Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, các doanh nhân cùng chia sẻ với Tuổi Trẻ Online cách họ vượt thách thức, đi lên từ điểm "đáy" khó khăn, dần bước vào phục hồi.
* Ông Thân Đức Việt - tổng giám đốc Tổng công ty May 10: Giai đoạn "lửa thử vàng, gian nan thử sức" với doanh nhân
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo động lực, đến nay đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm là hệ giá trị định hình đội ngũ doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong hành trình ấy, những năm COVID-19 có lẽ là "đáng quên" nhất, nhưng đó cũng là phép thử đối với sức bền doanh nghiệp.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", cộng đồng doanh nghiệp luôn cố gắng, kiên cường trụ vững để đóng góp vào tăng trưởng.
Giống như hầu hết doanh nghiệp khác, chúng tôi đã trải qua một giai đoạn đầy thử thách. 9 tháng đầu năm, khó khăn chồng chất ập đến ngành may mặc.
Các tháng còn lại của năm nay, thị trường dệt may xuất hiện một số tín hiệu phục hồi nhưng vẫn phải đối mặt với thiếu đơn hàng và chi phí đầu vào tăng.
Để vượt qua giai đoạn này, chúng tôi tự tạo ra "kháng thể", thay đổi mạnh mẽ và toàn diện, từ tốc độ ra quyết định, cách làm việc đến thay đổi tư duy, thói quen…
* Ông Lê Việt Thắng - nhà sáng lập kiêm CEO 1Office: Đi ra thế giới là tất yếu
2023 là một năm khó khăn, thậm chí khó hơn cả những năm dịch COVID-19 phức tạp.
Bởi những năm dịch, doanh nghiệp tạm thời đình trệ chứ không "cạn" tiền như năm nay.
Nhiều khách hàng chắt chiu, dành nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ sống còn, việc áp dụng chuyển đổi số bị chậm hoặc gác lại.
Ứng phó lại, chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp như tăng chiết khấu, giảm tiến độ thanh toán, hỗ trợ khách hàng dùng trước trả sau…
Về lâu dài, chúng tôi xây dựng nền tảng, chiến lược để đi ra thế giới.
Các sản phẩm công nghệ Việt Nam không thua các đối thủ nước ngoài nhưng một trong những điểm yếu lớn của doanh nghiệp là vốn và marketing.
Chúng tôi đang cố gắng tối ưu chi phí, tập trung vào marketing một cách hiệu quả hơn.
Tôi tin rằng chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược.
* Ông Nguyễn Ngọc Luận - nhà sáng lập Công ty nông sản Meet More: Càng khó khăn, đòi hỏi doanh nhân càng linh hoạt
Tôi có 19 năm làm kinh doanh và nhiều năm với những trải lòng khác nhau Ngày Doanh nhân. Nhưng phải nói, 2023 là một năm thực sự khó khăn.
Bối cảnh này đỏi hỏi mỗi doanh nhân phải linh hoạt hơn, xác định "tăng ga", tăng công suất dài dài. Để tồn tại được, mỗi doanh nghiệp cũng cần có chiến thuật riêng.
Chúng tôi tập trung chế biến sâu, đẩy mạnh đưa nông sản Việt ra nhiều nước trên thế giới, thay vì loanh quanh chỉ có Trung Quốc, châu Âu. Vừa qua, chúng tôi mở rộng sang châu Phi, khu vực này tiêu thụ rất tốt.
Nhiều đối tác nhận xét "nông sản bản địa tại Việt Nam cực kỳ giá trị, nhưng chưa biết cách tận dụng". Không ai khác, những người làm kinh doanh trong lĩnh vực này phải là những người có trách nhiệm để giải quyết bài toán "được mùa mất giá".
* Ông Trần Khánh Quang - tổng giám đốc Công ty đầu tư Bất động sản Việt An Hòa: Giai đoạn xấu nhất thị trường bất động sản đã qua
Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, hiện tại đang thời điểm đầu quá trình phục hồi.
Khá nhiều tín hiệu tốt mà thị trường đã đón nhận thời gian qua, như chính sách gỡ khó từ Chính phủ đối với các dự án bất động sản, thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, đầu tư công...
Một số chủ đầu tư mở bán trở lại, tăng chiết khấu, khuyến mãi, hâm nóng thị trường.
Mặc dù có yếu tố tích cực như vậy nhưng sự hồi phục của thị trường vẫn chưa nhanh. Theo tôi, chủ yếu do vấn đề nguồn cung tín dụng bất động sản.
Dư nợ kinh doanh bất động sản tính đến hết tháng 7 vẫn tăng trưởng, theo tôi một phần do các ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu khoản nợ. Chúng ta thấy có sự lệch pha dòng tiền cho vay chủ đầu tư và cho vay cá nhân. Để thị trường mau chóng khởi sắc hơn, tôi cho rằng nguồn vốn tín dụng cần được đẩy mạnh, tiếp cận đối với khách hàng cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận