Hai mẹ con hoảng sợ băng qua đường ở khu trung tâm Hong Kong trong cuộc biểu tình chống chính quyền ngày 27-10 - Ảnh: REUTERS
Bất chấp những cảnh báo của chính quyền về việc biểu tình là bất hợp pháp, người Hong Kong vẫn xuống đường ngày 27-10 và tấn công một số cơ sở kinh doanh.
Theo Hãng tin Reuters, trong một bài đăng trên blog ngày 28-10, ông Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po) - cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong, viết: "Cú đánh (từ các cuộc biểu tình) đối với nền kinh tế của chúng ta là toàn diện".
Vị lãnh đạo tài chính của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong cho biết thêm rằng một ước tính sơ bộ cho GDP quý ba, công bố vào ngày 31-10 sẽ cho thấy kinh tế của hai quý liên tiếp bị suy giảm - đây là định nghĩa kỹ thuật của suy thoái kinh tế.
Ông Trần cũng nói rằng sẽ là "cực kỳ khó khăn" cho chính quyền để đạt được mức tăng trưởng kinh tế hằng năm dự báo từ 0-1%.
Trước đó, vào chiều 22-10, ông Trần Mậu Ba cùng cục trưởng Cục Phát triển kinh tế, thương mại Hong Kong Khâu Đằng Hoa (Edward Yau) và cục trưởng Cục Vận tải và nhà ở Trần Phàm (Frank Chan) đã công bố biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp lần thứ ba.
Tổng chi phí cho gói hỗ trợ doanh nghiệp lần này là 2 tỉ đôla HK (tương đương 250 triệu USD). Trong đó, chính quyền Hong Kong sẽ hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho 61.000 tài xế taxi, xe buýt nhỏ.
Khi họ vào đổ xăng tại các trạm nhiên liệu, họ sẽ được giảm 1 HKD/lít và do chính quyền chi trả, sau đó chính quyền sẽ thảo luận chi tiết với công ty xăng dầu.
Các biện pháp hỗ trợ cho ngành du lịch sẽ do Cục Phát triển kinh tế, thương mại và các quan chức phụ trách du lịch thống nhất rồi công bố sau.
Chính quyền Hong Kong hi vọng biện pháp này sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp do những bất ổn xã hội thời gian gần đây gây ra, tiếp tục tạo lực đẩy cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Hong Kong trước các khó khăn do kinh tế không ổn định.
Lửa nổi lên tại một lối vào của trạm xe điện Mong Kok MTR tối 27-10 - Ảnh: REUTERS
Nền kinh tế Hong Kong đang đối mặt với thách thức chưa từng có do tác động của làn sóng biểu tình bạo lực, khiến số du khách tới khu vực này giảm mạnh, hoạt động bán lẻ và xuất khẩu đình trệ trong khi triển vọng kinh tế cũng trở nên ảm đạm.
Thị trường lao động khu vực đối mặt với áp lực ngày càng lớn khi tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Nền kinh tế với mức độ phụ thuộc cao vào tiêu dùng và ngành dịch vụ tài chính của Hong Kong có mức độ dễ tổn thương đặc biệt cao trước sự sụt giảm niềm tin mà làn sóng biểu tình gây ra. Câu hỏi đặt ra lúc này là tình trạng suy giảm sẽ sâu tới mức nào và kéo dài trong bao lâu.
Theo Hãng tin Bloomberg, từ khách sạn hạng sang tới trung tâm mua sắm cao cấp, từ cửa hiệu tới nhà hàng bình dân tại các khu vực mà du khách thường lui tới khi thăm Hong Kong như khu trung tâm, Causeway Bay hay Tsim Sha Tsui, các doanh nghiệp những ngày này đều phải đóng cửa sớm hoặc chứng kiến lượng khách sụt giảm.
Hơn 4 tháng biểu tình với bạo lực ngày càng có chiều hướng leo thang ở Hong Kong đã khiến du khách ngại ghé thăm vùng lãnh thổ này.
"Tôi không kỳ vọng có bất kỳ biện pháp mạnh nào có thể ngay lập tức xoay chuyển tình thế cho nền kinh tế Hong Kong", chuyên gia kinh tế Dong Chen thuộc Pictet Wealth Management nhận xét.
"Kịch bản tốt nhất là sau đợt khủng hoảng chính trị này, Hong Kong có thể đi đến một kế hoạch hoặc biện pháp dài hơn hơn để giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu".
Những người bán hàng cũng ngán ngẩm khi thành phố luôn tràn đầy dấu hiệu của giận dữ và trấn áp - Ảnh: REUTERS
Khi công bố kế hoạch ngân sách vào tháng 2 năm nay, Cục trưởng tài chính Trần từng dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 2-3%. Tháng 8 vừa qua, ông Trần cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 của Hong Kong còn 0-1%.
Doanh thu bán lẻ của Hong Kong trong tháng 8 giảm kỷ lục 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng du khách tháng 8 giảm 40%, còn 3,6 triệu lượt, mức thấp nhất kể từ dịch SARS 2003. Xuất khẩu của Hong Kong năm nay được dự báo sẽ giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ.
Người bán nước giải khát ở Hong Kong phải đeo mặt nạ phòng độc do sợ hơi cay của cảnh sát chống biểu tình - Ảnh: REUTERS
Nhiều chuyên gia dự báo mức tăng trưởng năm nay của kinh tế Hong Kong sẽ ở dưới mức 1%. Trong đó, ngân hàng JPMorgan Chase dự báo mức tăng 0,3%, yếu nhất kể từ năm 2009.
Kinh tế giảm tốc đã gây sức ép suy giảm lên thị trường chứng khoán Hong Kong, với chỉ số MSCI Hong Kong Index giảm 18% kể từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4, dẫn đầu là các nhóm cổ phiếu bất động sản và tiêu dùng.
Hong Kong từng trải qua những thách thức kinh tế nghiêm trọng trước đây. Như vào đầu thập niên 2000, dịch SARS khiến vùng lãnh thổ này phải đóng cửa vì lo sự lây lan của loại virus chết người. Nhưng sau dịch, lượng du khách tới Hong Kong và niềm tin doanh nghiệp tại tăng mạnh.
Sự khác biệt của cuộc khủng hoảng hiện nay là không có kỳ vọng và một giải pháp sớm, bởi cả chính quyền và nguời biểu tình đều thể hiện quan điểm cứng rắn.
Trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp ở Hong Kong tăng lần đầu tiên trong 2 năm. Trong những tháng tới, một làn sóng sa thải và đóng cửa cơ sở kinh doanh có thể rộ lên ở thành phố này.
Nhằm ứng phó với nền kinh tế suy giảm, chính quyền Hong Kong đã tung một gói kích thích kinh tế trị giá 2,4 tỉ USD vào tháng 8 vừa qua.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, xét tới mức độ của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, thì gói hỗ trợ này cũng chỉ giống như một đồng bạc lẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận