Hàng ngàn người tập trung tại Quảng trường Quốc hội ở London vào tháng 10 vừa qua, yêu cầu chế độ làm việc linh hoạt cùng nhiều quyền lợi khác - Ảnh: GETTY
Nếu nói về việc hai năm đại dịch đã dạy chúng tôi điều gì thì đó là sự linh hoạt là chìa khóa cho mọi khía cạnh của cuộc sống. Cụ thể là sự linh hoạt trong lực lượng lao động.
Ông Nick Lillios
Trong lá thư đầu tiên gửi đến các nhân viên của Twitter trong ngày 10-11, tỉ phú Elon Musk thông báo không cho phép nhân viên tiếp tục làm việc từ xa và họ sẽ phải có mặt ở văn phòng ít nhất là 40 tiếng mỗi tuần. Nhiều khảo sát mới đây cho thấy quyết định của Elon Musk không phải là trường hợp cá biệt.
Cắt giảm nhiều phúc lợi
Theo báo cáo của LinkedIn - mạng xã hội cho cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra sự chuyển dịch xu hướng từ làm việc từ xa về lại hình thức làm việc truyền thống.
Dữ liệu từ LinkedIn cho biết số bài đăng tuyển các công việc cho phép làm từ xa ở Mỹ trong tháng 11-2022 đã giảm 5% so với thời kỳ cao điểm vào tháng 4 vừa qua với 20% tổng số bài đăng tuyển.
Theo cuộc khảo sát trên 700 công ty từ Aon, một tập đoàn toàn cầu về giải pháp nhân sự, chỉ có khoảng 9% công ty ở Ấn Độ làm việc hoàn toàn từ xa trong tháng 8 so với 38% vào tháng 1.
"Chúng ta đang phải chứng kiến việc các công ty cắt giảm hoặc ngừng tuyển dụng nhân sự do kinh tế bất ổn, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp đang phải chịu sức ép về chi phí quản lý và năng suất của nhân viên" - ông Josh Graff, giám đốc điều hành LinkedIn tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, nói với Đài CNBC.
Khảo sát 2.929 giám đốc điều hành và quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp lớn với doanh thu từ 280 triệu USD/năm của LinkedIn cho thấy họ có xu hướng cắt giảm phúc lợi của người lao động do tình hình kinh tế khó khăn. 68% lãnh đạo cho biết sẽ hạn chế nhân viên làm việc từ xa, 74% sẽ cắt giảm các chương trình đào tạo và 75% sẽ giảm các quan tâm về sức khỏe thể chất - tinh thần của người lao động.
Ông Graff từ LinkedIn nhận định việc giảm bớt các quyền lợi của người lao động sẽ có thể giúp ích cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn nhưng sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về lâu dài.
"Các công ty dừng chế độ làm việc từ xa sẽ khiến lực lượng lao động mất động lực cống hiến và đẩy lực lượng này sang các đối thủ cạnh tranh có nhiều quyền lợi hấp dẫn hơn. Tính linh hoạt sẽ ngày càng trở thành vấn đề sống còn của các doanh nghiệp", ông Graff nói.
Cần linh hoạt
Theo khảo sát của Aon, làn sóng bỏ việc đã tăng ở các công ty ngừng chính sách làm việc từ xa. Cụ thể, hồi tháng 8-2022, tỉ lệ nghỉ việc tại các công ty ngừng cho phép làm việc từ xa là 29%. Ngược lại, các công ty cho phép làm việc từ xa hoặc theo mô hình làm việc kết hợp (vừa từ xa vừa làm ở công sở) chỉ có 19% tỉ lệ nhân viên nghỉ việc.
"Các chuyên gia hiện nay đánh giá rất cao hình thức linh hoạt nơi làm việc. Đây luôn là yếu tố ưu tiên quan trọng nhất đối với nhân viên sau lương thưởng, phát triển kỹ năng và cân bằng giữa công việc và cuộc sống", ông Graff nói.
Nick Lillios, giám đốc điều hành của nền tảng quản lý nhân lực Nowsta, nói với Đài CNBC rằng 2022 là năm của làm việc linh hoạt.
Một báo cáo gần đây từ Apollo Technical, công ty tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin, tiết lộ 72% người lao động hiện thích mô hình làm việc linh hoạt hơn là quay lại văn phòng toàn thời gian.
Mô hình linh hoạt làm việc rất quan trọng đối với tinh thần và năng suất làm việc. Theo báo cáo năm 2021 của công ty cung cấp giải pháp làm việc từ xa Owl Labs, 90% nhân viên nói rằng họ làm việc hiệu quả hoặc có năng suất cao hơn khi làm việc từ xa thay vì trực tiếp. Tương tự, 84% người lao động nói rằng tiếp tục làm việc tại nhà sau đại dịch sẽ khiến họ hạnh phúc hơn.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Kinh doanh Henley (Đại học Reading, Vương quốc Anh), linh hoạt, tự do, tiết kiệm thời gian đi lại là các lý do chính được 62% người lao động tại Anh đưa ra khi chọn các công việc cho phép họ làm việc từ xa.
Đại dịch đã buộc các doanh nghiệp/tổ chức phải thay đổi cách thức hoạt động. Bước vào thế giới hậu đại dịch, thói quen và nhu cầu làm việc từ xa của nhân viên vẫn còn, buộc doanh nghiệp phải tính toán kỹ trước khi ra quyết định thay đổi cách làm việc.
Ông Graff từ LinkedIn lập luận rằng khả năng thích ứng và tính linh hoạt là chìa khóa cho các công ty trong tương lai, giúp công ty có lợi thế cạnh tranh vượt trội hơn đối thủ trong dài hạn.
Khảo sát do Gallup thực hiện trên 8.090 người ở Mỹ vào tháng 6-2022 - Nguồn: MINH KHÔI, GALLUP - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận