TTCT - Hoạt động kinh tế số đang phát triển hơn bao giờ hết. Số tiền thuế thu được từ cá nhân, tổ chức trong nước kinh doanh trên nền tảng số tăng lên, nhưng với doanh thu hàng tỉ USD từ Việt Nam mà Google, Facebook, Amazon, Netflix… nhận được thì sao? Tranh thủ giờ nghỉ trưa, nhiều chị nhân viên văn phòng đi siêu thị trên mạng để mua đồ cho bữa tối. Từ nắm hành lá, củ gừng, đến thực phẩm, trái cây… được đặt và thanh toán bằng điện thoại chỉ sau 2 phút. Việc hằng ngày nhận đơn hàng và thanh toán qua mạng giờ đã hết sức quen thuộc.Dịch COVID-19 cũng là cú huých thúc đẩy hoạt động kinh tế số phát triển hơn bao giờ hết. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 10-2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu lượt, giá trị 9,6 triệu tỉ đồng, cùng tăng 125% so với cùng kỳ 2019; giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu lượt, tăng 8,3% và giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỉ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019.Quy mô lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam năm 2020 là 11,8 tỉ USD, theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có mức tăng trưởng thương mại điện tử 2 chữ số: 18%.Ảnh: Quang Định Quản lý phải nắm được dòng tiềnThương mại điện tử ở Việt Nam hiện gần như đã ở mức độ các cửa hàng “gạch và bêtông” bán thứ gì thì trên mạng có thứ đó, và rất nhiều thứ trên mạng có, mà cửa hàng ngoài đường chưa chắc có. Dưới góc độ quản lý thuế, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết cơ quan thuế đã ghi nhận hiện tượng này và dự báo hoạt động kinh tế số sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới. Ngành thuế cũng nhận thức rằng mô hình kinh doanh truyền thống sau đại dịch chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch. Một đặc thù của kinh tế số Việt Nam, theo Bộ Công thương, là dù thương mại điện tử rất phát triển, giao dịch thanh toán trực tuyến vẫn rất ít, đa phần thanh toán vẫn bằng tiền mặt, đặt ra vấn đề không dễ giải quyết cho cơ quan thuế. Ông Đặng Ngọc Minh thừa nhận quản lý nền kinh tế số nói chung và hoạt động kinh doanh trên nền tảng số nói riêng là một lĩnh vực rất mới. Để quản lý thuế với hoạt động kinh tế số, Quốc hội đã ban hành Luật quản lý thuế số 38. Trong đó, ông Minh nói ngành thuế đã đưa những quy định mới về quản lý kinh tế số, đặc biệt là với giao dịch xuyên biên giới có gắn trách nhiệm của các cơ quan liên quan như ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán…“Không chỉ người kinh doanh mà cả ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng [platform] phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế để trước hết tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển thuận lợi. Đồng thời, các bên cũng cùng chia sẻ thông tin như ngân hàng phải cung cấp số tài khoản, mã số thuế của người nộp thuế cho cơ quan thuế để quản lý hoạt động kinh doanh số” - ông Minh nói.Theo quy định, người nộp thuế có nghĩa vụ tự tính, tự khai và tự nộp thuế. Mọi trường hợp, nếu cá nhân cố tình trốn thuế thì một ngày nào đó, cơ quan thuế sẽ tìm ra. Nếu một cá nhân đã thanh toán, hồ sơ thanh toán vẫn lưu dấu vết thì với nghiệp vụ của mình, cơ quan thuế sẽ có biện pháp để truy vết và buộc người ta phải đóng thuế. Điều này là để đảm bảo công bằng với những người làm ăn chân chính, nộp thuế kịp thời và đầy đủ.Về phía ngành thuế, ông Minh cho hay đã bố trí nhân lực quản lý hoạt động kinh tế số. Các đội thuế phường xã phải bố trí lực lượng cán bộ khảo sát các hệ thống kinh doanh online và phối hợp với quản lý thị trường để đề ra giải pháp quản lý. Hiện nay qua cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, những giao dịch của nhà cung cấp đều được cơ quan thuế nắm số liệu và làm việc với các cá nhân có nguồn thanh toán của Google, Facebook…Với nhóm này, Tổng cục Thuế ghi nhận trong 2 năm trở lại đây, số thuế thu từ thu nhập do hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh, đạt khoảng 1.000 tỉ đồng/năm. Rõ ràng ý thức tuân thủ về thuế của người nộp thuế đang tăng lên. Đa phần người nộp thuế hiểu được nghĩa vụ của mình thì chủ động tìm hiểu và trao đổi với cơ quan thuế để kê khai và nộp thuế. Ảnh: Quang Định Thu thuế của các ông lớn vẫn chưa thuậnTrả lời chất vấn Quốc hội ở kỳ họp tháng 11-2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỉ USD nhưng chưa đóng thuế. Bộ này, cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới này phải đóng thuế, tuân thủ luật pháp Việt Nam.Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh cho biết Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư thực hiện nghị định 126 và Luật quản lý thuế. Trường hợp các đại gia này không có cơ sở kinh doanh ở Việt Nam, không đăng ký kê khai và nộp thuế cho doanh thu ở Việt Nam, thì ngân hàng thương mại sẽ chịu trách nhiệm nộp thuế thay trước khi chuyển tiền thanh toán cho họ. Ông Đặng Ngọc Minh nói ngành thuế đang làm việc với các nhà cung cấp nước ngoài về các nghĩa vụ mới, cũng như yêu cầu họ tuân thủ.Đồng tình với việc sẽ thực hiện trách nhiệm nộp thuế thay cho Google, Facbook, Amazon… khi chuyển tiền thanh toán của cá nhân trong nước, nhưng nhiều ngân hàng thương mại đề nghị Bộ Tài chính cần quy định thuế suất thống nhất, chứ không phân biệt theo hoạt động kinh doanh.Đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp, bà Đỗ Khánh Ly - Trung tâm Liên minh Internet châu Á (AIC - hiệp hội ngành gồm các công ty công nghệ và Internet hàng đầu như Amazon, Facebook, Apple…) - khuyến cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần thảo luận và nghiên cứu kỹ hơn quy định về quản lý thuế với các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh ở Việt Nam, để khi ban hành, quy định không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.Bà Ly cho rằng Tổng cục Thuế nên cân nhắc quy định đơn phương đánh thuế trên tổng doanh thu vào các doanh nghiệp nước ngoài, vì khối các nền kinh tế phát triển OECD đang hướng tới không sử dụng cách này và kế hoạch của họ là trong năm nay sẽ tìm được giải pháp toàn cầu về thuế với hoạt động kinh tế số, có thể làm mẫu cho các nước khác triển khai theo. Theo bà Ly, chỉ nên yêu cầu nhà cung cấp ở nước ngoài đăng ký và nộp thuế giá trị gia tăng, còn các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp khi áp dụng cần hòa hợp với khung thuế toàn cầu của G20 hay OECD mà Việt Nam là thành viên. Được biết khung thuế này dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2021. ■Ông Lưu Đức Huy - vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế: “Đảm bảo quyền đánh thuế của nước chủ nhà”Quản lý thuế thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số áp dụng với nhà cung cấp nước ngoài thì Tổng cục Thuế sẽ tham khảo quy định quốc tế cũng như học hỏi quy định các nước để áp dụng cho phù hợp. Tổng cục Thuế sẽ rà soát lại để tránh không thu trùng thuế. Nguyên tắc thu thuế đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, đồng thời đảm bảo đúng quy định Việt Nam cũng như quyền đánh thuế của nước chủ nhà.Bà Virginia Foote, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham): “Các nghĩa vụ mới về thuế rất phức tạp”Một mạng lưới rất phức tạp về các nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, khấu trừ thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài hoạt động trên nền tảng số thể hiện qua dự thảo thông tư thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.Khái niệm hoạt động thương mại điện tử kinh doanh dựa trên nền tảng số quá rộng. Chúng tôi đã xem xét quy định mới về cơ sở thường trú - khái niệm này được nêu trong dự thảo thông tư nhưng chưa có trong một số luật Việt Nam về thuế, nhất là Luật quản lý thuế.Liên quan đến trách nhiệm của nhà cung cấp nước ngoài với việc đăng ký kê khai và nộp thuế, rất mong Chính phủ cần phải làm rõ quy định hiện tại với thuế nhà thầu nước ngoài trong dự thảo thông tư tới đây, sao cho hai văn bản này hợp lý, có thể áp dụng một cách nhất quán.Về thuế thu nhập doanh nghiệp, chúng tôi kiến nghị doanh nghiệp nước ngoài sẽ không phải đăng ký cũng như nộp thuế này ở Việt Nam khi họ đã được bảo hộ bởi hiệp định thuế mà Việt Nam tham gia ký kết.Về việc kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam nên ban hành quy trình, mẫu biểu phù hợp để các nhà cung cấp nước ngoài hiểu rõ yêu cầu và trách nhiệm với họ. Cuối cùng, các doanh nghiệp nước ngoài rất mong quy định mới về quản lý thuế với kinh doanh thương mại điện tử không đi ngược lại với các chuẩn mực thuế quốc tế, các hiệp định thuế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thuế và kinh tế số Tiếp theo Tags: GoogleFacebookThương mại điện tửThuế thương mại điện tửĐánh thuế Facebook
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.