Theo các chuyên gia, không thể vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi sức khỏe, sự an toàn của người dân, tất cả đều phải thượng tôn pháp luật.
Xoay quanh chủ đề này, Tuổi Trẻ đã trao đổi với PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải thuộc Trường ĐH Việt Đức.
Ông cho biết trên thế giới không có quốc gia nào vì kinh tế đêm mà nới lỏng an toàn giao thông, an ninh trật tự cả. Không thể vì lợi ích kinh tế để đánh đổi bởi cuộc sống văn minh lịch sự, sức khỏe và tính mạng con người luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu.
Trong mấy năm qua, việc kiểm soát nồng độ cồn đã tốt hơn trước, đặc biệt khi áp dụng nghị định 100, số vụ tai nạn do nồng độ cồn giảm hẳn. Tuy vậy, số vu tại nạn giao thông vẫn còn, cần phải giảm thêm.
* Nhưng khi thực thi nghiêm về kiểm tra nồng độ cồn, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó phát triển kinh tế đêm?
- Nói kinh tế đêm chỉ đơn thuần là ăn nhậu là một sự nhầm lẫn vì đây là một chuỗi các hoạt động rất đa dạng từ mua bán, vui chơi giải trí, sản xuất, hoạt động vận chuyển hàng hóa...
Phát triển kinh tế đêm là để khai thác tối đa hạ tầng đang có. Có thể thấy, khi tất cả hoạt động tập trung vào ban ngày, đường phố ùn tắc. Vì vậy, chúng ta mới phải giãn ra, giảm lượng xe ban ngày, tăng vào ban đêm. Các văn phòng, shop, nhà hàng cũng có thể mở muộn hơn thâu đêm đến tận sáng hôm sau.
Khái niệm kinh tế đêm là nới rộng thời gian hoạt động kinh tế, giảm thiểu sự tập trung vào ban ngày. Ở TP.HCM hiện đang phát triển thêm các tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực, tour du lịch... để người dân có thể vui chơi giải trí nhiều vào ban đêm.
Theo tôi, phát triển kinh tế đêm, song vẫn phải kiểm soát chặt nồng độ cồn. Dù cho lực lượng chức năng có chốt chặn trước cửa quán hay đứng bên cạnh, nếu anh tuân thủ quy định thì việc gì phải ngại.
Hiện nay, taxi, xe ôm... đều phủ sóng khắp nơi, nhậu xong gọi xe chở về nhà cho an toàn, mức phí cũng không cao. Rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do lái xe có nồng độ cồn trong người, làm mất mát cho bao gia đình, gây tổn thất rất lớn cho xã hội. Anh đâu có thể nhậu tẹt ga rồi vô tư lái xe về khi trong người có nồng độ cồn được.
Không chỉ người đi nhậu mà các hộ kinh doanh ban đêm cũng cần có trách nhiệm với xã hội. Thấy khách nhậu say thì nhắc nhở khách gọi xe hoặc gọi xe giùm cho khách ra về. Hiện nay, tôi thấy nhiều quán nhậu đã có dịch vụ đưa khách về nhà. Đây là tín hiệu rất khả quan về sự chuyển biến của văn hóa giao thông.
* Thưa ông, nhiều đô thị lớn trên thế giới có kinh tế đêm rất phát triển, nhiều nơi được coi là thành phố không ngủ, họ kiểm soát như thế nào về nồng độ cồn và an ninh trật tự mà vẫn phát triển tốt?
- Thái Lan, Thượng Hải (Trung Quốc) hay các nước châu Âu phát triển kinh tế đêm nhưng hầu hết người ta đến phố đi bộ để tận hưởng dịch vụ, ăn chơi, uống bia. Nhưng sau khi uống rượu bia, họ đi xe buýt, đi bộ, đi tàu điện... về nhà.
Hơn nữa, ở những quốc gia này họ dùng công nghệ nhận diện tự động và nhanh chóng phát hiện, xử phạt người vi phạm. Tôi có thời gian sống ở Nhật Bản và thấy họ nhậu trễ quá hết giờ tàu điện chạy, họ chọn đi taxi về hoặc ngủ lại nhà nghỉ cho an toàn.
Nhật Bản phạt rất nặng nhưng vẫn có những vụ tai nạn xảy ra đem lại nỗi đau cho gia đình và xã hội. Một nhóm nghị sĩ đã đứng ra vận động hình sự hóa hành vi uống rượu bia và lái xe. Số tiền phạt và hình phạt phải dựa vào nồng độ cồn trong máu. Chính nhờ như vậy, ý thức chấp hành người dân nâng cao hơn.
* Vậy giải pháp xây dựng văn hóa giao thông gắn với phát triển kinh tế đêm của Việt Nam cần theo chiến lược nào?
- Theo tôi, để hình thành ý thức và thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe là bài toán chiến lược lâu dài. Đối với những hành vi này phải cần đồng bộ nhiều giải pháp cùng lúc vừa tăng mức xử phạt vừa kết hợp với tuyên truyền. Phải kiểm soát chặt chứ không phải kiểm soát theo kiểu phong trào, nay chặt mai lỏng.
Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục, tuyên truyền cho những người dân có ý thức chuyển sang đi xe công cộng là rất cần thiết. Chúng ta được quyền uống thoải mái nhưng không để ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân, những người đi đường khác.
Phát triển kinh tế ban đêm thì chúng ta phải tính toán, nghiên cứu xem cần những ai hoạt động vào ban đêm, loại phương tiện nào, khung giờ nào cần thiết. Từ đó, cung cấp giải pháp về hạ tầng, về giao thông công cộng, về dịch vụ...
Không chỉ vậy, còn phải xây dựng chính sách, quy định để hỗ trợ, quản lý hoạt động kinh tế đêm. Và nguyên tắc bất di bất dịch là quy định về an toàn giao thông thì dù ban ngày hay đêm cũng không được phép dỡ bỏ. 24/24 giờ cũng phải đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thiếu đội ngũ quản lý ở các phường. Đây là vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo vấn đề an toàn, trật tự. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế đêm phải quy hoạch khu vực để không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân sống ở đó.
Ai cũng phải thượng tôn pháp luật
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Ân, việc phát triển kinh tế đêm cùng với kiểm soát chặt an toàn giao thông, trật tự là vấn đề cần phải thực hiện song song. Chúng ta phải kiểm soát chặt để tránh chuyện lạm dụng bia rượu dẫn đến phá phách, gây tai nạn, ảnh hưởng đến người dân. Phố đêm ở Trung Quốc, Thái Lan hay bên châu Âu cũng kiểm soát rất chặt và nghiêm túc.
Nếu kiểm soát tốt, về lâu dài sẽ nâng cao ý thức của người dân. Ăn nhậu thoải mái nhưng vẫn trật tự và an toàn, ai cũng phải thượng tôn pháp luật. Dần dần, phố đêm nói riêng và kinh tế đêm nói chung sẽ hoạt động quy củ. Từ đó, người dân thấy an toàn sẽ tới nhiều hơn, kinh tế đêm lại thêm phát triển.
Một chiến sĩ cảnh sát giao thông tại TP.HCM cho biết các lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát nồng độ cồn ở các khu vực có nhiều nhà hàng, quán nhậu. Nhưng thực tế tình trạng vi phạm vẫn còn rất nhiều, người dân vẫn uống rượu bia rồi lái xe.
Có nhiều trường hợp quá say xỉn không tự chủ được đã cự cãi, chống cự kiểm tra nồng độ cồn. Qua đây, có thể thấy ý thức chấp hành giao thông của một bộ phận người dân vẫn chưa cao gây ra những hệ lụy cho bản thân và những người xung quanh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết việc thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn được triển khai đồng bộ, thường xuyên trên các tuyến đường, vị trí do đội/trạm thuộc PC08 đảm trách.
Các tổ sẽ linh hoạt kiểm soát tại một điểm kết hợp tuần tra cơ động. Theo đại diện PC08, từ ngày 15-12-2022 đến 14-3-2023, lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM đã phát hiện, xử lý 25.262 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
MINH HÒA
Uống rượu bia không lái xe, được mà!
Nhiều quán nhậu ở miền Tây cho biết việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn lúc đầu có ảnh hưởng đến kinh doanh nhưng sau khi nhà hàng và thực khách có xu hướng tuân thủ pháp luật, tình hình đã dần cải thiện.
Chị Trang Thùy Trang - chủ quán nhậu ở phường 9, TP Cà Mau - cho hay ban đầu khách giảm đến hơn 50%. Quán cử nhân viên, bố trí phương tiện để đưa khách và xe về tận nhà bất cứ lúc nào.
Hiệu quả không ngờ, dần dần khách đông lại như bình thường. Gần đây, tại Cà Mau phát triển mạnh mô hình các nhóm xe ôm công nghệ nên khách thường đặt xe ôm để về sau khi uống bia rượu nên quán dừng dịch vụ đưa khách về tận nhà.
Còn chị Hồng Nhung - quản lý nhà hàng Hồ Sen (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết nhà hàng chị bố trí ô tô và tài xế túc trực chở khách về miễn phí. Ngoài ra còn có phòng riêng cho tài xế và khách nhậu quá say để nghỉ ngơi, thật khỏe rồi mới về.
Tại An Giang, một số nhà hàng lớn cũng bố trí xe ô tô chở khách về nhà trong nội ô TP Long Xuyên nếu có uống rượu bia...
Lãnh đạo các địa phương đều khẳng định không chấp nhận phát triển kinh tế đêm mà lơi tay kiểm soát chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Như tại An Giang, trong tháng 4, Công an tỉnh đã tạm giữ 1.281 phương tiện, xử phạt 729 trường hợp vi phạm với số tiền gần 3,5 tỉ đồng, tước có thời hạn 675 giấy phép lái xe.
Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết dù An Giang đang phát triển kinh tế đêm nhưng theo hướng thu hút du khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, mua sắm, làng nghề, đặc sản... chứ không khuyến khích phát triển ăn uống nhậu nhẹt.
Trong khi đó ông Nguyễn Thanh Bằng - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau - cho biết gần đây ở tỉnh không có các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn.
Theo đánh giá của Bộ Công an, năm 2022 Cà Mau là một trong tám tỉnh dẫn đầu cả nước về kiểm soát tốt nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
"Giờ hầu như ở Cà Mau không còn tình trạng đối phó bằng cách nhậu về kiếm các con hẻm, đường tắt để đi, qua mặt lực lượng tuần tra", ông Bằng chia sẻ.
KHẮC TÂM - BỬU ĐẤU - THANH HUYỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận