07/06/2024 11:27 GMT+7

'Kinh tế bạc' ở Đông Nam Á

Nhiều nước ở Đông Nam Á đang đối mặt với vấn đề dân số già đi nhanh chóng. Và các nước đã và đang chuẩn bị cho nền 'kinh tế bạc' (silver economy) để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.

Robot chăm sóc người già được trưng bày tại một hội nghị ở thủ đô Bangkok, Thái Lan - Ảnh: AFP

Robot chăm sóc người già được trưng bày tại một hội nghị ở thủ đô Bangkok, Thái Lan - Ảnh: AFP

"Kinh tế bạc" là một cụm từ ra đời vào những năm 1970 tại Nhật trong bối cảnh ngày càng nhiều các dịch vụ và tiện ích dành cho người lớn tuổi xuất hiện.

Liên minh châu Âu định nghĩa nền "kinh tế bạc" là tổng thể của tất cả các hoạt động kinh tế phục vụ nhu cầu của những người từ 50 tuổi trở lên, bao gồm các sản phẩm và dịch vụ họ mua trực tiếp và hoạt động kinh tế tiếp theo mà khoản chi tiêu này tạo ra.

Malaysia ưu tiên "kinh tế bạc"

Theo Thủ tướng Anwar Ibrahim, chỉ sau 23 năm Malaysia đã trở thành một quốc gia già hóa với 14% dân số ở độ tuổi trên 65, và sẽ chỉ thêm 14 năm nữa để chuyển thành quốc gia siêu già với 21% dân số trên 65 tuổi.

Do đó, ông Anwar cho rằng Malaysia cần ưu tiên đầu tư cho "kinh tế bạc". Phát biểu tại hội nghị Phúc lợi xã hội quốc tế năm 2024 diễn ra tại Malaysia trong hai ngày 4 và 5-6, thủ tướng Malaysia đề ra giải pháp cụ thể bao gồm ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực công nghệ hỗ trợ tốt hơn cho người già.

"Cải thiện công nghệ giúp khắc phục việc suy giảm khả năng đi lại và nghe nhìn, nâng cao năng suất của người lớn tuổi tại nơi làm việc, cho phép họ ở lại lâu hơn trong lực lượng lao động", ông Anwar cho biết.

Các nhà kinh tế học cũng nhấn mạnh sự cấp thiết phải phát triển "kinh tế bạc", cải thiện hạ tầng vật chất và xã hội để đảm bảo tăng trưởng bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người già tại Malaysia, theo báo New Straits Times.

Phó giáo sư Guanie Lim, làm việc tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Malaysia, nhận định Malaysia cần cải thiện hạ tầng cứng và mềm. Về hạ tầng cứng, ông Lim cho rằng cần nhiều tiện nghi hơn như thêm các đoạn dốc thay cho cầu thang và thêm số chỗ ngồi ưu tiên trong các khu vực công cộng. Trong khi đó hạ tầng mềm đòi hỏi sự thay đổi thực sự về thái độ phục vụ đối với người già.

Tiến sĩ kinh tế Geoffrey Williams cho rằng việc đầu tư vào y tế công và tư nhân, bao gồm trợ lý chăm sóc tại nhà, y tá, chuyên gia y tế, đều cần thiết vì người già cần được hỗ trợ y tế nhiều hơn. Chuyên gia này cũng lưu ý về việc cần phải cải cách toàn diện về lương hưu và tài chính hưu trí.

Đầu tư chuyển đổi số

Trước Malaysia, Thái Lan cũng đã đề ra các chiến lược cho "kinh tế bạc", trong đó đề nghị đẩy nhanh chuyển đổi số. Nhóm "dân số bạc" tại Thái Lan đang có xu hướng tăng chi tiêu cho các dịch vụ thư giãn, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe cũng như nhiều dịch vụ và sản phẩm cao cấp hơn.

Tốc độ "thị trường bạc" đón nhận chuyển đổi số là rất đáng chú ý. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Thái Lan, việc sử dụng Internet của người dân trên 60 tuổi tăng từ 53,6% trong quý 3-2022 lên 56,3% trong quý 4 cùng năm, theo báo Bangkok Post.

Nghiên cứu của Công ty Deloitte và tạp chí MIT Sloan Management Review cũng chỉ ra những đơn vị chuyển đổi số thành công được cho là sẽ nắm bắt nhiều cơ hội hơn khi đầu tư vào "kinh tế bạc".

Tại Singapore, "kinh tế bạc" đang bùng nổ và ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn có một phần trong miếng bánh đó, theo kênh CNBC. Công ty Aging Asia, một doanh nghiệp xã hội chuyên về phân khúc người cao tuổi tại Singapore, ước tính "kinh tế bạc" của Singapore dự kiến đạt 72,4 tỉ USD vào năm 2025.

Ngày càng nhiều người muốn có một cuộc sống độc lập lúc về già. Do đó, các viện dưỡng lão cũng đã cải tiến theo hướng có cả khu vực cá nhân và công cộng phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và lối sống khác nhau, đây cũng được đánh giá là một thị trường tiềm năng.

Đạt 4,6 nghìn tỉ USD vào năm 2025

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2030 những người từ 50 tuổi trở lên sẽ chiếm 32% trong tổng dân số ở châu Á - Thái Bình Dương. Tại khu vực này, thị trường "kinh tế bạc" được dự đoán sẽ đạt giá trị khoảng 4,6 nghìn tỉ USD vào năm 2025, phục vụ 600 triệu người trên 60 tuổi.

Những người cao tuổi hiện nay có trình độ học vấn, giàu có và am hiểu công nghệ hơn thế hệ cha mẹ họ. Để thu hút những "người tiêu dùng bạc", doanh nghiệp cần đưa ra các giải pháp sáng tạo, phù hợp với lối sống và mục tiêu chăm sóc sức khỏe của họ để có cơ hội thành công cao hơn.

Kinh tế khu vực Đông Á tăng trưởng nhanh nhất thế giớiKinh tế khu vực Đông Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể chỉ tăng 4,5% trong năm 2024, giảm so với năm ngoái, nhưng vẫn là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên