Tiêu dùng cá nhân vẫn ở mức cao
Ngày 27-4, báo Wall Street Journal dẫn nguồn từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết tăng trưởng GDP của nước này trong quý 1-2023 đạt 1,1%.
Con số này thấp hơn 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,6% của quý 4-2022.
Trong đó, tiêu dùng - động lực chính của nền kinh tế - tiếp tục là điểm sáng. Tỉ lệ thất nghiệp thấp cùng thu nhập bình quân tăng khiến người tiêu dùng Mỹ mạnh dạn chi tiêu nhiều hơn.
Tổng giá trị các giao dịch cá nhân trong quý 1-2023 đã tăng 3,7%. Mức tăng này cao hơn 1% so với quý 4-2022, đồng thời là mức tăng cao nhất từ quý 2-2021 đến nay.
Số lượng việc làm mới tuy đã giảm so với năm 2021 và 2022, nhưng thị trường lao động vẫn trong tình trạng khỏe mạnh.
Số người mất việc vào cuối quý 1-2023 tuy đã tăng so với tháng 1 do làn sóng cắt giảm nhân sự ở các công ty công nghệ, tài chính nhưng vẫn đạt mức thấp nhất lịch sử.
Nguy cơ kinh tế Mỹ tăng trưởng âm ngày một rõ
Bên cạnh những tín hiệu khách quan, các cảnh báo nguy hiểm cũng đang ngày một rõ ràng.
Tuy nhìn chung, xu hướng tiêu dùng còn ở mức cao nhưng các xu hướng chững lại bắt đầu xuất hiện trong vài tuần gần đây.
So với hai tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ, thị trường nhà cửa và lượng hàng sản xuất đều đã giảm trong tháng 3.
Việc đầu tư của các doanh nghiệp cũng giảm đáng kể. Theo báo Wall Street Journal, giá trị đầu tư trong các lĩnh vực ngoài nhà ở giảm đến 7,3%. Đây là mức giảm mạnh nhất từ đầu dịch COVID-19.
Trong khi đó, việc đầu tư vào thị trường nhà ở - lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi lãi suất ngân hàng - tiếp tục giảm 4,2% trong quý 1.
Trước đó, quy mô đầu tư ở mảng này cũng đã giảm mạnh trong hai quý cuối năm 2022.
Các công ty cũng gặp nhiều vấn đề trong việc dự trữ hàng. Dịch bệnh và sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc dự đoán số lượng hàng cần dự trữ.
Lạm phát vẫn tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại. Mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất nhiều lần liên tiếp song chỉ số này vẫn ở mức cao báo động.
Chỉ số giá chi tiêu cá nhân (CPE) - thước đo lạm phát được Fed sử dụng - tiếp tục tăng, chạm mức 4,2% so với 3,9% của quý trước. Con số này cũng cao gấp đôi mục tiêu 2% từng được Fed đặt ra. Do đó, khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp diễn ra ngày đầu tháng 5 gần như chắc chắn.
Những dấu hiệu trên cùng quyết tâm kiềm chế lạm phát của Fed khiến nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán một cuộc suy thoái sẽ diễn ra trong nửa sau năm 2023.
"Các giám đốc điều hành và người tiêu dùng đều không kỳ vọng viễn cảnh khả quan trong khoảng 6 đến 9 tháng tới" - ông Erik Lundh, chuyên gia kinh tế chính tại tổ chức nghiên cứu kinh tế Conference Board, bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận