Kinh tế Mỹ: Khi đầu tàu vẫn chậm

HẢI MINH 11/09/2014 08:09 GMT+7

TTCT - Một khi đầu tàu vẫn còn quá nhiều trục trặc, khó hi vọng đoàn tàu kinh tế thế giới sẽ có thể tăng tốc ổn định, ít ra trong tương lai gần.

Người lao động Mỹ với tấm biển mang dòng chữ: “Không sống nổi với 7,25 USD”. Mức lương tối thiểu theo quy định liên bang ở Mỹ hiện là 7,25 USD/giờ
Người lao động Mỹ với tấm biển mang dòng chữ: “Không sống nổi với 7,25 USD”. Mức lương tối thiểu theo quy định liên bang ở Mỹ hiện là 7,25 USD/giờ - Ảnh: nbcnews.com

Nếu kinh tế thế giới là một đoàn tàu thì Mỹ chính là đầu tàu. Nhưng một vài thông tin tích cực trong thời gian qua của kinh tế Mỹ không đủ xua đi lo ngại về một khúc quanh rủi ro có thể đang chờ đợi đầu tàu ở phía trước

Con số tăng trưởng GDP 4% trong quý 2-2014 do Bộ Thương mại Mỹ công bố mới đây được chào đón với cảm giác giải tỏa, sau khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong quý 1. Tuy nhiên, sản lượng của kinh tế Mỹ vẫn đang ở dưới mức tiềm năng khoảng 5%, theo ước tính của Văn phòng ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ.

Trong tháng 6, tỉ lệ việc không có người làm đã tăng lên 3,3%, cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phải đối phó với một vấn đề mang tính bản chất: năng suất lao động.

Chỉ công ăn việc làm là không đủ

“Trừ khi năng suất có những dấu hiệu tăng nhanh trong tương lai gần, chi phí lao động sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận biên (của các doanh nghiệp)” - Alan MacEachin, kinh tế gia ở Navy Federal Credit Union tại Virginia, bình luận với Reuters.

Richard Moody, kinh tế gia trưởng của Tập đoàn Regions Financial, cho rằng tình hình tăng trưởng năng suất trong dài hạn còn đáng lo ngại hơn. “Với việc tăng trưởng năng suất sẽ không diễn ra trong tương lai gần, triển vọng tăng thu nhập cho người lao động cũng rất ảm đạm” - Moody nói. 

Tháng 6, người lao động ở Mỹ chào đón tin vui lớn nhất trong nhiều năm khi có thêm 288.000 việc làm mới, nâng tổng số việc làm lên 1,4 triệu trong năm 2014, theo thống kê từ Cục Thống kê lao động Mỹ. Đây là thành tích sáu tháng tốt nhất kể từ năm 2006.

Thường số việc làm mới được tạo ra nhiều như thế sẽ tương ứng với một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định. Tuy nhiên, lúc này thì không phải.

GDP quý 1-2014 của Mỹ giảm 2,9%, tệ nhất từ khi khủng hoảng nổ ra năm 2007. Tình hình chưa sáng sủa hơn dù nhiều nhà kinh tế dự báo 2014 sẽ là năm phục hồi tốt nhất của kinh tế Mỹ trong năm năm qua.

Tăng trưởng kinh tế trong chu kỳ kinh doanh chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng tổng cầu, nhưng những năm gần đây tổng cầu đang tụt lại: các hộ gia đình phải lo tiết kiệm để trả nợ, chính phủ thắt chặt chi tiêu và tăng thuế, lãi suất đã về 0 nên không thể xuống thấp hơn nữa.

“Người tiêu dùng giờ nhận ra họ có thể sống mà không cần rất nhiều thứ trước đây họ vẫn cho là hiển nhiên. Ngay lúc này, mọi người không muốn chia tay những đồng tiền mà họ khó khăn lắm mới kiếm được” - Joel Naroff, chủ tịch Tổ chức Các nhà tư vấn kinh tế Naroff, nói.

Tuy nhiên trong dài hạn, tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào cung: bao nhiêu nhân công làm việc và năng suất ra sao. Khuynh hướng phân kỳ gần đây của nền kinh tế Mỹ, việc làm được cải thiện mạnh mẽ nhưng tăng trưởng vẫn chậm, cho thấy nước Mỹ đối mặt với vấn đề cả từ phía cầu lẫn phía cung khi nhân công nhiều hơn mà sản lượng vẫn không cao hơn.

Đó là tin xấu cho người Mỹ vì mức sống của một quốc gia phụ thuộc vào năng suất nhân công của quốc gia đó.

Đó cũng là cơn đau đầu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bởi lạm phát sẽ tăng nhanh hơn trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn, đồng nghĩa với việc lãi suất có thể sẽ tăng sớm hơn so với dự báo, dù trong một nền kinh tế tăng trưởng chậm thì nhu cầu về vốn sẽ tiếp tục thấp.

Trong thập niên 1990, Mỹ là một trong những nước giàu có tỉ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất, trung bình trên 3%/năm, khi lực lượng lao động của họ chỉ mở rộng 1%, tức năng suất lao động đã tăng 3%/năm nhờ vào những tiến bộ khoa học công nghệ và sự lan rộng của Internet.

Năm 2007, Văn phòng ngân sách của Quốc hội Mỹ còn dự báo tăng trưởng vào khoảng 2,6%/năm, trong khi hiện con số đó đã giảm còn 2,1%. Với các con số về tăng trưởng việc làm và tăng trưởng GDP hiện tại, Ngân hàng JPMorgan ước tính năng suất lao động ở Mỹ đã giảm 0,4% trong năm qua.

Trên cơ sở đó, JP Morgan đánh giá tăng trưởng triển vọng của kinh tế Mỹ sắp tới chỉ là 1,75%/năm, bằng một nửa so với trung bình của giai đoạn 1947-2007.

Năng suất lao động ở Mỹ chỉ tăng khoảng 1%/năm trong giai đoạn từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế, so với mức 2,3% trong giai đoạn 1947-2007. Doanh số suy giảm và cuộc khủng hoảng tài chính có thể đã ngăn cản việc đầu tư trong những năm vừa qua, nhưng năng suất đã giảm thậm chí từ trước khi suy thoái, từ khoảng năm 2005.

Chuyên gia John Fernald của FED tại San Francisco giải thích năng suất giảm là do các công ty đã gặt hái phần lớn thành quả của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, bắt đầu từ cuối những năm 1990.

Ngay cả khi tăng trưởng đã được cải thiện đôi chút trong quý 2-2014, Mỹ đang ngày càng giống với các nền kinh tế già cỗi tăng trưởng chậm chạp, dù trước giờ Mỹ vẫn tự hào là nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới.

Chính phủ của ông Obama đã nỗ lực rất lớn trong việc cải thiện hoạt động của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, nhưng các bước đi đó sẽ mất nhiều năm mới có thể cho thành quả, đó là chưa kể nhiều động thái của Chính phủ Mỹ hiện giờ bị coi là không thân thiện với các doanh nghiệp tư nhân vốn là động cơ chính của nền kinh tế.

Tổng thống mất lòng doanh nghiệp?

Còn hai năm rưỡi nữa sẽ rời cương vị tổng thống, nhưng ông Obama tới giờ vẫn được xem là một tổng thống không thân thiện với giới doanh nhân. Trong một phỏng vấn trên The Economist, ông Obama cho rằng giới chủ doanh nghiệp đã không ghi nhận những thành tích của ông trong kinh tế vĩ mô và bản thân họ phải nghĩ nhiều hơn tới xã hội.

Lá bài mạnh nhất của ông Obama trong cuộc tranh luận này là các chỉ số vĩ mô và chính sách điều hành chung. Các chỉ số việc làm được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian ông cầm quyền.

Từ cuối năm 2009 tới nay, số việc làm mới luôn xấp xỉ ở mức 150.000-300.000/tháng, trong khi chỉ số chứng khoán chủ đạo S&P 500 đã tăng từ hơn 7.000 điểm lúc ông Obama lên nắm quyền cuối năm 2008 lên khoảng 17.000 điểm hiện nay.

Với đống lộn xộn mà ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm và từ cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, khó có thể nói ông Obama đã làm không tốt trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, giới doanh nhân vẫn phàn nàn về ông vì ba điểm chính.

Thứ nhất, ông Obama hiếm khi nào bỏ qua cơ hội gọi họ là những người xấu, và những doanh nhân cực đoan nhất nói tổng thống Mỹ đang tiến hành một cuộc “chiến tranh giai cấp” chống lại họ.

Trong một bài phát biểu ở Kansas City đầu tháng 8, ông Obama lại “gây sự” khi gọi những công ty Mỹ tìm cách chuyển trụ sở ra nước ngoài để tránh thuế doanh nghiệp là “những kẻ không yêu nước”.

Công bằng mà nói, hệ thống thuế doanh nghiệp của Mỹ hiện quá lộn xộn, và tổng thống Mỹ có trách nhiệm thay đổi điều đó.

Chỉ sau bài phát biểu của ông Obama vài ngày, hãng tin kinh tế Bloomberg đăng bài báo cho thấy chính hơn 20 doanh nghiệp đã tài trợ không ít cho chiến dịch tranh cử của ông Obama cũng đang tìm cách chuyển trụ sở ra nước ngoài để tránh thuế.

Sau bài báo, thư ký báo chí của Nhà Trắng Eric Schulz đã phải xuống giọng: “Chúng tôi không sa đà vào chi tiết và không có vai trò gì trong các quyết định mang tính cá nhân của doanh nghiệp. Nhưng tổng thống muốn tập trung giải quyết vấn đề này”.

Vấn đề thứ hai trong mối quan hệ Obama - doanh nghiệp Mỹ mang tính cá nhân hơn. Trong những cuộc gặp trực tiếp, các doanh nhân nói họ cảm thấy bị coi rẻ.

Theo The Economist, những chủ doanh nghiệp kể họ được mời tới Nhà Trắng để “trao đổi về chính sách”, nhưng lại được “lên lớp” về trách nhiệm xã hội, với người được nhắc tên nhiều nhất là Valerie Jarrett, cố vấn cấp cao của ông Obama về những vấn đề liên chính phủ và quan hệ công chúng, nhưng các doanh nhân cho rằng bà là “chính ủy của Nhà Trắng”.

Lời than phiền thứ ba là chính quyền đang can thiệp quá mức vào nền kinh tế. Các doanh nghiệp ca cẩm Nhà Trắng đã trở thành một cỗ máy quan liêu, nhưng ông Obama nói những bài học từ cuộc khủng hoảng buộc chính phủ thận trọng hơn, và doanh nghiệp lúc nào cũng có thể than phiền về những quy định mà họ phải tuân thủ.

Trong một bài bình luận đăng trên Fox News năm 2012, Gary Shapiro, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hiệp hội Đồ điện gia dụng Mỹ, viết: “Gần như mọi doanh nghiệp lớn đều phải sử dụng hàng binh đoàn luật sư và chuyên gia vận động hành lang để đối phó với những đề xuất gây cản trở của chính quyền Obama với sự sáng tạo của giới doanh nhân”.

Ông Shapiro dẫn ra một nghiên cứu của Quỹ Heritage cho thấy 106 quy định mới của chính quyền Obama đã khiến nước Mỹ mỗi năm tiêu tốn thêm 46 tỉ USD ra sao.

Ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng đã trở nên mệt mỏi với hệ thống pháp luật và thuế doanh nghiệp. Trong tháng 7, khoảng chục doanh nghiệp cỡ bự đã thông báo kế hoạch sáp nhập với các đối tác nước ngoài, chuyển trụ sở ra khỏi nước Mỹ để đóng thuế thấp hơn.

Hệ thống thuế doanh nghiệp ở Mỹ có hai vấn đề lớn. Thứ nhất là tỉ suất thuế, hiện là 35%, cao nhất trong số 34 nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD).

Nhưng với mức thuế đó, thực thu của ngân sách Mỹ lại thấp hơn so với mức trung bình của OECD vì những lỗ hổng lớn và các đợt miễn giảm thuế liên tục. Năm 2013, các khoản miễn giảm này lên tới 150 tỉ USD, hơn một nửa tổng thu từ thuế doanh nghiệp của ngân sách!

Vấn đề thứ hai là Mỹ đánh thuế thu nhập của một công ty có trụ sở tại Mỹ, bất kể thu nhập đó kiếm được ở đâu, trong khi các nước khác chỉ đánh thuế phần thu nhập mà một tập đoàn đa quốc gia tạo ra trong lãnh thổ nước họ.

Các doanh nghiệp không phải trả thuế phần lợi nhuận ở nước ngoài cho tới khi họ chuyển phần lợi nhuận đó về nước. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ hiện đang ngồi trên đống tài sản 2.000 tỉ USD nằm ở nước ngoài. 

Tỉ suất thuế cao làm giảm đầu tư, trong khi các lỗ hổng khiến việc kinh doanh được cân nhắc trước hết từ khía cạnh thuế, thay vì hiệu suất của khoản đầu tư. Mức thuế thực trả của các doanh nghiệp rất khác nhau tùy ngành kinh doanh và tùy theo sự “sáng tạo” của các luật sư: một số công ty không trả một đồng thuế nào, trong khi những doanh nghiệp khác phải đóng đủ 35%.

Tất cả vấn đề đó khiến nền kinh tế Mỹ đang phải trả giá đắt. Và một khi đầu tàu vẫn còn quá nhiều trục trặc, khó hi vọng đoàn tàu kinh tế thế giới sẽ có thể tăng tốc ổn định, ít ra trong tương lai gần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận