22/06/2022 09:15 GMT+7

Kinh tế Mỹ tránh được suy thoái?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Trong khi các nhà kinh tế, chuyên gia tin chắc rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở sát mép vực suy thoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông vẫn khẳng định đó không phải điều "không thể tránh khỏi".

Kinh tế Mỹ tránh được suy thoái? - Ảnh 1.

Chính phủ Mỹ lo lắng trước tâm lý bi quan của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - Ảnh: AFP

Đã có những tín hiệu là cơ sở để giới chuyên gia dự đoán kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái từ năm sau. Rõ ràng để tránh được viễn cảnh tiêu cực này, chính quyền Mỹ phải giải quyết rất nhiều thách thức.

Giữ vững tích cực

Ngày 20-6, khi các phóng viên đuổi theo để hỏi về việc các chuyên gia nói rằng kinh tế Mỹ sắp suy thoái, Tổng thống Biden trả lời: "Không phải phần đông đều nói vậy".

"Tôi không nghĩ suy thoái là điều không thể tránh khỏi. Tôi đã nói chuyện với cựu bộ trưởng tài chính Larry Summers sáng nay và không có chuyện không thể tránh khỏi suy thoái" - ông Biden nói, nhắc đến cuộc phỏng vấn gây xôn xao dư luận trước đó của ông Summers cho rằng suy thoái thường xảy ra khi lạm phát cao. Lần trước, ông Biden cũng khẳng định điều này khi Cục Dự trữ liên bang (FED) nâng lãi suất kỷ lục vào ngày 15-6.

Các quan chức trong chính quyền ông Biden cũng phát đi thông điệp tương tự trên truyền thông. "Tôi nghĩ kinh tế sẽ chững lại... nhưng tôi không nghĩ suy thoái là không thể tránh khỏi", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói trong phỏng vấn trên Đài ABC.

Tương tự, giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Brian Deese khẳng định chính quyền nước này đang củng cố kinh tế và dẫn ra các điểm sáng như tỉ lệ thất nghiệp thấp để phản bác các dự báo suy thoái.

Sau cuộc khủng hoảng COVID-19 kéo dài hơn 2 năm, kinh tế Mỹ đang "phát sốt" vì lạm phát "nóng" hơn bao giờ hết và chịu thêm nhiều cú sốc như chiến sự ở Ukraine, các khu sản xuất ở Trung Quốc bị phong tỏa... Giá cả leo thang buộc FED phải tăng lãi suất liên tiếp để hạ nhiệt nhưng đồng thời có nguy cơ đẩy kinh tế vào suy thoái. Thách thức của chính quyền Mỹ là sử dụng "thuốc" đúng liều để không làm "chết" nền kinh tế.

Nhưng theo giới phân tích, điều mà chính quyền ông Biden còn lo lắng hơn chính là những bàn tán về suy thoái có thể biến nó thành sự thật. Theo cây bút Catherine Rampell của báo Washington Post, tâm lý bi quan có thể tác động lên người tiêu dùng, doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm chi tiêu, sa thải nhân viên, hoãn đầu tư và hủy đơn hàng. Vòng lặp tiêu cực này cũng có thể dẫn đến một cuộc suy thoái bất chấp các nỗ lực của FED.

Đây là lý do tại sao các quan chức Nhà Trắng, và ở một mức độ nào đó là các quan chức FED, đang cố gắng thể hiện sự lạc quan một cách thận trọng. "Việc nói rằng suy thoái không phải không tránh khỏi cho phép họ thừa nhận nỗi đau và lo lắng của người dân, nhưng cũng tạo ra chút hy vọng", bà Catherine Rampell nhận định.

Vào cuối năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái của nền kinh tế Mỹ.

Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Larry Summers nói trên kênh NBC vào ngày 19-6.

Nhiều thách thức

Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là hành động của chính quyền nhằm vực dậy nền kinh tế, và điều đó không dễ dàng. Trong vài tháng qua, Washington đã thử nhiều biện pháp, từ việc tìm thêm nguồn cung dầu mỏ ở Trung Đông cho tới thúc đẩy năng lực lọc dầu trong nước. Thời gian qua, nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng chính quyền Mỹ dường như đã lãng phí thời gian quý giá để kịp thời can thiệp khi nguy cơ lạm phát đã được cảnh báo từ năm ngoái.

Ngày 20-6, ông Biden cho biết ông đang xem xét nghiêm túc việc tạm dừng áp thuế liên bang để giảm giá xăng trước dịp Quốc khánh Mỹ ngày 4-7, thời điểm hàng chục triệu người Mỹ đi nghỉ lễ. Theo bà Yellen, biện pháp này "không hoàn hảo" nhưng cũng là một cách chống lạm phát, theo Hãng tin Reuters.

Nhà Trắng và các nghị sĩ Dân chủ cũng đang đàm phán về dự luật chống lạm phát, kiềm chế thâm hụt ngân sách. Các nội dung vẫn đang được thảo luận, nhưng Hãng tin Bloomberg cho hay dự luật này có thể sẽ bao gồm việc đặt mức trần giá insulin, một loại thuốc quan trọng với người bệnh tiểu đường, và các khoản đầu tư của liên bang vào năng lượng sạch và nhiên liệu hóa thạch. Nó cũng có thể gồm tăng thuế với người giàu hoặc/và các công ty.

Một số biện pháp khác mà Chính phủ Mỹ có thể thực hiện ngay là gỡ bỏ các hạn chế về thương mại và vận tải biển để giảm chi phí, xúc tiến nhập cư hợp pháp để giải quyết thiếu hụt lao động, hỗ trợ các công ty năng lượng để giảm giá nhiên liệu...

Dự báo ảm đạm

Ngày 20-6, các dự báo vẫn cho thấy khả năng Mỹ rơi vào suy thoái lớn hơn các kịch bản khác. "Với đà giảm tốc rất nhanh và FED cam kết bình ổn giá, chúng tôi tin suy thoái nhẹ sẽ bắt đầu từ quý 4-2022", Bloomberg dẫn nhận định từ các nhà kinh tế của Tập đoàn tài chính Nomura. Tương tự, Ngân hàng Deutsche Bank dẫn các dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại, cho rằng suy thoái nếu xảy ra sẽ nghiêm trọng hơn các dự báo trước đó.

Kinh tế Mỹ hồi phục trong thận trọng Kinh tế Mỹ hồi phục trong thận trọng

TTO - Cùng với tỉ lệ tiêm chủng đang tăng, báo cáo việc làm mới nhất của Bộ Lao động Mỹ là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang dần phục hồi trong lúc quốc gia này vẫn phải đối phó với biến thể Delta.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: kinh tế Mỹ suy thoái