngắn hạn. Các cải cách cơ cấu bổ sung nhằm nâng cao niềm tin và khôi phục động lực tăng trưởng, chẳng hạn cải thiện khuôn khổ giải quyết nợ của Trung Quốc và tăng cường môi trường thuận lợi cho các công ty tư nhân sẽ rất quan trọng".Các lãnh đạo cao nhất Trung Quốc cũng đã nhóm họp trong tháng 12 vừa qua để thảo luận về các mục tiêu và chính sách kinh tế cho năm 2024.Cụ thể, để thúc đẩy kinh tế, Trung Quốc đã phát hành 1.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 137 tỉ USD) trái phiếu chính phủ vào cuối năm 2023 và cho phép chính quyền địa phương sử dụng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024 của họ. Sự điều chỉnh này đã nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2023 lên 3,8% GDP, so với mức 3% ban đầu, để triển khai các biện pháp kích thích kinh tế linh hoạt hơn.Ngoài ra, các nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngân hàng trung ương của nước này, sẽ ứng phó với áp lực giảm phát và tăng cường cho vay qua việc có thể hạ lãi suất, bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính và giảm yêu cầu dự trữ tiền mặt với các ngân hàng. Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng chính phủ có thể đặt lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 ở mức khoảng 5%. Con số này vẫn là đầy tham vọng khi so sánh với dự báo của tổ chức tài chính nước ngoài, thường chỉ xoay quanh mức 4,5%.Có vẻ mọi thứ không dễ dàng với ông Lý Cường như khi ông còn làm ở Chiết Giang hay Thượng Hải. ■ Các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tuần trước cho rằng "lạm phát CPI cơ bản đang ở mức thấp có thể phản ánh nhu cầu trong nước của Trung Quốc suy giảm do suy thoái bất động sản và thị trường lao động căng thẳng". Sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản có thể tác động vượt xa mọi dự kiến, ảnh hưởng đến tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng. Điều này có thể gây áp lực dây chuyền lên các nhà cung cấp, chủ nợ và nguồn thu của chính quyền địa phương, đồng thời dẫn đến giảm đầu tư công. Tags: Kinh tế Trung QuốcThủ tướng Trung QuốcChủ tịch Tập Cận BìnhLý Khắc CườngLý Cường
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Điều động bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương NGỌC AN 24/01/2025 Bộ Chính trị có quyết định điều động, phân công, bổ nhiệm ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - giữ chức vụ phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Cục Điện ảnh yêu cầu cắt cảnh Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu phim Thái 404 Chạy ngay đi Đ.DUNG 24/01/2025 Cục Điện ảnh cho rằng đoạn Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu của người Việt xuất hiện ở phim 404 Chạy ngay đi 'không sai phạm nhưng cắt để tránh gây hiểu sai về ý nghĩa và giá trị di sản'.