Nhiều câu hỏi như thế vừa được các chuyên gia nhân sự, kinh tế, tuyển dụng cùng chia sẻ tại hội thảo Holistic Excellence do CareerViet cùng một số đối tác tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Doanh nghiệp nhỏ dễ làm thương hiệu
Giám đốc nhân sự cao cấp Tập đoàn PNJ Nguyễn Chí Kiên cho rằng doanh nghiệp đã có thương hiệu sẽ nhiều lợi thế trong tuyển dụng, mời gọi người giỏi.
Tuy nhiên, không hẳn vì thế mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó trong việc này nếu biết phát huy điểm mạnh của mình. Chưa kể nhiều người giỏi thường thích tìm chân trời mới, cả doanh nghiệp khởi nghiệp, để khẳng định bản thân.
Tổng giám đốc CareerViet Bùi Ngọc Quốc Hưng nói lao động trẻ hiện nay quan tâm nhiều đến môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp bên cạnh vấn đề lương thưởng trước khi chọn nơi đầu quân. Do đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ càng cần cho thấy nét văn hóa riêng nếu muốn thu hút, giữ chân nhân tài gắn bó và công hiến.
Theo ông Hưng, nhiều người hay nói xây dựng thương hiệu tốn kém, doanh nghiệp phải "khỏe" mới làm thương hiệu. Nhưng thực tế doanh nghiệp vừa và nhỏ càng dễ làm thương hiệu, có khi hiệu quả hơn doanh nghiệp lớn.
"Độ gắn kết giữa nhân viên tại các doanh nghiệp này mạnh hơn do lượng nhân sự vừa phải. Mọi người hiểu thông điệp công ty chắc chắn hơn rồi cùng nhau lan tỏa thông điệp ấy ra ngoài cũng hiệu quả hơn" - ông Hưng phân tích.
Còn ông Tôn Thất Anh Vũ - phó tổng giám đốc, quản lý khối nhân sự của Manulife Việt Nam - nhấn mạnh chiến lược nhân sự phải gắn liền với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Lực lượng lao động có vững, doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Thế nên vai trò người làm công tác nhân sự, nhà tuyển dụng rất quan trọng.
Người làm công tác nhân sự phải có tư duy tích cực, phải nắm chắc định hướng của lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó thiết kế chương trình tuyển dụng phù hợp.
Nhất thiết đầu tư cho con người
Nguyên tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải - phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt - nói đa phần doanh nghiệp đều xem con người là cốt lõi nhưng thực tế chưa hẳn như vậy.
Ông Hải dẫn chứng việc đầu tiên doanh nghiệp nghĩ đến khi gặp khó là cắt giảm mà trước hết là chi phí đầu tư con người. Tuy vậy, ông Hải nói càng khó doanh nghiệp càng cần tập trung nhiều hơn cho việc tuyển người tài, đầu tư chi phí đào tạo nhân lực.
Bởi khi khó doanh nghiệp mới có thời gian, cơ hội nhìn ra điểm thiếu sót. Và con người sẽ tạo nên sự khác biệt vì sản phẩm, dịch vụ hay công nghệ đều có thể sao chép, bắt chước nhau. Đặt con người ở vị trí quan trọng, là tài sản quý nhất của doanh nghiệp càng cần xem đã đầu tư ra sao, bảo vệ thế nào và giúp tài sản ấy phát triển ra sao.
Một số ý kiến lạc quan khi dự đoán xu hướng phát triển của thị trường lao động - việc làm năm 2024 sẽ đỡ khó khăn hơn dù nói tình hình kinh tế còn tương đối khó, chưa "sáng" lắm. Thời gian tới sẽ dễ dàng nhìn thấy sự chuyển dịch lao động rõ rệt ở một số ngành như dệt may, da giày. Chưa kể nhân sự một số ngành sẽ bị thay thế bởi máy móc.
Theo các chuyên gia, mỗi người lao động cần tự trang bị, chuẩn bị cho quá trình bị thay thế và chuyển dịch. Để ngay cả lao động phổ thông vẫn có thể đa năng hơn, linh động hơn vì nếu chỉ biết và mạnh một lĩnh vực thì tỉ lệ bị đào thải càng cao. Nhiều ý kiến thống nhất rằng lao động, nhất là lao động trẻ, thiếu kỹ năng số và cả kỹ năng giao tiếp.
Mức độ hài lòng về công việc giảm
Một khảo sát mới đây cũng chỉ ra nhóm lao động trẻ, nhất là các bạn gen Z, dù mới đi làm chừng một năm nhưng mức độ hài lòng với công việc ngày càng giảm, càng về sau chỉ số này càng tăng.
Nhóm việc làm có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng và có thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI), robot như quảng cáo, truyền thông - báo chí, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhà hàng - khách sạn, thậm chí nhắc đến cả nghề luật, bác sĩ...
Gen Z ít quan tâm cơ hội thăng tiến
CareerViet cũng vừa công bố top 100 thương hiệu tuyển dụng được yêu thích nhất của nhóm doanh nghiệp lớn, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ qua khảo sát "Nhà tuyển dụng yêu thích 2023". Hơn 39.000 người thuộc các độ tuổi, ngành nghề khác nhau trên toàn quốc đã tham gia trả lời và bình chọn khảo sát.
Bà Trần Liên Phương - phó tổng giám đốc Amco Việt Nam (đơn vị đồng hành cùng CareerViet thực hiện khảo sát) - cho rằng có nhiều kết quả thú vị, khác biệt rõ rệt giữa các thế hệ lao động, đặc biệt từ khối lao động gen Z.
Lao động trẻ cực kỳ quan tâm đến môi trường làm việc, cơ sở vật chất, phong cách và không gian làm việc, đồng nghiệp và "đặc biệt là một người sếp phải hơi teen".
Các bạn không quan tâm nhiều đến tầm nhìn giá trị. Khảo sát cho thấy hiện họ có quá nhiều cơ hội, nhiều việc để làm, cuộc sống trở nên dễ dàng hơn nên kỳ vọng vào công việc ít đi. Từ đó, các cơ hội thăng tiến cũng ít quan trọng với nhóm lao động này.
"Giới trẻ bây giờ sẽ hài lòng với những gì họ cảm thấy vừa đủ bởi họ còn muốn hưởng thụ cuộc sống, thư giãn nhiều hơn, cân bằng nhiều hơn" - bà Phương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận