Kinh tế học Olympic

LONG HẢI 28/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT - Thế vận hội hiện đại đã phát triển đáng kể từ kỳ giải đầu tiên năm 1896. Trong nửa cuối thế kỷ 20, chi phí tổ chức cũng như doanh thu đã tăng nhanh chóng, gây ra tranh cãi bởi là gánh nặng với các nước chủ nhà.

Hình ảnh hào nhoáng của lễ khai mạc Olympic Rio 2016 tương phản mạnh mẽ với sự ảm đạm ở các khu ổ chuột của thành phố - wtop.com
Hình ảnh hào nhoáng của lễ khai mạc Olympic Rio 2016 tương phản mạnh mẽ với sự ảm đạm ở các khu ổ chuột của thành phố - wtop.com

Suốt thế kỷ 20, việc đăng cai Olympic luôn bị coi là gánh nặng tài chính với thành phố chủ nhà, cũng là lý do khiến các kỳ giải chủ yếu diễn ra ở các nước phát triển, châu Âu, Mỹ hoặc Nhật Bản. Trước thời đại của truyền hình trực tiếp, các thành phố chủ nhà chẳng thể mong lời lãi gì từ thế vận hội, vì thế việc đăng cai tới tay các nước giàu với quan điểm nền kinh tế lớn hơn cùng cơ sở hạ tầng tốt hơn sẽ giúp họ đảm đương ngày hội thể thao hợp lý hơn.

Giàu lại ghét chơi ngông

Thay đổi bắt đầu tới từ những năm 1970, theo Andrew Zimbalist - tác giả cuốn Circus Maximus: The economic gamble behind hosting the Olympics and the World Cup (tạm dịch: Gánh xiếc cực đại: Trò cờ bạc kinh tế đằng sau việc đăng cai Olympic và World Cup). Giải đấu phát triển mạnh với số lượng VĐV và môn thể thao đều tăng gấp nhiều lần. Năm 1972, Denver (Mỹ) là thành phố đầu tiên và duy nhất từ chối tổ chức Olympic sau khi đã được chọn, thông qua một cuộc trưng cầu ý dân mà đa số người dân không đồng tình việc lấy tiền ngân sách ra “ăn chơi”.

Năm 1976, Olympic mùa hè Montreal trở thành biểu tượng cho rủi ro tài chính với thành phố chủ nhà. Chi phí tổ chức ban đầu ước tính 124 triệu USD đã bị đội lên đến 2,6 tỉ USD. Chính quyền thành phố phải mất hơn 30 năm sau mới trả hết nợ! Một hệ quả khác: năm 1979, Los Angeles là ứng viên đăng cai Olympic 1984 duy nhất và họ đã yêu sách đủ thứ với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Những nhượng bộ của IOC và công nghệ truyền hình trực tiếp mới giúp Los Angeles trở thành thành phố đầu tiên có lãi khi tổ chức Olympic (215 triệu USD).

Thấy “ngon ăn”, nhiều thành phố lớn khác nhảy vào cuộc. Từ chỗ chỉ có hai thành phố tranh quyền đăng cai ở Olympic 1988 tới tận 12 thành phố năm 2004. Các nhà nghiên cứu Robert Baade và Victor Matheson chỉ ra rằng tần suất tranh quyền đăng cai của các nước đang phát triển đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua.

Thế sự xoay vần, Olympic có vẻ đang trở lại giống với thời “mông muội” khi những tay chơi mới phải bỏ ra các khoản tiền khổng lồ cho cơ sở hạ tầng phục vụ giải: Bắc Kinh tốn 45 tỉ USD ở Olympic 2008, Sochi mất 50 tỉ USD cho Olympic mùa đông 2014 và Rio năm nay ước tính 20 tỉ USD.

Các nước giàu, trong khi đó, vẫn chưa quên bài học cũ. Hamburg (Đức), Oslo (Na Uy) và Stockholm (Thụy Điển) đều từng định xin đăng cai rồi lại rút lui với các kỳ thế vận hội khác nhau. Boston (Mỹ) xin thôi đăng cai Olympic mùa hè 2014 khi ngài thị trưởng “không thể thế chấp tương lai của cả thành phố”.

Bao nhiêu tiền là đủ?

Chưa cần thấy mặt VĐV, riêng việc lao vào cuộc đua đã là rất tốn kém, thường là hàng triệu đôla cho việc đánh giá, chuẩn bị và trình kế hoạch lên IOC. Chi phí thật sự tham gia cuộc đua, lên kế hoạch, thuê tư vấn, tổ chức sự kiện vận động và đi lại rơi vào khoảng 50-100 triệu USD nữa (Tokyo chẳng hạn, chi 150 triệu USD cho chiến dịch thất bại đăng cai Olympic 2016 và một nửa số đó nữa để giành quyền làm chủ nhà Olympic 2020).

Sau khi được lựa chọn, thành phố chủ nhà có xấp xỉ 10 năm để chuẩn bị đón tiếp VĐV và du khách. Thế vận hội mùa hè có quy mô lớn hơn, với hơn 10.000 VĐV tham gia khoảng 300 nội dung thi đấu so với dưới 3.000 VĐV và khoảng 100 nội dung của Olympic mùa đông. Một trong những điều thiết yếu nhất là nâng cấp các cơ sở thi đấu, làng VĐV và sân vận động chính phục vụ lễ khai mạc và bế mạc.

Nhưng các hạ tầng đó đều có nguy cơ lớn trở thành “Những con voi trắng”, khái niệm chỉ các công trình hay thiết bị đắt tiền nhưng không còn giá trị sử dụng hậu Olympic, mà còn tốn thêm chi phí bảo dưỡng những năm sau này. Nhà cầm quyền Sydney hằng năm vẫn phải chi hơn 30 triệu USD để bảo trì sân Olympic. Sân vận động Tổ Chim nổi tiếng của Trung Quốc tốn 460 triệu USD để xây dựng và 10 triệu USD một năm để bảo trì, dù chả mấy khi sử dụng. Hầu hết cơ sở được xây dựng cho Thế vận hội Athens 2004, trực tiếp gây ra khủng hoảng nợ cho Hi Lạp, giờ bỏ hoang.

Những nhà kinh tế học còn nhấn mạnh “chi phí cơ hội” của Olympic, khi mà cũng những đồng tiền ngân sách quý giá đó lẽ ra phải được bỏ vào các nhiệm vụ phát triển và xã hội quan trọng. Tính tới thời điểm hiện tại, Olympic Los Angeles 1984 vẫn là kỳ thế vận hội duy nhất mà chủ nhà có lãi, phần lớn bởi giải đấu được tổ chức hoàn toàn trên cơ sở hạ tầng có sẵn. Những kỳ giải về sau, doanh thu chỉ là một phần nhỏ của kinh phí. Bắc Kinh chẳng hạn, bỏ 40 tỉ USD cho Olympic 2008, thu về 3,6 tỉ USD.

Để bù lại khoản thâm hụt, các thành phố và quốc gia chủ nhà thường hi vọng thế vận hội sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm cho dân địa phương, thu hút khách du lịch hoặc thúc đẩy GDP nói chung. Tuy nhiên, nghiên cứu sau các thế vận hội cho thấy những lợi ích đó không hề rõ ràng.

Rio 2016 đã diễn ra với rất nhiều cảm xúc và thật sự thành công về mặt thể thao, nhưng tiếc thay những hậu quả với người dân thành phố này cho cuộc chơi kéo dài gần một tháng qua giờ mới bắt đầu được “tính sổ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận