19/04/2025 17:31 GMT+7

Kình ngư Ánh Viên: 'Nuôi dưỡng tài năng giống như nuôi ống heo'

'Nuôi dưỡng tài năng giống như việc bỏ ống heo. Mỗi ngày bỏ vô một chút, có thể không thấy ngay, nhưng đến một ngày nào đó nhìn lại sẽ thấy mình đã tích lũy được một tài sản rất lớn'.

tài năng - Ảnh 1.

Cựu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cho rằng gốc rễ của việc nuôi dưỡng tài năng là sự kiên trì - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Đó là một số chia sẻ thú vị của cựu vận động viên bơi lội tài năng Nguyễn Thị Ánh Viên trong Education Expo 2025 - sự kiện do hệ thống trường quốc tế CIS - SSV - CVK - MLC tổ chức sáng 19-4 tại TP.HCM.

Tài năng không phải lúc nào cũng "tỏa sáng" ngay từ đầu

Ánh Viên đã khẳng định như vậy và theo cô, có thể học sinh chưa biết mình giỏi ở đâu, nhưng đừng sợ. Cứ thử đi đã. Còn nếu không bao giờ bắt tay vào thử thì sẽ không biết được gì.

Cô cho rằng trải nghiệm thực tế là yếu tố quan trọng nhất giúp học sinh nhận ra thế mạnh, thay vì chỉ suy đoán hoặc gò ép vào khuôn mẫu.

Cô kể lại quãng thời gian bắt đầu làm quen với bộ môn bơi ở Cần Thơ. Ánh Viên tự nhận thành tích của mình khi đó rất bình thường, gần như không nổi trội. Nhưng ba của Ánh Viên luôn nhắc nhở con phải nỗ lực.

"Cứ tập đều, ngày này qua ngày khác. Rồi một ngày, mọi thứ sẽ khác", Ánh Viên nói.

Theo cô, đó không chỉ là phương châm của bạn trong khoảng thời gian luyện tập, thi đấu, mà còn trong vai trò một huấn luyện viên bộ môn bơi cho học sinh hiện nay. Cô giáo Ánh Viên luôn nhắc nhở học sinh của mình về hai chữ "kiên trì".

"Không phải điều gì lớn lao. Chỉ là hôm nay mình mệt, nhưng vẫn hoàn thành bài tập. Ngày mai cũng vậy. Dần dần thành thói quen, thành sức mạnh".

"Nuôi dưỡng tài năng giống như việc bỏ ống heo. Mỗi ngày bỏ vô một chút, có thể không thấy ngay, nhưng đến một ngày nào đó nhìn lại sẽ thấy mình tích lũy được một tài sản rất lớn".

Ngược lại, nếu sót một ngày, bạn có thể bỏ qua ngày thứ hai, thứ ba. Khi đã bỏ nhiều ngày sẽ hình thành thói quen lười biếng, cuối cùng chiếc "ống heo thành công" sẽ không bao giờ đầy.

tài năng - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Thành Nam trao đổi với phụ huynh trong chương trình - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam - phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng tài năng không phải là đặc quyền của một nhóm nhỏ sinh ra đã có sẵn "năng khiếu đặc biệt".

Ông chia sẻ rằng mỗi đứa trẻ đều có thể phát triển năng lực vượt trội trong một lĩnh vực nào đó, nếu được đặt vào môi trường phù hợp và nhận được sự đồng hành đúng cách từ gia đình, thầy cô và xã hội.

Ông cũng bày tỏ một trong những vấn đề của giáo dục hiện nay là tư duy "đồng hóa" - khi chương trình học và mục tiêu giáo dục thường hướng tới số đông, lấy mức trung bình làm chuẩn. Điều đó có thể khiến những học sinh nổi bật không có cơ hội phát triển đúng tiềm năng, thậm chí bị yêu cầu "chờ" các bạn khác.

Theo ông, một chương trình nếu cố gắng phù hợp với tất cả học sinh, có khi lại không phù hợp với ai cả. Giáo dục nên thiết kế trải nghiệm học tập để mỗi học sinh đều có cơ hội chạm đến xuất sắc theo cách riêng của mình.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của trải nghiệm sớm. Thay vì chỉ nhìn vào điểm số hay bài kiểm tra, phụ huynh và giáo viên nên tạo điều kiện để trẻ tham gia nhiều hoạt động, từ thể thao, nghệ thuật, công nghệ đến dự án xã hội để trẻ có cơ hội thể hiện sự tò mò, bền bỉ, sáng tạo…

Nếu không có kỹ năng và nhận thức đúng, học sinh rất dễ bị lệ thuộc vào AI

tài năng - Ảnh 3.

Chuyên gia Lương Dũng Nhân nói về AI và những bước thay đổi trong giáo dục - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Từ khía cạnh công nghệ, nghiên cứu sinh tiến sĩ Lương Dũng Nhân - chuyên gia nghiên cứu về AI trong giáo dục - cho rằng AI đang từng bước thay đổi cách học, cách dạy và đặc biệt là cách mỗi cá nhân định vị bản thân trong thế giới tri thức.

Thông qua AI, học sinh có thể biết mình học theo kiểu nào thì hiệu quả, điểm mạnh, yếu ở đâu, cần làm gì để cải thiện. Thậm chí, các công cụ AI còn có thể hỗ trợ học sinh gợi ý nghề nghiệp phù hợp với kỹ năng, tính cách và sở thích, giúp việc định hướng tương lai trở nên cụ thể hơn.

Tuy nhiên ông cũng đưa ra cảnh báo: nếu không có kỹ năng và nhận thức đúng, học sinh rất dễ bị lệ thuộc vào AI. Khi đó, thay vì giúp phát triển tư duy, AI lại trở thành công cụ thay thế tư duy.

"Điều quan trọng là phải học cách dùng AI như một bạn đồng hành, một người trợ lý thông minh", ông nói.

Ông đề xuất cả giáo viên lẫn phụ huynh nên đồng hành cùng học sinh trong quá trình sử dụng AI, từ việc đặt câu hỏi thông minh, kiểm chứng thông tin, đến cách phân tích và phản biện lại kết quả mà công cụ gợi ý. Ông gọi đây là "AI literacy", hay năng lực số, là một năng lực mới cần có trong giáo dục hiện đại.

Diễn ra sáng 19-4 tại TP.HCM, sự kiện thường niên Education Expo 2025 có chủ đề "Định hình tương lai" mang đến loạt chuyên đề thiết thực: từ ứng dụng AI trong giáo dục, tư duy nuôi dưỡng tài năng, đến chiến lược học bổng quốc tế.

Bên cạnh các hội thảo, sự kiện còn có các gian hàng trải nghiệm, tư vấn hướng nghiệp và định hướng học tập cá nhân hóa, giúp học sinh và phụ huynh tiếp cận xu hướng giáo dục mới trong thời đại toàn cầu và công nghệ.

Kình ngư Ánh Viên: 'Nuôi dưỡng tài năng giống như nuôi ống heo' - Ảnh 4.Hàng trăm sinh viên tại TP.HCM tranh tài kỹ năng phòng cháy chữa cháy

Băng lửa, vượt khói, xịt hơi, phun nước… hàng trăm sinh viên bỗng chốc 'hóa thân' thành những chiến sĩ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên