Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Ảnh: VGP
Ngày 27-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã nhấn mạnh như vậy khi chủ trì phiên họp lần thứ 2 của ủy ban, đánh giá kết quả thực hiện quý 1-2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý 2-2022 và thời gian tới.
Nhấn mạnh tinh thần "quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm thật, làm quyết liệt, làm ra hiệu quả, ra sản phẩm', có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, Thủ tướng nêu rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Vì vậy công tác chuyển đổi số được đặc biệt quan tâm, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. "Chuyển đổi số là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 10-10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia với 3 mục tiêu chính là đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Với yêu cầu trên, nhiệm vụ của ủy ban là cần tổ chức thực hiện, rà soát, sửa đổi thể chế, phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ, cần huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua việc thúc đẩy hợp tác công tư; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.
Nâng cao năng lực quản trị hiện đại, phù hợp tình hình, năng lực và trình độ của Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiểm tra, giám sát thường xuyên để thúc đẩy công việc và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí…
Với nguồn lực có hạn, Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cho chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, chia cắt, manh mún, rời rạc, lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông - cơ quan thường trực của ủy ban, đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Theo ước tính, doanh thu kinh tế số quý 1-2022 đạt khoảng 53 tỉ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỉ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho hay, số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 2-2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.
Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận